Từ “bom xịt” IPO đến “Chaebol Bình Dương”: Cổ phiếu vượt bão thành công, vốn hóa tăng 1 tỷ USD từ đầu năm

Từ “bom xịt” IPO đến “Chaebol Bình Dương”: Cổ phiếu vượt bão thành công, vốn hóa tăng 1 tỷ USD từ đầu năm

Vốn hóa của Becamex IDC tăng 1 tỷ USD từ đầu năm

Tính từ đầu năm 2022, thị giá BCM đã tăng hơn 34% tương ứng vốn hóa có thêm gần 22.700 tỷ đồng (~1 tỷ USD) đạt xấp xỉ 90.000 tỷ đồng, lớn nhất trong lĩnh vực phát triển khu công nghiệp.

BCM: Công ty cổ phần Công Nghiệp cao su Miền Nam

Giá hiện tại
39.9
Thay đổi

Xem hồ sơ doanh nghiệp

Thị trường chứng khoán vừa khép lại một tháng đầy biến động theo chiều hướng không mấy khả quan. VN-Index giảm 125 điểm đã ảnh hưởng đến hầu hết các cổ phiếu trong đó nhóm vốn hóa lớn cũng không ngoại lệ. Dù vậy, vẫn có những điểm sáng ngược dòng bứt phá nổi bật như cổ phiếu BCM của Tổng Công ty Đầu tư và phát triển Công nghiệp – CTCP (Becamex IDC).

Giữa làn sóng giảm trên diện rộng, BCM không tránh khỏi rung lắc mạnh nhưng cú “rút chân” mang tính bước ngoặt ngày 22/4 đã cho thấy sức khỏe của cổ phiếu này. Không bị thủng nền giá tạo tiền đề giúp BCM tăng tốc trong tuần cuối tháng 4 qua đó leo lên đỉnh lịch sử mới 85.900 đồng/cổ phiếu.

Tính từ đầu năm 2022, cổ phiếu BCM đã tăng hơn 34% tương ứng vốn hóa có thêm gần 22.700 tỷ đồng (~1 tỷ USD) đạt xấp xỉ 90.000 tỷ đồng, lớn nhất trong lĩnh vực phát triển khu công nghiệp (KCN). Nếu tiếp tục duy trì phong độ, cổ phiếu này nhiều khả năng sẽ sớm gia nhập câu lạc bộ 100.000 tỷ vốn hóa, thậm chí có thể “chen chân” vào top 10.

Từ “bom xịt” IPO đến “Chaebol Bình Dương”

Với quy mô khổng lồ như hiện tại, không quá khi gọi Becamex IDC là “Chaebol Bình Dương”. Thế nhưng, ít người biết rằng “ông trùm” KCN từng bị coi là “bom xịt” IPO với 2 lần đấu giá “ế ẩm’ vào cuối năm 2017 và đầu năm 2018. Sau 2 đợt đấu giá, Becamex IDC chỉ bán được tổng cộng hơn 24 triệu cổ phiếu, tương đương 7,7% trong tổng số 311,2 triệu cổ phần chào bán, thu về tổng cộng 745 tỷ đồng trong khi đặt mục tiêu gần 10.000 tỷ đồng.

Becamex IDC đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn UpCOM từ ngày 21/2/2018 và chính thức chuyển sang niêm yết trên HoSE sau đó tròn 2 năm rưỡi. Thời điểm chào sàn HoSE, vốn điều lệ của doanh nghiệp này đã ở mức 10.350 tỷ đồng trong khi vốn hóa mới chỉ xấp xỉ 30.300 tỷ đồng, tương đương 1/3 so với hiện tại.

Kể từ khi niêm yết, Becamex IDC chưa từng tăng vốn điều lệ dù từng có kế hoạch tăng vốn “khủng” lên 20.000 tỷ đồng trong năm ngoái nhưng sau đó không thực hiện do phải chờ lộ trình thoái vốn và tỷ lệ nắm giữ nhà nước.

Đến cuối năm 2021, Becamex IDC có 19 khoản đầu tư vào các công ty thành viên (6 công ty con và 13 công ty liên kết) trong đó một số doanh nghiệp đã niêm yết như CTCP Phát triển Hạ tầng kỹ thuật (mã IJC), CTCP Kinh doanh và Phát triển Bình Dương (mã TDC), CTCP Xây dựng và Giao thông Bình Dương (mã BCE)… Ngoài ra, tổng công ty còn có 2 khoản đầu tư tài chính đáng chú ý vào Biwase (BWE) và VSIP.

Theo ước tính của Dragon Capital, Becamex IDC đã đầu tư gần 10.000 tỷ đồng vào công ty con và liên kết, tương đương vốn điều lệ của mình. Tại ĐHĐCĐ thường niên 2021 diễn ra cuối tháng 11 năm ngoái, quỹ ngoại này từng khuyến nghị tổng công ty nên xem xét việc thoái vốn tại một số công ty để tăng nguồn lực tài chính với lý do sóng đầu tư vào các công ty vừa và nhỏ đẩy cổ phiếu của một số công ty thành viên lên cao hơn giá trị thật.

Bên cạnh đó, Becamex IDC còn sở hữu quỹ đất KCN lớn nhất Việt Nam và đang có gần 1.000 ha KCN có thể sẵn sàng cho thuê ở những vị trí chiến lược như Bàu Bàng, Mỹ Phước (Bình Dương). Tổng công ty cũng là đối tác chiến lược tại liên doanh VSIP (với nhóm nhà đầu tư Singapore) và liên doanh BWID (với Tập đoàn Warburg Pincus), góp phần hình thành những KCN lớn ở nhiều tỉnh thành như Hải Dương, Bắc Ninh, Hải Phòng, Nghệ An, Quảng Ngãi…

Khác với những doanh nghiệp cho thuê KCN truyền thống, Becamex IDC còn cung cấp hệ sinh thái theo mô hình One-Stop Service: khu công nghiệp song hành đô thị, đảm bảo sự kết nối đồng bộ từ công nghiệp đến dịch vụ và thương mại.

Tổng công ty đã đầu tư phát triển các khu đô thị, khu dân cư (KDC) có quy hoạch đồng bộ liền kề KCN như KDC Mỹ Phước, KDC Thới Hòa, KDC Bàu Bàng (thị xã Bến Cát) và KCN VietSing (TP Thuận An). Tại TP Thủ Dầu Một, Becamex xây dựng dự án Thành phố mới Bình Dương 1.000 ha, Becamex City Center 6 ha…

Mục tiêu lợi nhuận cao kỷ lục

Ngày 28/4 vừa qua, Becamex IDC đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 thông qua mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất đạt 9.680 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 2.888 tỷ đồng, tương ứng tăng 19% và 98% so với năm trước. Nếu hoàn thành kế hoạch đề ra, “ông trùm” KCN sẽ phá đỉnh lợi nhuận. Tỷ lệ cổ tức năm 2022 dự kiến 8% cao hơn mức đề xuất 7% cho năm 2021.

Về định hướng kinh doanh năm 2022, Becamex IDC đặt mục tiêu tiếp tục duy trì và tăng lợi thế cạnh tranh trong việc thu hút đầu tư với trọng tâm hướng đến phát triển công nghiệp gắn liền với khoa học công nghệ. Tổng công ty sẽ tiếp tục xây dựng và triển khai các dự án mang tính đột phá như Khu Trung tâm Thương mại Thế giới Thành phố mới Bình Dương (WTC) và Xây dựng Khu thử nghiệm về Thương mại điện tử xuyên biên giới.

Mục tiêu lợi nhuận tham vọng của Becamex IDC không phải thiếu cơ sở bởi lĩnh vực BĐS KCN được đánh giá có triển vọng tươi sáng trong năm 2022.

SSI Research kỳ vọng nhu cầu thuê đất tại các khu công nghiệp sẽ phục hồi trong 2022 khi các hợp đồng ghi nhớ (MOU) đã ký trong 2021 sẽ được hoàn tất trong 2022. Theo Ban Quản lý các Khu công nghiệp Bình Dương, diện tích đã ký MOU tại Bình Dương đạt 250 ha, trong đó KCN Cây Trường (tổng diện tích 700 ha) và KCN NTU3 (tổng diện tích 346 ha) sẽ đi vào hoạt động vào năm 2022.

Giá đất KCN ở Việt Nam vẫn ở mức thấp so với các nước trong khu vực, thấp hơn từ 20-33% so với Indonesia và Thái Lan, những quốc gia có lợi thế về vốn FDI như Việt Nam. SSI Research dự báo giá đất KCN tại Việt Nam ước tính tăng từ 8-9% tại miền Nam và 6-7% tại miền Bắc vào năm 2022. Bộ phận phân tích này dự báo lợi nhuận của BCM có thể tăng mạnh trong năm nay nhờ KCN Cây Trường đi vào hoạt động.

Nguồn: cafef.vn

Bài viết cùng chủ đề: