VN-Index đảo chiều ngoạn mục từ đáy, nhiều cổ phiếu bị “nhỡ tàu”

VN-Index đảo chiều ngoạn mục từ đáy, nhiều cổ phiếu bị "nhỡ tàu"

Màu xanh tím cũng chiếm ưu thế trở lại trên bảng điện nhưng đâu đó vẫn còn một số cái tên đáng chú ý như DPM, DCM, PGV, FRT,… bị lực bán áp đảo nhấn xuống mức giá sàn.

DPM: Công ty cổ phần Công Nghiệp cao su Miền Nam

Giá hiện tại
39.9
Thay đổi

Xem hồ sơ doanh nghiệp

Thị trường chứng khoán vừa trải qua một phiên ngược dòng ngoạn mục từ mức giảm 37 điểm đầu phiên lên đóng cửa tăng gần 24 điểm. Dòng tiền bắt đáy giúp giải tỏa áp lực cho hầu hết các nhóm ngành từ ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, thép, dầu khí, bán lẻ, thủy sản, dệt may, xây dựng… Màu xanh tím cũng chiếm ưu thế trở lại trên bảng điện nhưng đâu đó vẫn còn một số cái tên bị lực bán áp đảo nhấn xuống mức giá sàn.

Bộ đôi cổ phiếu đầu ngành phân bón DPM của Đạm Phú MỹDCM của Đạm Cà Mau là 2 cái tên gây bất ngờ nhất khi cùng nằm sàn trong đó DPM còn “trắng bên mua”. So với đỉnh, thị giá DPM (-26%) và DCM (-35%) đều đã mất hàng chục %. Đáng chú ý, cả 2 doanh nghiệp này đều báo lãi kỷ lục quý đầu năm, ghi nhận tăng trưởng bằng lần so với cùng kỳ năm trước.

Nhờ giá bán và sản lượng tăng mạnh, Đạm Phú Mỹ ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất quý 1/2022 đạt 5.829 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với kết quả cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt kỷ lục 2.126 tỷ đồng, gấp 12 lần so với cùng kỳ năm trước trong đó LNST của công ty mẹ đạt 2.114 tỷ đồng.

Trong khi đó, doanh thu thuần quý 1/2022 của Đạm Cà Mau đạt 4.074 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần cùng kỳ năm ngoái. Riêng doanh thu bán ure đạt 3.769 tỷ đồng, chiếm 88% trong cơ cấu tổng doanh thu. Mức tăng trưởng cao của mặt hàng này chủ yếu đến từ hoạt động xuất khẩu với 2.195 tỷ đồng, gấp 5,5 lần quý 1/2021. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.518 tỷ đồng, gấp 10 lần cùng kỳ năm ngoái và là mức lãi cao kỷ lục kể từ khi hoạt động.

Cái tên “hot” ngành bán lẻ FRT của FPT Retail cũng bất ngờ bị bán đến sát sàn và đóng cửa phiên tại mức 123.000 đồng/cổ phiếu. So với đỉnh đạt được ngày 19/4, cổ phiếu này đã “bay” mất gần 28% thị giá, vốn hóa theo đó lùi xuống mức 9.700 tỷ đồng.

Đáng chú ý, FRT vừa công kế hoạch triển khai phương án chi trả cổ tức năm 2021 đã được Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 thông qua với tổng tỷ lệ 55% gồm 5% bằng tiền và 50% bằng cổ phiếu. Thời gian chốt danh sách dự kiến trong tháng 6 và sẽ được chi trả trong tháng 7.

Trước đó, doanh nghiệp bán lẻ này cũng có quý đầu năm kinh doanh đầy khởi sắc với doanh thu đạt 7.786 tỷ đồng, tăng 67% so với cùng kỳ năm 2021, hoàn thành 29% kế hoạch cả năm. Sau khi trừ chi phí, FRT lãi trước thuế hợp nhất đạt 204 tỷ đồng, gấp 5,3 lần so với cùng kỳ và hoàn thành 28% kế hoạch lợi nhuận năm 2022.

“Ông lớn” ngành điện PGV của EVNGENCO 3 kết phiên giảm 3,5% tuy nhiên lực cầu gần như không có khiến cổ phiếu này bị lộ sàn. Đà giảm của PGV có lẽ không còn khiến nhà đầu tư bất ngờ khi cổ phiếu này gần như chỉ giảm kể từ sau khi chuyển sàn sang HoSE ngày 10/2/2022. PGV hiện đang dừng ở mức 28.900 đồng/cổ phiếu tương ứng vốn hóa 32.500 tỷ đồng, giảm gần 32% sau 3 tháng.

Về tình hình kinh doanh, nhờ sản lượng điện sản xuất tăng và giá bán điện bình quân tăng mạnh, PGV ghi nhận doanh thu thuần quý 1/2022 đạt 10.905 tỷ đồng, tăng 19,3% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này lại tăng khá khiêm tốn gần 7% so với cùng kỳ, đạt gần 844 tỷ đồng.

Ngoài những cái tên đáng chú ý kể trên, HDC của Hodeco, NHA của Đô thị Nam Hà Nội hay TTF của Gỗ Trường Thành cũng đều bị bỏ lại phía sau. So với đỉnh, thị giá TTF đã giảm đến 42% trong khi 2 cổ phiếu bất động sản HDC, NHA đều đã “bốc hơi” trên 50% thị giá.

Nguồn: cafef.vn

Bài viết cùng chủ đề: