Chia sẻ với cổ đông tại Đại hội lần này, Chủ tịch là ông Mai Hữu Tín khẳng định: “Công ty đã qua điểm hòa vốn, từ bây giờ là giai đoạn TTF tăng trưởng. Nếu không bị ảnh hưởng Covid-19 trong năm 2021 thì báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh đã đẹp hơn rất nhiều”.
TTF: Công ty cổ phần Công Nghiệp cao su Miền Nam
Xem hồ sơ doanh nghiệp
Gỗ Trường Thành (TTF) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2022, thông qua mục tiêu doanh thu thuần đạt 2.269 tỷ đồng – tăng 41% và lãi sau thuế gần 73 tỷ đồng – đột biến gấp 29 lần so với kết quả của năm 2021. Chiến lược hoạt động cụ thể:
Trước hết với xuất khẩu, TTF cho biết sẽ đẩy mạnh hợp tác với các khách hàng lớn như Natuzzi, Crate & Barrel, Williams Sonoma, TJX… ở nhiều ngành hàng để tăng trưởng doanh thu, giá trị đơn hàng và từng bước đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.
Vào tháng 11/2021, TTF cũng đã quyết định đầu tư gần 5,4 triệu USD (tương đương 124 tỷ đồng) để nắm 20% vốn Công ty Natuzzi Singapore PTE. Ltd (trụ sở đặt tại Singapore). Theo TTF, mục đích đầu tư là nhằm xây dựng thương hiệu và mở rộng sự hiện diện của các sản phẩm nội thất sản xuất tại Việt Nam ra thế giới. Trong đó, ở rộng thị trường xuất khẩu là mục tiêu lớn của TTF đặt ra từ năm 2020 – sau khi mất 2 năm để củng cố và tìm lời giải cho bài toán giải cứu Công ty sau cú sốc hàng tồn năm 2016.
TTF hiện đang đánh vào các thị trường khó tính như Trung Đông và Nga; cùng với các thị trường lâu năm đang làm như châu Âu, Nhật Bản, Mỹ, Australia…
Tại thị trường nội địa, TTF kỳ vọng với việc thị trường bất động sản khởi sắc trở lại sẽ giúp Công ty tiếp cận nhiều hơn với các chủ đầu tư mới, đặc biệt các chủ đầu tư bất động sản có vốn nước ngoài.
Mới đây, HĐQT đã thông qua chủ trương đầu tư vào Tekcom bằng việc mua 16,95% vốn bằng hình thức chào bán cổ phiếu riêng lẻ.
Được biết, Tekcom chuyên sản xuất các sản phẩm gỗ và ván ép được thành lập vào năm 2005. Hiện, Công ty này đang có 2 nhà máy chế biến gỗ tại Bình Dương với tổng diện tích 115.000 m2, chuyên sản xuất các sản phẩm gỗ như cốp-pha phủ phim và ván plywood phục vụ cho ngành gỗ nội ngoại thất.
2021 lỗ ròng, Chủ tịch nói: Nếu không bị ảnh hưởng Covid-19 trong năm 2021 thì báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh đã đẹp hơn rất nhiều
Nhằm huy động nguồn vốn cho những chiến lược trên, TTF dự kiến phát hành riêng lẻ hơn 41 triệu cổ phiếu. Đối tượng chào bán lần này là các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Giá chào bán sẽ được ủy quyền cho HĐQT quyết định. Cổ phiếu từ đợt phát hành sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán.
Chia sẻ với cổ đông tại Đại hội lần này, Chủ tịch là ông Mai Hữu Tín khẳng định: “Công ty đã qua điểm hòa vốn, từ bây giờ là giai đoạn TTF tăng trưởng. Nếu không bị ảnh hưởng Covid-19 trong năm 2021 thì báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh đã đẹp hơn rất nhiều”.
Thực tế, BCTC kiểm toán 2021 của TTF có sự thay đổi đáng kể so với báo cáo tự lập. Cụ thể, doanh thu thuần đạt 1.607 tỷ đồng, khấu trừ chi phí khiến TTG lỗ ròng 8,7 tỷ đồng (trong khi báo cáo tự lập lãi 8,8 tỷ đồng).
Kiểm toán cũng nhấn mạnh về sự mất cân đối tài chính của TTF. Cụ thể, tại thời điểm 31/12/2021, TTF đang lỗ luỹ kế hơn 3.052 tỷ đồng, đồng thời nợ ngắn hạn đã vượt tài sản ngắn hạn với gần 252 tỷ đồng. Theo đó, kiểm toán nhấn mạnh nghi nghờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Công ty.
Tiếp tục đổi tên sang TTF
Ngoài ra, TTF cũng chính thức thông qua việc đổi tên. Trước đó tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2018, cổ đông đã thống nhất đổi tên Công ty từ “CTCP Tập đoàn Kỹ Nghệ Gỗ Trường Thành” thành “CTCP ToTal Furniture”. Tuy nhiên, ban lãnh đạo Công ty cho rằng cái tên này chưa phù hợp với định hướng phát triển trong giai đoạn mới nên đề xuất hủy phương án này.
Thay thể, TTF tiếp tục chuyển đổi tên Công ty thành “CTCP TTF” (TTF Joint Stock Corporation). Theo đại diện Công ty, 2 năm qua tình hình đã khác nên chữ “Funiture” là không còn đủ. Hiện, TTF không chỉ làm đồ gỗ, đồ nội thất mà có tầm nhìn lớn hơn, hoạt động rộng hơn. Do đó, ban lãnh đạo nhìn nhận Công ty nên giữ tên gọi là CTCP TTF cho đơn giản và giống như mã chứng khoán.
Thảo luận tại Đại hội:
1. Kế hoạch phát triển thương mại điện tử như thế nào?
Ông Mai Hữu Tín: Việc làm thương mại điện tử ở thị trường quốc tế rất mất công sức. TTF lựa chọn làm việc với đối tác thương mại điện tử có sẵn, tận dụng mối quan hệ và tập trung vào năng lực của mỗi bên.
2. Mảng nông nghiệp Công ty có kế hoạch gì?
Đến nay, Công ty còn khoảng 300 ha đất ở Đắk Nông, diện tích khá nhỏ nên không bán mà sẽ dùng trồng sầu riêng cao cấp. Ngoài ra Công ty còn trồng dưa lưới. TTF tự tin thành công ở mảng nông nghiệp.
3. Tình hình chi phí vay của Công ty như thế nào?
TTF sẽ cố gắng trả hết nợ vay cho Việt Á và sẽ tìm các tổ chức tài chính khác có mức lãi suất vay thấp hơn 8%. Dự kiến ngay trong 2022, bức tranh chi phí lãi vay của TTF sẽ khác biệt.
4. Công ty Sứ Thiên Thanh có đóng góp gì cho TTF?
Trong quá khứ, mục đích sáp nhập vào TTF là nhằm tạo nguồn vốn mới, giúp cho cổ phiếu TTF không bị hủy niêm yết.
Đến nay, doanh số của Sứ Thiên Thanh đóng góp khoảng 10% cho TTF. Năm 2021, Sứ Thiên Thanh vẫn lỗ nhưng đã có lãi trong quý 1/2022.
5. Kế hoạch phát triển sản xuất hàng ngoại thất?
Bên cạnh nội thất, TTF còn có 2 nhà máy ngoại thất ở Đắk Lắk và ghi nhận hoạt động xuyên suốt mùa dịch. Đây là một lợi thế, Công ty sẽ phát triển thêm các nhà máy này để tạo sức mạnh cộng hưởng cho TTF.
6. Hàng tồn kho các năm trước chưa sử dụng được thì xử lý như thế nào?
Việc xử lý lượng hàng tồn kho này sẽ hoàn thành trong quý 2/2022 này. Sau giai đoạn giải quyết các vấn đề tồn đọng, nhiệm kỳ 2022-2027 sẽ là nhiệm kỳ tăng tốc của TTF.
7. Công ty Central Wood ở Bình Định hoạt động gì?
TTF đang sở hữu 51% ở Central Wood, còn lại 49% là cổ đông Đài Loan. TTF muốn sở hữu cả 100% để chủ động sản xuất hàng sang Mỹ. Công ty này dành để sản xuất cho một số sản phẩm cho siêu thị ở Mỹ.
8. Trong năm 5 năm tới, Công ty có dự kiến phát hành cổ phiếu tiếp không?
Công ty không có kế hoạch sẵn về vấn đề này. Mục tiêu là vốn hóa tăng trưởng 100 triệu USD/năm. Từ đây đến cuối năm nếu có thêm dự án thì HĐQT sẽ lên kế hoạch thêm trong tương lai.
9. Các yếu tố giá nguyên vật liệu/giá cước container ảnh hưởng ra sao lên hoạt động kinh doanh TTF?
Cuộc chiến Nga – Ukraine có ảnh hưởng đến Công ty, khi giá gỗ cao, giá dầu cao, giá cước cao… và dự báo còn kéo dài có thể đến cuối năm 2022.
Ngược lại, điểm tích cực trong giai đoạn hiện tại là thế giới vào giai đoạn bình thường mới với Covid. Chưa kể, thị trường chính mà TTF nhắm tới là Mỹ, thị trường trong nước cũng không còn bị ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch và dần dần lấy đà hồi phục.
10. Vì sao TTF lại đầu tư vào Natuzzi?
Chúng tôi nhận thấy mô hình hoạt động mới ở Natuzzi. Công ty này hoạt động ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương, chuyên phân phối cho toàn bộ khu vực này. TTF giúp Natuzzi phát triển, bên cạnh đó còn được học hỏi từ Natuzzi về kinh nghiệm sản xuất, ví dụ như sản xuất sofa.
11. Tỷ trọng hàng xuất khẩu của TTF là bao nhiêu?
Công ty linh hoạt về tỷ trọng xuất khẩu/nội địa/bán lẻ/… cho từng giai đoạn, từng tình huống cụ thể. Mục tiêu quan trọng là chạy tối đa công suất nhà máy chứ không phải phân rõ ra từng mảng phải mục tiêu bao nhiêu, tỷ trọng bao nhiêu.
12. Kết quả kinh doanh quý 1/2022 như thế nào?
Ông Phan Hồng Hoàng- Kế toán trưởng: Quý 1 ước TTF đạt doanh thu khoảng 530 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất khoảng 18 tỷ đồng, lợi nhuận Công ty mẹ khoảng 15 tỷ đồng.
13. Ban lãnh đạo đánh giá câu chuyện liên tục mua bán cổ phiếu của một số cổ đông lớn/người có liên quan của Đồng Tâm trong thời gian gần đây?
Quyền mua hay bán là của cổ đông, đó là việc bình thường. Cá nhân tôi không hề theo dõi giá cổ phiếu mỗi ngày.
Nguồn: cafef.vn