Một nhóm kỹ sư của Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng (PC Đà Nẵng) đã số hóa việc ghi chép giúp người đi hiện trường thao tác nhanh hơn, đồng thời hạn chế được sai sót khi chuyển số liệu.
Các thành viên nhóm nghiên cứu đưa ra nhiều giải pháp cải thiện hiệu suất của ứng dụng – Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Treo, tháo công tơ điện tử đến hạn thay thế là việc làm định kỳ của ngành điện để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng. Trong nhiều năm qua, ghi chép chỉ số khi thay thế công tơ điện mới được thực hiện thủ công theo phiếu kiểm tra in sẵn mang theo.
Thế nhưng giờ đây, một nhóm kỹ sư của Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng (PC Đà Nẵng) đã số hóa việc ghi chép nói trên, giúp người đi hiện trường thao tác nhanh hơn, đồng thời hạn chế được sai sót khi chuyển số liệu.
“Với ứng dụng này sai số trong quá trình nhập liệu được khắc phục. Không những vậy, chúng tôi còn phát triển để số hóa tất cả các công tơ điện trên bản đồ, giúp người đi hiện trường dễ dàng tìm thấy công tơ cần thay thế” – anh Nguyễn Công Minh, thành viên nhóm thực hiện “Ứng dụng treo tháo công tơ định kỳ ngoài hiện trường”, cho biết.
Các công tơ điện 1 pha được thay theo định kỳ để kiểm định sau 5 năm sử dụng – Ảnh: T.LÂM
Loại sai sót khi đi hiện trường
Cùng đội quân áo cam đi hiện trường, anh Ngô Văn Hòa, trưởng phòng Kinh doanh Điện lực Cẩm Lệ, mở ứng dụng trên điện thoại để tìm đường. Nhiệm vụ hôm nay của cả nhóm là thay thế một số công tơ điện 1 pha đến hạn ở phường Hòa Thọ Đông.
Với bản đồ trên “Ứng dụng treo tháo công tơ định kỳ ngoài hiện trường”, cả nhóm nhanh chóng qua nhiều ngỏ hẻm đến trụ điện nơi treo chiếc công tơ cần thay thế. Dù trên trụ có nhiều công tơ, nhưng qua hình ảnh trên ứng dụng vẫn xác định được công tơ cần thay thế đang nằm ở đâu.
Anh Hòa cho biết thay thế công tơ là việc làm thường xuyên. Bởi theo quy định của ngành điện, trừ trường hợp đặc biệt, công tơ được thay theo định kỳ để kiểm định sau 5 năm sử dụng. Do vậy trung bình mỗi tháng đội quân “áo cam” của Điện lực Cẩm Lệ có lịch thay thế 500 – 1.000 công tơ điện cho khách hàng.
Quy trình trước đây là ghi chép tay ngoài hiện trường rồi mang về nhập liệu. Đó là chưa kể phải thêm các khâu như thực hiện scan biên bản treo tháo, tách file biên bản treo tháo và thực hiện upload lên hệ thống số hoá hồ sơ điện tử khách hàng.
“Trước đây khi chưa sử dụng ứng dụng thì phải về văn phòng nhập liệu từ sổ ghi công tác. Chép tay ngoài hiện trường là một người, nhập liệu là một người khác nên có thể phát sinh sai sót trong quá trình này. Nhưng từ khi sử dụng ứng dụng, việc nhập liệu được làm trực tiếp, lại có thêm khâu đối chiếu bằng hình ảnh hiện trường nên khắc phục được lỗi trước đây” – anh Hòa nói.
Từ năm 2021, “Ứng dụng treo tháo công tơ định kỳ ngoài hiện trường” đã được đưa vào sử dụng trong toàn PC Đà Nẵng.
Dù được xây dựng nền web, nhưng vẫn đảm bảo các thao tác trên nền ứng dụng di động, nên chỉ trong một thời gian ngắn triển khai đã mang đến thuận lợi cho thao tác ngoài hiện trường.
Trong đó, việc xây dựng các chức năng để quản lý, kiểm soát được đảm bảo thông qua danh mục nhân viên treo tháo, nhân viên niêm chì, hình ảnh chữ ký; phân công nhân viên treo tháo và nhân viên niêm chì; phân bổ niêm chì; treo tháo công tơ tại hiện trường: nhập chỉ số, chụp hình ảnh, khách hàng ký trực tiếp trên ứng dụng tại hiện trường, xuất biên bản treo tháo công tơ…
Theo anh Hòa, ngoài sự tiện lợi cho người làm hiện trường, người quản lý cũng dễ hình dung hơn khi phân địa bàn thay thế công tơ.
PC Đà Nẵng đang tiên phong thực hiện chuyển đổi số, nâng cao độ an toàn cung cấp điện để phục vụ khách hàng tốt hơn – Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Với ứng dụng này, toàn bộ vị trí công tơ điện và hình ảnh hiện trạng đều được hiển thị. Có bản đồ trên ứng dụng, dù công tơ ở vị trí hang cùng ngõ hẻm nào, người thực hiện thay thế cũng biết chính xác vị trí để xử lý. Tránh trường hợp nhiều nhân viên mới không quen địa bàn dân cư phải đi tìm vị trí công tơ theo địa chỉ
Anh Nguyễn Thảo Nguyên, thành viên nhóm thực hiện đề tài
Đi nhanh hơn, quản lý dễ hơn
Việc triển khai ứng dụng hiện trường là một trong 3 nhiệm vụ trọng tâm trong công tác chuyển đổi số của Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC). Trong đó, hàng loạt các giải pháp đẩy mạnh số ứng dụng được áp dụng để lính “áo cam” ngoài hiện trường làm việc hiệu quả hơn được đưa ra trong thời gian qua.
Theo anh Nguyễn Công Minh, bên cạnh những công tác đã được triển khai số hóa quy trình ngoài hiện trường, vẫn còn một số “dư địa” để sáng tạo. Theo đó nhóm tập trung vào việc loại bỏ các quy trình thủ công như quản lý và lưu trữ giấy tờ và đề ra giải pháp tiết kiệm thời gian thực hiện.
Khi thực hiện “Ứng dụng treo tháo công tơ định kỳ ngoài hiện trường” đặt mục tiêu loại bỏ ghi chép biên bản bằng tay và nhập liệu thủ công vì dễ gây ra tình trạng sai sót. Bởi việc sai lệch trong sản lượng không những ảnh hưởng đến khách hàng mà còn tổn thất đến uy tín của đơn vị.
Anh Nguyễn Thảo Nguyên, thành viên nhóm thực hiện đề tài, cũng cho biết ban đầu nhóm tạo ra một ứng dụng để quản lý việc treo tháo công tơ để tạo thuận lợi khi truy vấn dữ liệu và thực hiện các nội dung treo tháo tại hiện trường.
Mục tiêu lớn nhất là giảm khả năng sai sót do ghi chỉ số bằng tay cũng như tăng cường tính chủ động của người dùng trong việc truy xuất số liệu tổng hợp các trường hợp sai chỉ số treo tháo.
Tuy nhiên khi đã thực hiện thành công bài toán này, cả nhóm nhận thấy có thể phát triển hơn nữa nên đã kết hợp các dữ liệu về bản đồ công tơ điện. Từ đó mang tới tiện ích trực quan cho người ngoài hiện trường cũng như người quản lý treo tháo công tơ.
“Với ứng dụng này, toàn bộ vị trí công tơ điện và hình ảnh hiện trạng đều được hiển thị. Có bản đồ trên ứng dụng, dù công tơ ở vị trí hang cùng ngõ hẻm nào thì người thực hiện thay thế cũng biết chính xác vị trí để xử lý. Tránh trường hợp nhiều nhân viên mới không quen địa bàn dân cư phải đi tìm vị trí công tơ theo địa chỉ”
Anh Nguyễn Thảo Nguyên, thành viên nhóm thực hiện đề tài
Ứng dụng treo tháo công tơ định kỳ ngoài hiện trường hạn chế sai sót có thể xảy ra so với phương pháp ghi chép biên bản bằng tay trước đây – Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Năm 2022, PC Đà Nẵng cơ bản hoàn thành chuyển đổi số
Để hưởng ứng và đồng bộ với công tác chuyển đổi số của EVNCPC, PC Đà Nẵng đã ban hành kế hoạch chuyển đổi số và thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi số cùng với 7 tổ công tác để kịp thời triển khai và theo dõi các nhiệm vụ.
Năm 2022, PC Đà Nẵng xác định là năm cơ bản hoàn thành chuyển đổi số, làm nền tảng để hoàn thiện và phát triển trong các năm tiếp theo. Công ty sẽ tập trung nghiên cứu các công nghệ lõi nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong thời gian đến, tiếp tục tăng cường công tác truyền thông, đào tạo về chuyển đổi số và nâng cao kỹ năng số.
Trong năm nay, đơn vị này kỳ vọng đạt mục tiêu 100% hồ sơ dịch vụ điện (bao gồm trực tiếp và trực tuyến) được xử lý hoàn toàn trên môi trường mạng, cùng việc số hóa toàn bộ dữ liệu lưới điện hạ thế trên nền tảng công nghệ GIS.
Nguồn: tuoitre.vn