Giá ure Cà Mau hiện là 1,63 triệu đồng/100 kg, tăng 13% so với cuối tháng 8
Theo Binhdien.com, giá ure Cà Mau hiện là 1,63 triệu đồng/100 kg, so với mức 1,45 triệu đồng/100 kg cuối tháng 8 (tương đương mức tăng 13%). So với cùng kỳ năm ngoái, giá ure đang cao hơn khoảng 7% nhưng thấp hơn đầu năm khoảng 9%.
Giá ure Phú Mỹ hiện là 1,47 triệu đồng/100 kg, tăng 3% so với cuối tháng 8 và cao hơn 20% so với cùng kỳ. Nhưng so với đầu năm, giá loại ure này giảm 17%.
Theo nhận định của CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), giá ure nội địa sẽ tiếp tục phục hồi từ nay tới cuối năm.
Giá gạo cao kích thích người dân tăng cường sản xuất, sử dụng phân bón nhiều hơn
Theo BSC, nhu cầu phân bón cải thiện khi bước vào mùa vụ lớn nhất trong năm và giá gạo tăng kích thích người dân sử dụng các loại chất dinh dưỡng. Theo thông tin từ Bộ Công Thương, ngày 20/9, giá chào bán gạo xuất khẩu tiếp tục tăng mạnh. Trong đó, giá gạo 5% tấm ở mức 400 USD/tấn, gạo 25% tấm và 100% tấm giữ ổn định ở mức 378 USD/tấn và 383 USD/tấn.
Động thái áp thuế và tạm dừng xuất khẩu gạo tấm của Ấn Độ đang khiến thị trường gạo thế giới biến động mạnh, trong đó có Việt Nam. Một tuần qua, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng. Diễn biến này khiến doanh nghiệp thu mua lúa của nông dân với giá cao hơn, thị trường trong nước cũng sôi động hơn. BSC kỳ vọng giá gạo sẽ được hỗ trợ bởi vì ảnh hưởng xung đột với Nga nên Ukraine không xuất khẩu lúa mì, kéo theo giá các loại ngũ cốc và lương thực cao khiến khách hàng chuyển sang mua gạo của các nước châu Á, trong đó có Việt Nam. Bên cạnh đó, nhu cầu thu mua gạo dự trữ của nhiều quốc gia tăng cao trước lo ngại cuộc xung đột Nga – Ukraine kéo dài khiến giá lương thực tăng và nguồn cung gạo trên toàn cầu giảm vì thời tiết khắc nghiệt ở các nước xuất khẩu lớn như Ấn Độ, Trung Quốc và Bangladesh.
Nguồn cung phân bón thế giới suy giảm vì nhiều nhà máy đóng cửa do giá khí đốt quá cao
Giá ure thế giới có dấu hiệu tăng do nguồn cung suy giảm sẽ khiến giá trong nước đi lên. Nguồn cung ure thế giới suy giảm vì khủng hoảng khí đốt tại châu Âu khiến nhiều nhà máy sản xuất ure đóng cửa. Ngày 2/9 Gazprom (Nga) thông báo đường ống Nord Stream 1 sẽ đóng cửa vô thời hạn khiến giá khí đốt ở châu Âu tăng vọt và hiện neo ở mức 230 euro/mwh (222 USD/mwh), tăng 315% so với cùng kỳ năm ngoái và gần 190% kể từ đầu năm, cao hơn 20% từ đầu tháng 8.
Các chuyên gia từ BSC cho rằng việc châu Âu giải quyết nguồn cung khí tự nhiên thay thế Nga là không dễ dàng do EU cần thời gian để xây dựng hạ tầng kỹ thuật vận chuyển và tiếp nhận khí tự nhiên từ bên ngoài cũng như nội bộ giữa các nước EU và việc nhập khẩu LNG cũng bị hạn chế do thiếu các cảng tiếp nhận, kho chứa và công suất tái khí bị giới hạn.
Theo ước tính của S&P Global Platts, do cơn bão giá nguyên liệu mà chủ yếu là khí thiên nhiên tăng vọt, châu Âu đã cắt giảm khoảng 25% – 30% công suất phân đạm và ít nhất khoảng 50% công suất ammonia (NH3) ở châu Âu đã bị cắt giảm. BSC cho rằng tình trạng cắt giảm sản lượng phân bón ở châu Âu sẽ diễn ra trầm trọng hơn khi khu vực này bước vào mùa lạnh (tháng 10 đến tháng 3 hàng năm), nhu cầu sử dụng khí đốt tăng cao sẽ đẩy chi phí sản xuất phân bón lên cao hơn nữa. Bên cạnh đó, nguồn cung phân bón ít có khả năng tăng mạnh trong ngắn hạn để bù đắp sự thiếu hụt bởi các nhà máy sản xuất phân bón thường vận hành gần như tối đa công suất từ 85 – 100%.
BSC kỳ vọng giá khí tự nhiên sẽ tiếp tục neo cao trong cuối năm 2022 và điều này sẽ thúc đẩy làn sóng cắt giảm sản xuất phân bón tại EU.
Xuất khẩu phân bón của Trung Quốc vẫn ở mức thấp, ảnh hưởng đến nguồn cung toàn cầu
Trung Quốc bước vào mùa vụ chính trong năm nên chính sách xuất khẩu sẽ tiếp tục duy trì sự kiểm soát như hiện tại, tương ứng mức giảm từ 20-25% sản lượng xuất khẩu ure so với năm 2021. Sau giai đoạn kết thúc chính sách hạn chế xuất khẩu để ổn định giá phân bón nội địa vào cuối tháng 5/2022 Trung Quốc đã nới lỏng việc xuất khẩu phân bón từ tháng 6/2022, tuy nhiên lượng xuất khẩu vẫn thấp so với cùng kỳ 2021 và 2020.
Trung bình 8 tháng, Trung Quốc xuất khẩu 130.000 tấn ure, mức này thấp hơn so với cùng kỳ 2021 và 2020 lần lượt là 50% và 64%. Đồng thời, Ấn Độ tiếp tục mở các đợt thầu lớn vào dịp cuối năm kỳ vọng sẽ cải thiện nhu cầu ure thế giới và hỗ trợ phục hồi giá ure thế giới. Gần đây nhất, cuối tháng 8 Ấn Độ đã mở đợt thầu mới với 1 triệu tấn ure và giá ure các khu vực trên thế giới đã bật tăng từ 2- 5%.
Chi phi nguyên liệu sản xuất ure vẫn ở mức cao
Theo báo cáo ngành phân bón của BSC, chi phí sản xuất neo cao sẽ khiến giá loại ure tiếp tục ở mức cao. Nguyên liệu chính sản xuất ure bao gồm than đá (Trung Quốc), khí tự nhiên (các khu vực còn lại) và amonia (NH3). Trong đó, giá khí tự nhiên và amonia có xu hướng tiếp tục tăng cao còn giá than đá tại Trung Quốc đã hạ nhiệt, tuy nhiên vẫn neo ở mức cao so với cùng kỳ 2021.
Nền kinh tế thứ hai thế giới đã tiến hành các biện pháp nhằm hạ nhiệt giá than như giảm thuế nhập khẩu than về 0% từ tháng 5/2022 đến tháng 3/2023, tăng cường dữ trự than bằng nguồn nhập khẩu than từ Nga với mức giá chiết khấu mạnh so với giá than thế giới (do các lệnh trừng phạt đối với than đá, Nga chuyển hướng xuất khẩu sang Trung Quốc, Ấn Độ). Tuy nhiên, theo Sunsirs, giá than ở Trung Quốc đang ở mức 164 USD/tấn, cao hơn đáy giữa tháng 8 khoảng 15%.
Theo SSI Research, về nhu cầu, do quý III là mùa thấp điểm của ngành trồng trọt, giá ure giảm, nhưng sẽ tăng trở lại vào quý IV khi vụ Đông Xuân bắt đầu. Nhu cầu tăng sẽ kéo theo giá ure tăng.
Nguồn: cafef.vn