Theo các chuyên gia về lĩnh vực cá cảnh, nhiều đơn vị nuôi cá cảnh loay hoay tìm cách xuất khẩu mà “bỏ quên” thị trường nội địa vốn đang rất sinh động và đầy tiềm năng.
Mua cá chơi tết ở một tiệm cá trên đường Nguyễn Kiệm, Q.Phú Nhuận, TP.HCM – Ảnh: KHÁNH NGỌC |
Ông Lê Hữu Thiện – tổng giám đốc Công ty CP sinh vật cảnh Thiên Đức (Củ Chi, TP.HCM) – cho biết nhu cầu chơi cá cảnh những năm gần đây không chỉ dành riêng cho giới nhà giàu mà thị trường bình dân cũng phát triển rất mạnh.
“Cá cảnh là thú chơi thường xuyên thay đổi nên người nuôi phải chạy theo nhu cầu thị trường”, ông Thiện nói.
Trong khi đó, hoạt động xuất khẩu cá cảnh đang ngày càng khó khăn do phải đối mặt với những hàng rào kỹ thuật, trong đó các thị trường châu Âu và Mỹ đòi hỏi phải có chứng nhận an toàn dịch bệnh. Tuy nhiên, để có chứng nhận này cho mỗi loài cá, các trại thường phải mất đến hai năm. Do phần lớn cơ sở sản xuất cá cảnh ở TP.HCM còn nhỏ lẻ, manh mún nên rất khó đáp ứng yêu cầu này.
Một số doanh nghiệp thừa nhận cá cảnh VN đang dần mất khách hàng nước ngoài do giống cá đã bị thoái hóa. Muốn tăng sức cạnh tranh, cần phải nhập khẩu giống mới và thay đổi nguồn gen để đa dạng các loài cá. Tuy nhiên, việc nhập khẩu con giống tốt qua đường chính ngạch bị hạn chế, trong đó nhiều giống cá đang được ưa chuộng trên thị trường thế giới lại chưa cho phép nhập khẩu vào VN.
Theo ông Tống Hữu Châu – chủ trang trại Châu Tống (quận 12), VN là thị trường cá cảnh tiềm năng nhiều doanh nghiệp ngoại đang dòm ngó. Do đó, thay vì loay hoay tìm cách xuất khẩu, các trang trại cần chủ động tăng lượng cá, đa dạng nguồn giống để chiếm lĩnh thị trường nội địa. Ngoài ra, cần nghiên cứu thị trường, nắm bắt thị hiếu của người chơi cá cảnh để phục vụ chu đáo hơn.
Nguồn: tuoitre.vn