“Quan điểm của tôi vẫn là không nên nhìn quá nhiều vào thị trường, mà hãy quan tâm đến cổ phiếu nắm giữ. Khi dòng tiền rẻ qua đi, giá trị thực của cổ phiếu sẽ lộ rõ”, ông Hoàng Công Tuấn nêu quan điểm.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày 4/5 nâng lãi suất 0,5%- bước nhảy rộng nhất trong hơn 2 thập kỷ trở lại đây nhằm chống lại lạm phát ở mức cao nhất trong 40 năm qua. Động thái của Fed không gây bất ngờ, song rõ ràng việc ngân hàng trung ương lớn nhất thế giới mạnh tay với lãi suất cũng gây ra e ngại tác động đến các nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam.
Đưa ra quan điểm tại buổi chia sẻ mới đây do Chứng khoán MB tổ chức, ông Ngô Quốc Hưng – Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS về lịch sử điều chỉnh lãi suất của Fed từ năm 1990 đến nay, thị trường thường phản ứng tiêu cực với các lẫn tăng lãi suất khẩn cấp (0,5% trở lên) và đều gần liền với các giai đoạn khó khăn của kinh tế như suy thoái hay khủng hoảng… Tuy nhiên, thị trường thường phản ứng khá tích cực với các lần hạ lãi suất nhỏ (-0,25%) hoặc tăng lãi suất (từ 0,25%-0,5%) một cách có kế hoạch trước và với mức độ chậm chạp.
Fed tăng lãi suất sẽ có hai điểm nhà đầu tư cần lưu ý (1) tại thời điểm Fed tăng lãi suất lợi nhuận 80% các doanh nghiệp trong S&P500 vượt kỳ vọng (2) tăng trưởng kinh tế Mỹ quý 2 dự báo tăng lên 2,2% từ mức 1,6% trong quý 1. Hai điểm này bù đắp cho lượng cung tiền rẻ, thị trường sẽ đi lên chậm rãi bằng tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp.
Dưới góc nhìn của ông Hoàng Công Tuấn – Kinh tế trưởng Công ty Chứng khoán MB (MBS), hành động của Fed đúng theo dự báo để kiềm chế áp lực lạm phát. Nhà đầu tư cần xác định xu hướng đầu tư trong môi trường lãi suất tăng, tiền rẻ và tiền dễ dãi không còn.
Phân tích sâu hơn về vấn đề lạm phát, ông Tuấn cho rằng các yếu tố liên quan đến căng thẳng Nga – Ukraine và chính sách Zero Covid của Trung Quốc chỉ là “đổ thêm dầu vào lửa”, vấn đề ảnh hưởng sâu sắc nhất đến lạm phát là câu chuyện tiền tệ.
Tuy nhiên, nhìn rộng hơn có thể thấy áp lực lạm phát có sự phân hóa mạnh giữa các quốc gia. Trong khi lạm phát Mỹ lên đến 7-8%, thì lạm phát ở các quốc gia Đông Nam Á vẫn duy trì ở mức 3-4%. Như vậy có thể thấy quốc gia nào bơm tiền ra nhiều hơn thì hiện tại sẽ phải thu về.
“Nhiều người băn khoăn chính sách tiền tệ liệu có gây suy thoái nền kinh tế không? Tôi cho rằng Fed là tổ chức lớn, có kinh nghiệm điều hành nên sẽ có những quyết sách phù hợp với diễn biến nền kinh tế. Theo đó, Fed sẽ tăng lãi suất trung tính từ 2-2,4%, đưa mặt bằng lãi suất về mức có thể kiềm chế áp lực lạm phát và cũng không kích thích khiến nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ thêm” ông Hoàng Công Tuấn phân tích.
Đánh giá tác động của việc tăng lãi suất đến thị trường Việt Nam, ông Hoàng Công Tuấn đánh giá cao tầm nhìn của NHNN khi trong năm 2021 không hành động vội vã hạ thêm lãi suất. Ông Tuấn cũng cho rằng sẽ không có áp lực tăng lãi suất trong ngắn hạn, ít nhất từ đây đến cuối quý 3 năm nay.
Tuy nhìn nhận vĩ mô của Việt Nam vẫn ổn định, song ông Tuấn cho rằng cần chú ý đến vấn đề lạm phát. Nếu lạm phát duy trì trong quanh mức 4% thì cũng không quá quan ngại, bởi trong quá khứ chúng ta từng trải qua lạm phát năm 2013 trên 6%, còn năm 2019 có thời điểm lên trên 5% sau có sự điều chỉnh xuống 4%.
“Khi thị trường diễn biến xấu, mọi người thường đổ tại rất nhiều do vĩ mô bất ổn, lạm phát leo thang, song có một yếu tố quyết định đó chính là giá cổ phiếu. Khi giá cổ phiếu được “bơm” quá căng bởi nhiều yếu tố trong giai đoạn trước, thì tất nhiên sẽ đến lúc phải “vỡ”.
Quan điểm của tôi vẫn là không nên nhìn quá nhiều vào thị trường, mà hãy quan tâm đến cổ phiếu nắm giữ. Khi dòng tiền rẻ qua đi, giá trị thực của cổ phiếu sẽ lộ rõ. Những mã có triển vọng tăng trưởng rõ ràng trong tương lai vẫn có cơ hội tốt, ngược lại những cổ phiếu không thực sự có “chất” sẽ tiếp tục giảm dù thị trường hồi phục”, Kinh tế trưởng MBS đưa ra quan điểm.
Nguồn: cafef.vn