Thiếu kinh nghiệm vay tiền, tôi trở thành miếng “mồi ngon” cho tín dụng mà không hay.
Nợ nần không còn là chuyện quá xa lạ với dân tình. Nhất là trong khi có rất nhiều khoản vay tốt vẫn có thể giúp bạn tiền đẻ ra tiền, nhân dư số tài khoản. Bên cạnh đó vẫn có những khoản nợ “ám ảnh” khiến người trót vay khủng hoảng cả về tài chính lẫn tinh thần, cố trả cũng không thoát nổi. Đơn cử như câu chuyện của Công Thành (22 tuổi, Đà Nẵng).
Vay nợ dễ hơn mua rau, ngồi nhà cũng được giải ngân và hậu quả “đắng ngắt”
Cuối 2020, vì tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, thu nhập giảm nên Công Thành quyết định thôi việc, vay tiền để mua công cụ và chuẩn bị làm việc tự do.
Vì ngại nên anh chàng không vay gia đình lẫn người quen mà chọn vay tín chấp ở bên ngoài. Ban đầu Thành tưởng dễ vay, nên không lo lắm. Ai ngờ, nghỉ việc cả tháng anh vẫn không vay được bên nào cả vì không còn hợp đồng lao động, cũng không có tài sản thế chấp.
Đang lúc tuyệt vọng Thành lại nhận được cuộc gọi tư vấn của tổ chức tín dụng tạm gọi là X. Vì từng vay 1 lần với số tiền 5 triệu, có sẵn thông tin nên Thành được vay tiếp không cần hồ sơ hay chứng minh thu nhập. Như vớ được cọc, anh chàng gật đầu đồng ý ngay và cung cấp đầy đủ thông tin lẫn giấy tờ trong tối đó và được duyệt cho vay luôn.
Sáng hôm sau, tín dụng X gọi cho anh chàng lên ký hợp đồng giải ngân 70 triệu. Điều này khiến Thành khá bất ngờ vì anh chàng đăng ký vay 20 triệu trả dần trong 2 năm chứ không muốn vay khoản tiền lớn như thế. Song, tư vấn viên đã trấn an Thành cứ lên ký hợp đồng, không cần dùng thì trả lại 50 triệu và sẽ không bị tính lãi số tiền đó. Ngọt nhạt xong mà Thành vẫn chần chừ, tư vấn viên chơi luôn “bài ngửa”, nhắn tin đe dọa, ép anh phải lên ký hợp đồng nếu không mất tiền tự chịu. Tiếp đó lại đe dọa đã ra hồ sơ mà không nhận tiền sẽ bị cho vào blacklist, không vay được bên nào khác khiến Thành bắt đầu sợ hãi và đồng ý ra ký hợp đồng nhận 70 triệu. Số tiền ấy Thành sẽ phải trả trong 36 tháng, mỗi tháng góp 4 triệu.
“Một vài tháng đầu mình vẫn đóng tiền đủ, đúng hạn nhưng thu nhập không ổn định nên về sau lại đóng trễ. Đỉnh điểm là lần mình trễ hơn 1 tuần, bên tín dụng gọi liên tục cho mình để đe dọa sẽ kiện mình ra tòa. Song song đó họ cũng gọi cho 2 người tham chiếu mà mình cung cấp số điện thoại để báo chuyện mình vay mà không đóng tiền, đe dọa họ. Điều đó làm mình rất lo sợ và có lỗi vì phiền bạn bè nên lại đi vay nơi khác để trả. Khoảng thời gian đó tinh thần của mình luôn bất ổn, cứ ngày 3-4 hằng tháng là lo lắng, sợ hãi, số lạ gọi không dám nghe máy. Cố được hơn 1 năm, tài chính lẫn tinh thần của mình đều không chịu nổi nữa nên đành thú thật với mẹ để được mẹ giúp đỡ trả hết vốn lẫn lãi 1 lần.
Gia đình có trách mắng rất nhiều nhưng vẫn đồng ý hỗ trợ. Dù lúc vay tư vấn viên có nói lãi và nợ gốc sẽ giảm dần, trả trước hạn chỉ phạt thêm 5% nhưng sau đó mình vẫn phải trả gần 70 triệu mới được gọi là hết nợ vì 1 năm qua chỉ đóng lãi dần chứ nợ gốc không giảm mấy. Đây coi như bài học đắt giá cho mình lần sau nên tìm hiểu cho kỹ, đừng vội vàng thiếu cẩn trọng rồi rước họa vào thân” – Công Thành tâm sự.
Vay nợ cần biết gì?
Chuyện của Công Thành chỉ là một trong số những câu chuyện vay mượn vội vàng, thiếu kiến thức rồi trả giá đắt điển hình. Ngày nay, việc vay tiền không còn quá xa lạ và cũng dễ dàng hơn rất nhiều. Đôi khi chỉ cần vài cú click, điền vội vài thông tin, dân tình sẽ được giải ngân ngay tức khắc. Song, hậu quả đằng sau của những cuộc vay mượn chóng vánh, không đảm bảo ấy lại vô cùng nặng nề.
Sự thiếu cẩn trọng khi vay tiền “nóng”, lãi suất trên trời ấy đã khiến biết bao người lâm vào cảnh nợ nần không trả nổi, tan cửa nát nhà và dính nợ xấu trong hồ sơ, khó lòng vay được vốn nếu mua nhà, sắm xe sau này. Để tránh rơi vào tình huống bất lợi, hậu quả kéo dài, đây là những điều bạn nên tìm hiểu kỹ khi có ý định vay tiền.
Đừng vội vàng
Vội vàng khi vay mượn có thể dẫn bạn đến với những quyết định sai lầm, dễ lơ là cảnh giác khi được dụ dỗ cho vay một cách dễ dàng. Song, hậu quả của những quyết định này rất khó lường, có thể khiến bạn phải gánh nợ mãi không xong hoặc gặp phải tín dụng “đen” dẫn tới những rắc rối khác nhau.
Bài học kinh nghiệm là hãy cân nhắc thật kỹ, tìm hiểu chính xác và trao đổi với nhiều người có chuyên môn để tránh bị lừa đảo, trở thành miếng “mồi ngon” cho các tổ chức tín dụng “đen”.
Lựa chọn gói vay phù hợp với khả năng tài chính
Mỗi ngân hàng hay tổ chức tín dụng sẽ có những gói vay riêng cho từng đối tượng khách hàng, hình thức thế chấp và mục đích vay.
Trước khi vay mượn, bạn nên xem xét kỹ tình hình tài chính của bản thân, tính toán kỹ các khoản thu – chi hằng tháng và cân đối xem đâu là gói vay phù hợp nhất. Đồng thời, bạn cũng cần tìm hiểu về lãi suất của khoản vay lẫn hình thức trả lãi. Nếu không hiểu rõ về lĩnh vực này, bạn hoàn toàn có thể nhờ tư vấn viên giải thích cụ thể và đối chiếu rõ từng khoản phải trả về sau.
Sau cùng, bạn nên xem kỹ hợp đồng vay có khớp với mức lãi suất đã thỏa thuận hay khoản vay mình đăng ký không. Có như vậy mới tránh rơi vào tình huống vay mượn quá khả năng trả, ảnh hưởng xấu về sau.
Biết được các chi phí ẩn khi vay tiền
Vay tiền không phải chuyện chỉ có nợ gốc và lãi suất mà còn có thêm nhiều chi phí ẩn khác mà bạn cần biết. Nếu không nắm kỹ, bạn sẽ dễ lao đao vì những khoản phí cao chót vót trên trời rơi xuống.
Các khoản phí vay tiền thường gặp có thể kể đến: Phí thẩm định tài sản, phí thanh toán chậm, phí trả nợ trước hạn, phí công chứng, bảo hiểm khoản vay… Để tránh thiệt thòi về sau, bạn nên trao đổi kỹ và hỏi rõ tất cả các chi phí ẩn cũng như % của chúng trước khi đặt bút ký vào hợp đồng giải ngân.
Nguồn: cafef.vn