Trái với khối lượng phát hành dẫn đầu trong 3 tháng đầu năm, TPDN bất động sản đã hoàn toàn vắng bóng trong tháng này. Vị trí quán quân thuộc về nhóm ngân hàng với tỷ trọng chiếm gần 91%.
Theo báo cáo tháng mới nhất về hoạt động phát hành trái phiếu của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát hành trong tháng 4 là 16.472 tỷ đồng, trong đó có 23 riêng lẻ và không có đợt phát hành TPDN ra công chúng nào.
Thứ hạng có sự thay đổi khi phần lớn các doanh nghiệp phát hành trong tháng 4 đến từ các ngân hàng thương mại với 14.940 tỷ đồng, chiếm 90,7% tổng giá trị phát hành. Trước đó trong những tháng đầu năm, bất động sản luôn ở vị trí dẫn đầu trong nhóm phát hành TPDN.
Ở nhóm TPDN của các NHTM, Ngân hàng MB là đơn vị phát hành trái phiếu nhiều nhất với 4.600 tỷ đồng cho kỳ hạn 3 năm. Ngân hàng Sacombank đứng sau ở mức 2.500 tỷ đồng cũng cho kỳ hạn 3 năm.
Danh sách các doanh nghiệp phát hành TP riêng lẻ trong tháng 4 hoàn toàn không có doanh nghiệp nào thuộc lĩnh vực bất động sản. Thời gian vừa qua những thông tin từ vụ 9 lô trái phiếu của Tập đoàn Tân Hoàng Minh bị hủy và động thái siết bất động sản, TPDN phần nào đã gây ra sự xáo trộn của thị trường nợ này.
Trước khi xảy ra những sự việc trên, bất động sản vẫn là lĩnh vực có khối lượng TPDN dẫn đầu. Trong quý 1/2022, tổng khối lượng TPDN nhóm bất động sản phát hành tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức 28.581 tỷ đồng.
Do vậy, nếu xét khối lượng TPDN phát hành từ đầu năm 2022 đến nay, tạm thời vị trí quán quân vẫn thuộc về nhóm bất động sản với giá trị phát hành lũy kế là 28.856 tỷ đồng, chiếm 37.35%. Kỳ hạn từ 1 đến 3 năm chiếm phần lớn giá trị phát hành trong nhóm này với 21,559 tỷ đồng, tương đương 74.71%.
Nhóm Ngân hàng đứng ở vị trí thứ hai với 24,393 tỷ đồng, chiếm 31.57% tổng giá trị phát hành. Kỳ hạn phát hành bình quân của các ngân hàng thương mại là 4.03 năm, lãi suất phát hành thường đường thả nổi theo lãi suất tiết kiệm của các ngân hàng quốc doanh. Trong nhóm này, NH TMCP Quân Đội phát hành nhiều nhất với 4,600 tỷ đồng, theo sau bởi NH TMCP Quốc Tế Việt Nam với 3,948 tỷ đồng.
Thực tế từ đầu năm đến nay, nhóm ngân hàng cũng đã “rục rịch” quay trở lại đường đua phát hành TPDN. Theo số liệu thống kê trong báo cáo quý 1/2022 của VBMA, mức phát hành trái phiếu của nhóm NHTM trong 3 tháng đầu tăng 7 lần so với cùng kỳ. Việc đẩy mạnh hoạt động huy động vốn trên thị trường nợ cho thấy các ngân hàng vẫn đang nỗ lực tăng vốn nhằm cải thiện hệ số an toàn vốn (CAR). Đây cũng là chỉ tiêu để được cấp hạn mức tín dụng và đảm bảo sớm hoàn thành các chỉ tiêu Basel II, III.
Ngoài ra, nếu kế hoạch phát hành thời gian tới của HDBank với tổng khối lượng 18.000 tỷ đồng và BIDV tới 35.000 tỷ đồng thành công thì vị trí quán quân hiện tại của nhóm bất động sản dự kiến sẽ có sự thay đổi.
Nguồn: cafef.vn