Còn đối với thị trường trái phiếu thì đúng là có tâm lý lo lắng nhưng nếu quan sát tại những nơi như công ty chứng khoán chúng tôi, các nhà đầu tư được đánh giá khẩu vị rủi ro, khối lượng giao dịch hàng ngày vẫn 400 – 500 tỷ đồng/ngày không thay đổi gì so với tháng 3.
Tại Talkshow Phố Tài Chính (The Finance Street) trên VTV8 mới đây, bà Nguyễn Thị Hoạt – Phó TGĐ, CTCK Kỹ Thương (TCBS) đã có những chia sẻ về hoạt động thanh lọc của các cơ quan điều tra gần đây cũng như hướng phát triển thị trường trong thời gian tới.
Trước những biến động kéo dài trong thời gian qua, nhà đầu tư có những băn khoăn về chiến lược phát triển thị trường chứng khoán của cơ quan cấp quản lý. Trong thời gian tới, thị trường sẽ có sự thay đổi ra sao, những chiến lược đầu tư nào phù hợp để tránh khỏi những vụ “lùm xùm”, đây là câu hỏi mà nhiều nhà đầu tư cần được giải đáp.
Về động thái xử lý nghiêm hành vi vi phạm trên thị trường, bà Nguyễn Thị Họat đánh giá đây là hành động cần thiết của các cơ quan chức năng để giúp thị trường phát triển lâu dài.
Với thị trường cổ phiếu, hoạt động này giúp thanh lọc các hành vi làm giá và bảo vệ nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ. Còn đối với thị trường trái phiếu, các hành động vừa rồi sẽ giúp các tổ chức phát hành trên thị trường hoạt động đúng pháp luật hơn và thực hiện từ mục đích phát hành, sử dụng dòng tiền sau phát hành, công bố thông tin hay quản lý sau phát hành chuẩn chỉ hơn.
Khoảng hai năm vừa rồi thị trường trái phiếu bùng nổ, phát triển lớn về lượng nhưng chất lượng trái phiếu phát hành không đồng đều, nhà đầu tư cá nhân bị chú ý quá nhiều bởi lãi suất. Bà Hoạt dự đoán nếu thị trường phát triển như vừa rồi và không có hành động gì, hai năm nữa đến điểm rơi nhiều của các trái phiếu đến hạn, có thể có những tổ chức phát hành không đủ chất lượng sẽ không trả được gốc hoặc lãi và dẫn đến hiệu ứng domino của thị trường.
Chính vì thế, động thái thanh lọc là một tín hiệu tốt, tích cực để thị trường đi về chất, đi về ổn định và lâu dài. Và tất cả các thành viên trên thị trường thì sẽ đều có lợi hết.
Khi được hỏi về sự thay đổi trong chính sách phát triển thị trường giai đoạn tới có ảnh hưởng đến sự sôi động của thị trường hay không, bà Nguyễn Thị Hoạt cho rằng có một số khía cạnh nhìn vào để thấy liệu NĐT có đang rời bỏ thị trường hay không?
Trước tiên là nhìn vào số liệu nhà đầu tư mở tài khoản chứng khoán. Đến tháng 4 này đà tăng của việc mở tài khoản chứng khoán vẫn được duy trì và tổng sau 4 tháng chúng ta đã mở được gần 800.000 tài khoản trong năm nay và tổng số tài khoản vừa đạt được mức kỷ lục mới là gần 5 triệu tài khoản trên toàn nước. Bà Hoạt chia sẻ: “Ngay kể cả TCBS chúng tôi hàng ngày vẫn đang mở đều đặn, trong tháng 3 là gần 1.000 tài khoản/ngày, lượng nhà đầu tư quan tâm đến thị trường chứng khoán vẫn đang duy trì và tiếp tục tăng“.
Thứ hai nhìn vào giao dịch của thị trường trong thời gian vừa qua, nhóm đầu tiên biến động giảm giá là các nhóm cổ phiếu nhỏ lẻ và có tính chất đầu cơ, mặc dù sau đó có lan sang nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Tuy nhiên, dòng tiền của các nhà đầu tư nước ngoài đang ngày càng quan tâm đến thị trường và gia tăng giao dịch vào thị trường.
Bà Hoạt cho biết thị trường trái phiếu có xảy ra tâm lý lo lắng nhưng khi quan sát tại những nơi như CTCK Kỹ Thương, các nhà đầu tư được đánh giá khẩu vị rủi ro, khối lượng giao dịch hàng ngày vẫn 400 – 500 tỷ đồng/ngày không thay đổi gì so với tháng 3.
Ngoài ra, bà Hoạt còn lưu ý “Làm thanh lọc và lành mạnh thị trường thì các bên tham gia thị trường đều có lợi và đặc biệt là lòng tin của nhà đầu tư với thị trường là gia tăng“. Trong ngắn hạn sẽ có tâm lý lo lắng, về dài hạn dòng tiền cũng như các nhà đầu tư, tổ chức phát hành đặc biệt là các đơn vị chuyên nghiệp vẫn sẵn sàng tham gia với thị trường kể cả là thị trường cổ phiếu hay trái phiếu.
Về những giải pháp, chính sách để phát triển thị trường cả về chất và lượng, bà Hoạt nhận định rằng các công ty chứng khoán hiện nay vẫn đang tiếp tục đồng hành cùng nhà đầu tư nâng cao chất lượng hoạt động đặc biệt là hoạt động dịch vụ tư vấn phát hành và hỗ trợ để bảo vệ nhà đầu tư.
Riêng đối với TCBS thì chiến lược có hai mảng. Một là mảng bán lẻ, sẽ tiếp tục chiến lược Wealthtech để bảo vệ, đồng hành cùng nhà đầu tư. Chiến lược này kết hợp giữa Wealth là quản lý gia sản và tech là công nghệ để giúp khách hàng quản lý.
Cụ thể trong mảng bán lẻ này, TCBS đã ra rất nhiều video để hướng dẫn nhà đầu tư đào tạo nhận biết, đánh giá các tổ chức phát hành hay đánh giá trái phiếu, giúp nhà đầu tư nhận diện khẩu vị rủi ro của mình. Ngoài ra, TCBS cũng đề xuất cơ quan quản lý được áp dụng Sandbox, công nghệ mới như blockchain hay hợp đồng thông minh…Ví dụ hoạt động quản lý sổ đại lý của trái chủ giúp bảo vệ nhà đầu tư an toàn và bảo mật hơn.
Mảng thứ hai là với khách hàng doanh nghiệp, sẽ trung thành với quy trình phát hành chuyên nghiệp, chặt chẽ từ khâu chọn lọc tổ chức phát hành. Đến khi phát hành, theo dõi đúng mục đích sử dụng của doanh nghiệp cũng như bảo trì, bảo hành hỗ trợ nhà đầu tư. Ví dụ như TCBS sẽ theo dõi định kỳ báo cáo của tổ chức phát hành, cung cấp báo cáo định kỳ 3 tháng, 6 tháng cho các nhà đầu tư, tiếp tục tư vấn các tổ chức phát hành tăng cường chào bán trái phiếu ra công chúng và niêm yết trái phiếu.
Bà Hoạt còn tiết lộ thêm một hành động nâng tầm hoạt động tư vấn, phát hành của TCBS là việc hợp tác với đơn vị xếp hạng uy tín. Nhằm chủ động xếp hạng tín nhiệm đối với các tổ chức phát hành, CTCK Kỹ Thương sẽ chung tay vào góp phần làm thị trường trái phiếu ngày càng minh bạch hơn, an toàn hơn, bền vững hơn.
Nguồn: cafef.vn