Nóng trong tuần: Giá nhà leo thang, người mua gặp khó

CafeLand – Càng kéo giảm, giá nhà càng tăng; ‘Cò’ đất đột ngột mất hút, điểm nóng ‘sốt’ đất ở Tây Nguyên ê chề, giá lao dốc không phanh; Bất động sản ven đô giảm nhiệt, nhiều chủ đất rao bán cắt lỗ… là những thông tin nóng trong tuần qua.

Hình minh họa

Càng kéo giảm, giá nhà càng tăng

Giá căn hộ chung cư tại các địa phương đều có xu hướng tăng, tỷ lệ tăng bình quân khoảng 3% so với thời điểm cuối năm 2021. Tại Hà Nội giá nhà chung cư tăng khoảng 4-5% cao hơn so với tại TP.HCM tăng khoảng 1-2% so với cuối năm 2021.

Các căn hộ bình dân có mức giá từ 25-30 triệu đồng/m2. Các dự án nhà ở thương mại tại khu vực trung tâm của các đô thị hầu như không có căn hộ với mức giá dưới 25 triệu đồng/m2. Căn hộ có mức giá này chỉ có tại một số ít các dự án tại khu vực xa trung tâm như các quận, huyện tại Hà Nội, Đà Nẵng, Bộ Xây dựng cho biết.

Một căn nhà bị đẩy giá tăng cả tỷ đồng chỉ sau một tháng bằng cách nào?

Chị Nguyễn Ngọc Mai (quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ câu chuyện mua nhà “hụt” của mình khiến ai cũng phải giật mình vì chỉ sau vài cú sang tay, giá nhà đã đội lên gần 1 tỷ đồng.

Chị Mai kể lại, giữa tháng 4/2022, chị tìm mua nhà ở khu vực Nguyễn Khoái, phường Thanh Trì (quận Hoàng Mai). Sau nhiều ngày tìm kiếm, chị Mai ưng ý một căn nhà 5 tầng, diện tích 52m2, giá chủ chốt là 5,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi vừa đến gặp chủ để đặt cọc thì chị Mai thất vọng vì đã có người vừa đặt mua. Đáng nói là, ngay sau đó, chủ mới đã liên hệ chị Mai để bán lại với giá 5,6 tỷ đồng.

Thanh khoản nhỏ giọt, vì sao giá nhà đất vẫn tăng vọt?

Anh Lê Trọng Trí, một tay chơi có kinh nghiệm gần 10 năm buôn shophouse, kể hồi đầu năm 2022, anh xuống tiền đầu tư một căn shophouse bên quận 9, TP.HCM với giá 30 tỷ đồng, vị trí đắc địa. Vì thanh khoản thấp nên khi mua anh cũng xác định “ngâm” tầm 2-3 năm để chờ sóng tăng.

Bất ngờ là vừa nhận nhà xong thì có người đến “gạ” mua. Vì chưa thực sự muốn bán nên anh Trí nói vống lên 40 tỷ đồng để khách bỏ chạy, nhưng khách vẫn xuống tiền quyết mua cho bằng được. Đồng nghĩa chỉ trong vòng hơn 1 tháng, quá 2 lần trao tay, căn shophouse đã tăng 10 tỷ đồng.

‘Cò’ đất đột ngột mất hút, điểm nóng ‘sốt’ đất ở Tây Nguyên ê chề, giá lao dốc không phanh

Trong khoảng 2 tháng trở lại đây, tình hình mua, bán đất đai tại xã Cư Suê đã lắng xuống rất nhiều, “cò đất” không còn lượn lờ khắp hang cùng ngõ hẻm để săn đất như ngày trước nữa và giá đất bắt đầu đi xuống.

Cụ thể, cách đây khoảng 6 tháng, một sào đất nông nghiệp taị buôn Sút M’rư của xã Cư Suê có giá khoảng 2 tỉ đồng tùy theo vị trí. Giá đất bỗng chốc tăng cao nên rất nhiều người dân đã bán đất. Thế nhưng tại thời điểm hiện nay, giá mỗi sào đất còn khoảng 1,5 tỉ đồng, giảm trên dưới 500 triệu đồng/sào. Người dân và chính quyền địa phương cho biết, dù việc mua bán đất diễn ra rầm rộ nhưng chỉ toàn mua đi bán lại chứ không có người mua đất để làm nhà ở.

Môi giới đua nhau đẩy giá, đất nền Đà Nẵng ‘đóng băng’

Các môi giới bất động sản hô giá các lô đất nền xây nhà ở lên cả trăm triệu đến tỷ đồng khiến chủ sở hữu và người mua gần như không thể giao dịch.

Theo tìm hiểu, tại các vùng ven huyện Hòa Vang, Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn), nhất là khu giáp Quảng Nam… vẫn còn nhiều lô đất mà người dân rao bán. So với thời điểm dịch Covid-19, giá đất ở đây có tăng khoảng 50-100 triệu đồng (tùy theo diện tích và vị trí). Ở những khu vực này, đa phần là đất nền nằm trong khu dân cư đã đông đúc với diện tích từ 80-100 m2. Nhiều hộ dân có nhu cầu về vốn để đầu tư làm ăn, hoặc cho con ăn học nên rao bán.

Bất động sản ven đô giảm nhiệt, nhiều chủ đất rao bán cắt lỗ

Đầu tư 1 lô đất 80m2 tại xã Đồng Trúc (Thạch Thất, Hà Nội) từ giữa năm 2021, đến nay chị Nguyễn Thị Hải Anh (Hà Đồng, Hà Nội) đang rao bán, tìm khách mua. Lô đất có giá 1,4 tỷ đồng, tương đương khoảng 18 triệu đồng/m2. Thời điểm mua đất, chị Hải Anh chỉ có 600 triệu đồng tiền tiết kiệm, phải vay thêm ngân hàng 800 triệu đồng để mua lô đất này.

“Bạn bè tôi thời điểm ấy, ai buôn đất Thạch Thất cũng có lời, vì thế, tôi quyết định vay ngân hàng để thử vận may. Bây giờ thấy đất khu vực này hạ nhiệt, tôi rao bán 1,7 tỷ đồng nhưng mãi vẫn chưa tìm được khách mua, trong khi hàng tháng tôi phải trả cả gốc cả lãi khoảng 30 triệu đồng”, chị Hải Anh nói.

“Cò hồ sơ” tung tin thất thiệt, người dân Quảng Ngãi đổ xô đi làm thủ tục đất đai

Một số địa phương chưa thực hiện tốt công tác tuyên truyền cho người dân về những thông tin cần thiết, quy định của pháp luật để người dân đổ xô đi làm hồ sơ gia hạn quyền sử dụng đất khi nghe những thông tin thất thiệt từ những đối tượng “Cò hồ sơ”.

Theo đó, UBND thị xã Đức Phổ cho biết, trước tình hình phát sinh đột biến số lượng hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) xin gia hạn quyền sử dụng đất của công dân trên địa bàn thị xã do người dân nghe những thông tin thất thiệt từ các đối tượng là “Cò hồ sơ”, Chủ tịch UBND thị xã đã chỉ đạo Bộ phận một cửa tăng cường làm việc ngày thứ 7 để thực hiện giải quyết hồ sơ xin gia hạn thời gian sử dụng đất cho công dân.

Siết chặt tín dụng Bất động sản, lợi hay hại đến thị trường?

Nguồn: cafeland.vn

Bài viết cùng chủ đề: