Làm thế nào để giảm lạm phát mà không hãm đà tăng trưởng? Đó là công việc khó khăn mà các ngân hàng trung ương đang phải đối mặt.
Câu chuyện không dừng lại ở đó. Trong khi các nước khác đang phải đối mặt với tình trạng giá cả tăng vọt thì dịch COVID-19 tái bùng phát ở Trung Quốc với những đợt phong tỏa diện rộng kéo dài đang ảnh hưởng đến thương mại và làm cho nền kinh tế của nước này chậm lại rõ rệt.
Và một vấn đề phức tạp khác nữa là các thương vụ M&A trị giá hơn 400 tỷ USD đang chờ được cấp vốn, nhưng chi phí vốn lại đang tăng nhanh.
Dưới đây là những sự kiện sẽ diễn ra trong tuần tới (9-15/5) được các nhà phân tích và những người tham gia thị trường chờ đợi.
1 / Các ngân hàng trung ương tiếp tục “trò chơi” tăng lãi suất
Lạm phát “nóng rực” đến mức khiến các ngân hàng trung ương đang cảm thấy rất cấp bách. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa nâng lãi suất với mức tăng mạnh nhất trong vòng 22 năm, trong khi đó Australia cũng tăng lãi suất nhiều hơn dự kiến, và Ấn Độ cũng tăng mạnh lãi suất thêm 0,4% lãi suất trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ ba châu Á đối mặt với lạm phát tăng vọt – lần tăng lãi suất đầu tiên kể từ tháng 8/2018.
Tuy nhiên, cơn sốt thắt chặt chính sách đang làm tăng thêm những “đám mây góp thành bão” trên nền kinh tế thế giới, do ảnh hưởng bởi giá lương thực và năng lượng tăng cao, chiến tranh ở Ukraine và các biện pháp chống COVID của Trung Quốc.
Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) vừa tăng lãi suất lần thứ 4 liên tiếp lên mức cao nhất trong 13 năm qua, với mức tăng 0,25 điểm phần trăm lên 1%, để ứng phó với tình trạng lạm phát tăng vọt. Động thái này của Anh đánh dấu rủi ro suy thoái rõ rệt đối với nền kinh tế này.
Chỉ số tâm lý ZEW của Đức và dữ liệu sơ bộ về GDP quý 1 của Vương quốc Anh sắp công bố vào tuần tới sẽ cho thấy các ngân hàng trung ương đang bước đi như thế nào trên con đường thắt chặt tiền tệ. Và tại các thị trường mới nổi, Mexico, Peru, Malaysia và Romania nhiều khả năng cũng sẽ xác nhận việc tiếp tục chu kỳ tăng lãi suất.
2 / Những kỷ lục về lạm phát
Lạm phát của Mỹ liệu sắp đạt ‘đỉnh’ sau khi tăng nhanh nhất trong hơn 40 năm? Thị trường đang tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi này từ chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 của Mỹ, dự kiến sẽ được công bố vào thứ Tư (11/5).
CPI tháng 3 của Mỹ ở mức 8,5% so theo năm do chi phí xăng dầu đạt mức cao kỷ lục. Tính theo tháng, CPI tháng 3 tăng 1,2%, mức tăng lớn nhất kể từ tháng 9/2005, vượt xa mức dự báo của các nhà phân tích là tăng 0,2%.
Đợt tăng lạm phát mạnh vào tháng 3 có thể là lý do chính để Fed nâng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản hôm 4/5. Dữ liệu lạm phát tháng 4 sắp công bố có thể sẽ ảnh hưởng đến các điều chỉnh chính sách tiền tệ trong tương lai.
3 / Những đợt phong tỏa kéo dài ở Trung Quốc
Các đợt phong tỏa chống COVID của Trung Quốc có những dấu hiệu cho thấy sẽ kéo dài qua mùa Xuân. Bên cạnh việc gây căng thẳng cho hàng chục triệu người, thiệt hại từ những đợt phong tỏa này đối với triển vọng kinh tế – ở Trung Quốc và toàn cầu – là rất lớn.
Và các thị trường đang ngày càng giảm kỳ vọng vào những chính sách kích thích để hỗ trợ kinh tế của nước này. Nếu các số liệu thương mại của Trung Quốc – công bố vào thứ Hai (9/5) tiếp tục minh chứng cho việc các hoạt động kinh tế gần đây đã trở nên tồi tệ thì các dự báo về tăng trưởng kinh tế thế giới, vốn đã xấu đi, sẽ còn ảm đạm hơn nữa.
Giá quặng sắt, dầu và đồng đang dao động. Trong bối cảnh Mỹ đang bước vào chu kỳ tăng nhanh lãi suất, sự suy giảm của Trung Quốc cũng được báo hiệu bằng việc đồng nhân dân tệ đang chao đảo, và sẽ đến lúc nhân dân tệ không ngừng trượt dốc, khi những nhà đầu tư nước ngoài rút các khoản đầu tư của họ khỏi Trung Quốc.
4 / Vấn đề EU cấm nhập khẩu dầu Nga
Lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga của Liên minh Châu Âu (EU) vẫn là một dấu hỏi, nhất là về thời điểm. Theo một nhà ngoại giao hàng đầu của khối, khối này gần như đã đồng ý với gói trừng phạt thứ sáu và đợt trừng phạt gay gắt nhất đối với Moscow.
Trọng tâm của gói này là lệnh cấm vận theo từng giai đoạn đối với dầu của Nga – chiếm hơn một phần tư kim ngạch nhập khẩu của EU. Động thái này sẽ đẩy các nhà máy lọc dầu ở châu Âu vào cuộc đua tìm kiếm các nhà cung cấp dầu thô mới và khiến những người lái xe phải chịu các hóa đơn tốn kém hơn nhiều so với trước đây, đúng vào thời điểm khủng hoảng chi phí sinh hoạt đang đè nặng người tiêu dùng trên toàn cầu.
Trong khi đó, Nga sẽ tổ chức Ngày Chiến thắng 9/5 hàng năm tại Moscow để kỷ niệm ngày Liên Xô chiến thắng Đức Quốc xã. Điện Kremlin bác bỏ suy đoán rằng Tổng thống Vladimir Putin dự định tuyên chiến với Ukraine và một cuộc tổng động viên toàn quốc vào ngày mang tính biểu tượng cao này.
5 / Các vụ M&A đang dài cổ chờ tiền
Hoạt động giao dịch trên toàn cầu đang phục hồi sau quý đầu tiên lao dốc do cuộc khủng hoảng giữa Nga và Ukraine.
Hoạt động M&A trên toàn cầu tháng 4 tăng 30% so với tháng 3 lên 387 tỷ USD, bao gồm các thương vụ lớn như Elon Musk mua lại Twitter trị giá 44 tỷ USD và một tập đoàn dành 58 tỷ euro (61,04 tỷ USD) cho nhà điều hành sân bay và đường cao tốc Atlantia của Ý
Giờ đây, thị trường M&A phải đối mặt với một thách thức khác – đó là nguồn vốn.
Dữ liệu của Refinitiv cho thấy trên toàn cầu, các thương vụ trị giá hơn 400 tỷ USD đã được công bố từ tháng 1/2022 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn tất.
Các thương vụ M&A thường bao gồm ‘tài trợ chính’, một gói được thu xếp trước được cung cấp cho những người mua tiềm năng để tài trợ cho việc mua lại. Sau khi đạt được thỏa thuận, người mua có thể cung cấp tài chính và mời các ngân hàng khác tham gia. Hoặc họ có thể khai thác thị trường trái phiếu hoặc thị trường cổ phiếu.
Nhưng chi phí tài trợ đã tăng theo chiều hướng xoắn ốc kể từ khi các thỏa thuận được thống nhất. Chỉ số ICE BofA cho thấy lợi suất nợ doanh nghiệp trên toàn cầu trung bình đã tăng 100 điểm cơ bản kể từ khi Nga mở “chiến dịch đặc biệt” ở Ukraine 24 tháng 2, và tăng 150 điểm cơ bản đối với các công ty xếp hạng cao của Mỹ.
Điều đó khiến một số giao dịch lớn bị treo, bao gồm việc Microsoft mua Activision Blizzard, Musk mua lại Twitter và một khoản đầu tư của Macquarie và British Columbia Investment Management vào National Grid của Anh.
Tham khảo: Refinitiv
Nguồn: cafef.vn