TTCK Việt Nam vẫn thu hút nhiều sự chú ý từ các nhà đầu tư trong khu vực như Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc) và Singapore nhờ triển vọng kinh tế vĩ mô dự báo có nhiều điểm sáng và mức định giá hấp dẫn với P/E VN-Index ước tính năm 2022 ở mức 13 lần.
Trong báo cáo chiến lực tháng 5, SSI Reserch đánh giá động lực đi lên của TTCK Việt Nam trong ngắn hạn sẽ bị hạn chế bởi cơ hội thử thách đỉnh lịch sử trong mùa cao điểm thông tin ở tháng 4 đã đi qua. Trong khi đó, thị trường cũng cần thêm chất xúc tác mới để kích hoạt yếu tố định giá thấp.
Nhà đầu tư cá nhân có tâm lý quan ngại với những rủi ro tiềm ẩn trên thị trường Bất động sản, thị trường Trái phiếu Doanh nghiệp và TTCK trong nước. Đồng thời, diễn biến của TTCK thế giới với triển vọng Fed tăng lãi suất mạnh mẽ trong năm 2022 và xung đột giữa Nga và Ukraina dự kiến sẽ kéo dài vẫn là những yếu tố mà nhà đầu tư đang tiếp tục quan sát trong tháng 5.
Mặt khác, SSI Research cho rằng sự sụt giảm mạnh của thị trường trong tháng 4 vừa qua đi cùng với quá trình sàng lọc có tác động tích cực về dài hạn. Minh bạch sẽ giúp thị trường phát triển bền vững và đây là một trong các yếu tố quan trọng để giúp thị trường Việt Nam được nâng hạng.
Với sự ổn định của tỷ giá từ đầu năm đến nay và triển vọng kinh tế vĩ mô dự báo có nhiều điểm sáng, TTCK Việt Nam vẫn thu hút nhiều sự chú ý từ các nhà đầu tư trong khu vực như Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc) và Singapore. P/E VN-Index ước tính năm 2022 đang ở mức 13 lần, tương đối hấp dẫn ngay cả khi xét đến bối cảnh nới lỏng tiền tệ đã chấm dứt.
Trong trung hạn, có 2 yếu tố chính mang tính nền tảng hỗ trợ thị trường cần quan sát là (i) các biến số vĩ mô có thể giữ vững được sự ổn định (lạm phát, lãi suất, tỷ giá) và phục hồi (cầu tiêu dùng) và (ii) tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp trong 6 tháng cuối năm có thể quay lại mức cao so với nền thấp ở cùng kỳ năm ngoái.
Thực tế, ngay trong quý 1/2022 tăng trưởng LNST của các doanh nghiệp niêm yết trên HoSE đạt mức 31,52% sau quý 4/2021 hầu như không có tăng trưởng. Động lực tăng trưởng chung cho thị trường đến từ sự trở lại của các nhóm ngành hồi phục sau đại dịch như Du lịch giải trí, Thực phẩm đồ uống, Điện nước & Xăng dầu và khí đốt, Hàng cá nhân & Gia dụng, Công nghiệp, Hóa chất.
Dòng vốn ngoại có xu hướng trở lại
SSI Research chỉ ra rằng dòng vốn cổ phiếu vào thị trường phát triển (DM) đảo chiều sang rút ròng 35,3 tỷ USD, lần đầu tiên kể từ tháng 8/2021 do áp lực từ thị trường Mỹ. Ngược lại, dòng vốn vào cổ phiếu thị trường mới nổi (EM) tăng mạnh, lên mức 12,9 tỷ USD nhờ định giá hấp dẫn. P/E forward của cổ phiếu EM là 12,0x trong khi đó cổ phiếu DM là 17,2x (theo tính toán từ JP Morgan) cho thấy EM hiện đang được định giá tương đối rẻ.
Tại TTCK Việt Nam, nhờ dòng vốn tích cực từ ETF giúp thị trường Việt Nam vẫn ghi nhận dòng vốn vào ròng trong 4 tháng đầu năm.
Trong đó, dòng vốn ETF đã đảo chiều khởi sắc trở lại sau 2 tháng bị rút ròng, khi định giá trở nên hấp dẫn hơn sau khi giảm tới 9,9% trong tháng 4. Tổng dòng vốn ETF trong tháng 4 ghi nhận bơm ròng với tổng giá trị đạt 1.690 tỷ đồng, mức cao nhất trong vòng 9 tháng gần đây.
Tính chung 4 tháng đầu năm, dòng vốn ETF vào ròng 1.845 tỷ đồng với lực mua chủ yếu đến từ Quỹ Fubon và VFM VNDiamond. Tuy nhiên, con số này vẫn khá khiêm tốn so với mức kỷ lục 13.200 tỷ đồng trong 4 tháng đầu năm 2021.
Dòng tiền từ các quỹ chủ động cũng có sự cải thiện trong nửa cuối tháng 4. Mức bán ròng 136 tỷ đồng trong tháng chủ yếu rơi vào nửa đầu tháng và thấp hơn nhiều so với mức 594 tỷ đồng tháng 3. Tính chung 4 tháng đầu năm, các quỹ chủ động rút gần 1.200 tỷ đồng.
Khối ngoại có xu hướng tập trung giải ngân vào ngành cổ phiếu nhạy cảm với lãi suất như ngân hàng, hoặc ngành Việt Nam có lợi thế về dài hạn như bán lẻ và bất động sản khu công nghiệp.
Đi tiền thế nào trong tháng 5?
Theo SSI Research, VN-Index dù đã đã hồi phục khi lùi về sát vùng hỗ trợ 1.260-1.250 điểm trong tháng 4, tuy nhiên xu hướng TRUNG HẠN trên chỉ số này đã chuyển sang GIẢM nên rủi ro điều chỉnh trở lại trên chỉ số vẫn còn trong thời gian tới. SSI Research dự báo VN-Index chủ yếu sẽ dao động trong biên độ 1.380-1.280 điểm trong tháng 5.
Nhằm giảm thiểu rủi ro, Bộ phận phân tích này khuyến nghị nhà đầu tư chỉ nên gia tăng tỷ trọng khi chỉ số VN-Index xác nhận mẫu hình 2 đáy hoặc chuyển sang trạng thái thu hẹp biến động và hình thành trạng thái giằng co, tích lũy đi ngang (side-way).
SSI Research đưa ra khuyến nghị 7 cổ phiếu nhà đầu tư có thể lựa chọn trong tháng 5 với những câu chuyện đáng chờ đợi trong dài hạn, bao gồm GMD, PVT, FPT, NT2, PTB, DGW, QNS.
Nguồn: cafef.vn