Tại sao mình phải xài tiền của chính mình? Trong khi ngân hàng có thể cho mình tiêu tiền lại còn cho 55-60 ngày mới phải thanh toán, đó là chưa kể đến việc được tích điểm đổi quà. Nếu lạm dụng điều này hãy cẩn thận với những “bi kịch thẻ tín dụng”.
Trao đổi tại chương trình, “Tự do tài chính” số 18 với chủ đề “Ét Ô Ét! Tiền đi đâu hết rồi?”, Ông Nguyễn Hữu Quang – Tổng Giám đốc Ngân hàng số Cake by VPBank cho biết, thẻ tín dụng tuy có nhiều ưu đãi nhưng cám dỗ rất lớn.
Ví dụ như khi trong một chuyến du lịch nước ngoài, bạn nhìn thấy 1 cái túi đẹp, nếu cầm tiền mặt mà không đủ thì bạn có thể kiềm lại cảm xúc mà không tiêu pha; hoặc trong trường hợp bạn phải đi rút tiền thì bạn cũng phải đếm lại nếu món đồ 10-20 nghìn đô thì cảm giác cũng sẽ rất xót xa khi phải tiêu.
Còn đối với trường hợp sử dụng thẻ tín dụng để thanh toán cho các món hàng trên, tuy cảm giác sẽ rất “êm” khi nhưng cuối tháng sẽ là những khoảng nợ rất lớn. Cảm giác “êm ái” chính là cám dỗ rất lớn khi sử dụng thẻ tín dụng.
Siêu mẫu Xuân Lan tại chương trình cũng chia sẻ về trường hợp “bi kịch thẻ tín dụng”. Theo đó, có những bạn trẻ chỉ có thu nhập khoảng 10-15 triệu hằng tháng, nhưng khi thích một cái gì đó, hoặc thậm chí cả mỗi bữa ăn thì các bạn cũng đều dùng thẻ tín dụng. Hạn mức thẻ 20-50 triệu nhưng lại hết rất nhanh. Khi đó, các bạn ấy lại phải xoay qua một loại thẻ tín dụng khác lại tiếp tục lập lại quy trình cũ cứ liên tục dùng thẻ. Cho đến một lúc, lương mỗi tháng không đủ để trả nợ thẻ tín dụng nữa và đó “bi kịch thẻ tín dụng”.
Khi dùng thẻ tín dụng nếu vẫn kiểm soát được, vẫn đảm bảo khả năng trả nợ cuối mỗi tháng thì dùng thẻ tín dụng là một điều rất là tốt, còn không thì đừng nên dùng. Tránh để hồ sơ tín dụng bị biến thành nợ xấu của ngân hàng. Nếu nợ xấu sẽ dẫn đến rất nhiều bất lợi khi muốn đi vay để kinh doanh, mua nhà hoặc nhiều hoạt động khác sau này.
Mấu chốt để sử dụng thẻ tín dụng là phải kỷ luật, nếu không kỷ luật thì không nên sử dụng.
Nguồn: cafef.vn