Ông Nguyễn Tiến Thọ, Tổng giám đốc CTCP sản xuất và thương mại Nam Hoa (mã chứng khoán NHT) cho biết, năm 2022, công ty đặt mục tiêu doanh số 15 triệu USD thì đến nay Công ty đã nhận các đơn hàng đạt giá trị 12 triệu USD đến tháng 9, tương ứng khoảng 80% mục tiêu.
Năm 2022, Nam Hoa đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 1.070 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 83,35 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 15% và 53,36% so với thực hiện năm 2021. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ gần 77 tỷ đồng, tăng 42,53%. Cơ sở cho kế hoạch này đến từ đơn hàng đã ký của Nam Hoa với sản phẩm chủ lực là quà tặng và đồ chơi gỗ, cũng sự đóng góp của công ty con Miền Quê (do Nam Hoa sở hữu 51% vốn) – phụ trách thị trường rộng lớn là nội thất đồ gỗ, phân khúc cao cấp với hợp đồng kí kết dài hạn với các đối tác giúp doanh thu Miền Quê ổn định.
Miền Quê là công ty về nội thất với khối lượng sản xuất hàng tháng rất lớn, khoảng 200 container, chúng tôi đã nhận đơn hàng tính đến hết tháng 6/2022.
Đáng chú ý hơn, trong ĐHCĐ vừa qua của Nam Hoa đã thông qua việc tăng vốn mạnh, bao gồm trả cổ tức với tỷ lệ 30%; và chào bán cổ phiếu ra công chúng cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ thực hiện quyền 3:2. Mức giá chào bán dự kiến 10.000 đồng/cp – thấp hơn so với thị giá hiện nay là 32.000 đồng/cp. Đồng thời, phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP): HĐQT dự trình tỷ lệ phát hành không vượt quá 5% vốn điều lệ Công ty tại thời điểm thực hiện.
Trong đó, nguồn vốn dự kiến huy động 123,3 tỷ đồng từ chào bán cho cổ đông hiện hữu sẽ được phân bổ như sau: 38 tỷ đồng mua 51% cổ phần tại CTCP Thương mại Tràng An; chi hơn 73 tỷ đồng mua 54,13% cổ phần tại CTCP bánh kẹo Tràng An 3; và bổ sung vốn lưu động 12 tỷ đồng.
Ông Đoàn Hương Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Nam Hoa chia sẻ, để có thể đạt mục tiêu dẫn đầu trong ngành, việc mở rộng quy mô chắc chắn phải thực hiện. Theo đó, việc mua 2 công ty về thương mại và sản xuất tiêu dùng trong nước cũng là câu trả lời cho việc vì sao Nam Hoa đặt kế hoạch phát triển 50% trong nước và 50% xuất khẩu – bởi Công ty muốn tận dụng hệ thống phân phối dọc đất nước, phát triển cho việc bán hàng.
“Các công ty bánh kẹo này có thương hiệu lâu đời, hàng đầu về sản xuất & phân phối bánh kẹo ở miền Bắc, doanh số rất lớn, nên nếu Nam Hoa mua được 2 công ty này, thì doanh thu hợp nhất cộng thêm được gần 1.000 tỷ đồng, quy mô công ty sẽ tăng rất nhanh.”, ông Sơn nói.
Điều này cũng đồng nghĩa, nếu thành công trong việc mua chi phối hai công này sớm, doanh thu hợp nhất của Nam Hoa sẽ vượt mạnh so với kế hoạch đề ra kể trên.
Đặc biệt, cả 2 công ty này đều có lịch sử chia cổ tức đều và tốt hàng năm, cụ thể: CTCP Thương mại Tràng An thường chia cổ tức ở mức 25%-30%/năm; CTCP bánh kẹo Tràng An 3 thường chia cổ tức 50% nhiều năm. Qua đó, Nam Hoa sẽ mở rộng được quy mô doanh thu, đồng thời có thêm nguồn thu ổn định hàng năm từ cổ tức.
Ông Sơn nhìn nhận, ngành bánh kẹo khá “hot” ở Việt Nam.Trong dịch bệnh, năm 2021 ngành này tăng trưởng tốt, nhu cầu tiêu dùng thay đổi là cơ hội cho các ngành nói chung. “Chúng tôi đã từng là những cán bộ chủ chốt trong đội ngũ quản lý điều hành, có 15 năm kinh nghiệm tại các tập đoàn lớn như Unilever, Samsung, Sữa New Zealand nên tự tin khẳng định rằng nếu mua được công ty có nền tảng tốt thì chúng tôi sẽ làm tốt hơn và dẫn dắt thành những công ty hàng đầu Việt Nam. Đây cũng là bước cơ sở để Nam Hoa đi “hai chân” 50% xuất khẩu, 50% nội địa”, ông Sơn chia sẻ thêm.
Nguồn: cafef.vn