Kể cả với hình thức vay tiền ngân hàng cho an toàn bạn cũng rất dễ mắc phải những sai lầm khiến bản thân phải hối tiếc vì thiếu hiểu biết dẫn tới thiệt thòi, ôm hận vào thân.
Vay tiền ngân hàng là giải pháp tối ưu với rất nhiều người đang cần gấp một khoản tiền để mua nhà, xe hay tiêu dùng cá nhân. Bởi lẽ, đây là hình thức vay vốn an toàn, lãi suất không quá cao so với nhiều hình thức khác.
Song, kể cả với hình thức vay được ưa chuộng này, bạn cũng rất dễ mắc phải những sai lầm khiến bản thân phải hối tiếc vì thiếu hiểu biết dẫn tới thiệt thòi, ôm hận vào thân. Dưới đây là 4 sai lầm những người có nhu cầu vay tiền ngân hàng thường mắc phải mà bạn cần biết, cân nhắc kỹ để tránh xa.
1. Mông lung về khoản vay
Nhiều người khi chưa kịp xác định chính xác mình cần bao nhiêu tiền đã vội vàng làm hồ sơ vay tiền, hoặc khi được phê duyệt hạn mức cho vay lại chọn hạn mức vay cao hơn mức cần thiết vì nghĩ có thêm tiền để đó càng tốt. Điều này dẫn đến tình trạng vay quá ít hoặc quá nhiều do không ước tính được con số cần thiết. Nếu vay quá ít dẫn đến thiếu tiền, không đủ ngân sách cho các dự định thì vay nhiều hơn mức cần thiết lại khiến bạn phải gánh thêm khoản lãi suất không đáng có đi kèm.
Mặt khác, có trong tay khoản tiền nhiều hơn nhu cầu thực tế, còn khiến bạn dễ đầu tư vào hạng mục không có trong kế hoạch hoặc tiêu tiền quá tay. Điều này vô tình dẫn đến việc dễ gặp phải rủi ro tiêu tiền, có thể dẫn đến khuynh gia bại sản như chơi.
Để tránh gặp phải sai lầm này, trước khi vay vốn, hãy xác định rõ chi phí cần thiết của mình là bao nhiêu và lên cả kế hoạch trả nợ rõ ràng. Có như thế, bạn mới hạn chế được rủi ro từ vay vốn ngân hàng, không phải “gồng lãi” cho nợ nần.
2. Tâm lý vay càng lâu càng tốt
Nhiều người khi vay tiền thường có tâm lý chọn thời gian thanh toán thật lâu để giảm tối đa số tiền phải trả hàng tháng. Song, đây lại là một sai lầm khiến bạn phải trả giá rất đắt về sau.
Tuy thời gian trả nợ càng lâu, chi phí mỗi tháng bạn cần trả sẽ càng thấp. Song, mặt trái của điều này là số tiền bạn phải trả cũng bị độn lên rất nhiều. Chưa kể lãi suất cho vay của ngân hàng có quyền được tăng theo năm, càng vay lâu bạn sẽ càng mất nhiều, dễ dẫn đến kiệt quệ tài chính nếu có sự cố xảy ra.
Phương án để hạn chế tối đa rủi ro của sai lầm này là nên xem xét kỹ điều kiện tài chính của bản thân trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Số tiền trả nợ mỗi tháng lý tưởng chỉ chiếm 30-40% tổng thu nhập trong tháng của bạn. Nếu không, bạn rất có thể rơi vào cảnh đi vay nợ mới để trả nợ cũ. Ngược lại, bạn cũng không nên vay quá lâu hơn mức cần thiết để tránh áp lực nợ và số tiền lãi tăng lên.
3. Mê lãi suất thấp mà bỏ qua những điều kiện đính kèm
Khi đi vay tiền, ai cũng mong khoản vay được duyệt với lãi suất thấp nhất có thể. Song, ở một số ngân hàng, lãi suất thấp luôn đính kèm theo nhiều điều kiện và chưa chắc đã an toàn. Trường hợp thường thấy nhất là mức lãi suất thấp ấy chỉ là l ưu đãi trong giai đoạn đầu tiên, hết kỳ hạn đó, lãi suất sẽ được “thả nổi”, thay đổi tùy theo biên độ và quy định của từng ngân hàng.
Để chọn được gói vay với lãi suất phù hợp, tốt nhất bạn phải chủ động tìm hiểu thông tin, xem xét thời gian ưu đãi của gói vay và biên độ lãi sau đó. Những thông tin này bạn có thể tự tìm hiểu hoặc hỏi rõ tư vấn viên của ngân hàng để biết cách thức tính, nắm được lãi suất sau mỗi kỳ điều chỉnh.
4. Trả nợ trước hạn sai thời điểm
Khi vay vốn ở ngân hàng, bạn sẽ luôn được tư vấn là có thể tất toán dứt nợ trước thời hạn bất cứ khi nào bạn muốn. Nhiều người khi có đủ tiền để trả hết khoản vay cũng quyết định tất toán để giảm áp lực nợ nần lẫn tiền bạc, ngăn chặn việc lãi mẹ đẻ lãi con. Thế nhưng, cách làm này không phải lúc nào cũng đúng đắn, nhất là khi bạn chọn thời điểm không phù hợp.
Thông thường, mức phạt mà ngân hàng đưa ra cho việc trả nợ trước hạn là 5% trên tổng số dư nợ đang có. Ở một số thời điểm, mức phí này cộng với dư nợ gốc có thể cao hơn so với việc đóng từng tháng rất nhiều. Chưa kể, nó còn dẫn đến một số rắc rối về hợp đồng pháp lý nếu như không cẩn thận từ đầu. Để hạn chế tối đa rắc rối có thể xảy ra và không mất tiền oan vì tất toán trước hạn, bạn nên nghiên cứu kỹ các điều khoản, đặc biệt lưu ý mức phí tất toán trước hạn, phí nợ quá hạn khi đặt bút ký hợp đồng với ngân hàng.
Ảnh: Tổng hợp
Nguồn: cafef.vn