Toàn bộ 30 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán đều giảm giá trong tuần 9-13/5.
Kết thúc tuần giao dịch 9-13/5, VN-Index giảm 146,49 điểm (-11,02%) so với tuần trước đó xuống mức 1.182,77 điểm. Đà lao dốc tuần qua đã kéo chuỗi giảm điểm của VN-Index lên 6 tuần liên tiếp, dài nhất trong vòng hơn 10 năm trở lại đây. HNX-Index giảm 41,07 điểm (-11,96%) xuống 302,39 điểm. UPCoM-Index cũng giảm 8,27 điểm (-8,12%) xuống 93,61 điểm.
Thanh khoản thị trường nhỉnh hơn so với tuần trước đó, tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 19.220 tỷ đồng/phiên, tăng 7%, trong đó, giá trị khớp lệnh bình quân đạt 17.392 tỷ đồng/phiên, tăng 5,7%.
Đa số các nhóm ngành cổ phiếu đều đi xuống. Toàn bộ 30 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán đều giảm giá trong tuần 9-13/5. Trong đó, GVR của Tập đoàn CN Cao su Việt Nam (HoSE: GVR) giảm mạnh nhất nhóm này với 20,5%. TCB của Techcombank (HoSE: TCB) tiếp tục khiến nhà đầu tư thất vọng khi giảm 18,6% từ 41.500 đồng/cp xuống chỉ còn 33.800 đồng/cp.
Tiếp sau đó, PLX của Petrolimex ( HoSE: PLX ) cũng giảm 18,5%. MSN của Masan ( HoSE: MSN ) cũng giảm 17,2%…
Trong khi đó, ba cổ phiếu hiếm hoi trong top 30 vốn hóa có mức giảm dưới 2% là VHM của Vinhomes ( HoSE: VHM ), VJC của Vietjet ( HoSE: VJC ) và SSB của SeABank ( HoSE: SSB ).
Giảm giá
Giảm giá mạnh sàn HoSE thuộc về PET của Petrosetco ( HoSE: PET ) với 24,5% từ mức 43.750 đồng/cp xuống chỉ còn 33.050 đồng/cp. Tính từ giá đỉnh 67.800 đồng/cp ở phiên 4/4, PET đã để mất 51% giá trị.
HAX của Ô tô Hàng Xanh (Haxaco, HoSE: HAX ) cũng giảm 24,4% chỉ sau một tuần giao dịch. Theo quyết định của Hội đồng quản trị về việc thông qua triển khai phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ. Haxaco dự kiến phát hành hơn 7,4 triệu cổ phiếu trả cổ tức năm 2021. Tỷ lệ phát hành 15%, tương ứng cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được nhận về 15 cổ phiếu mới. giá trị phát hành theo mệnh giá hơn 74 tỷ đồng. Nguồn vốn phát hành lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối theo BCTC đã kiểm toán năm 2021 của công ty. Đồng thời Haxaco cũng triển khai phát hành hơn 49,5 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu tăng vốn điều lệ. Tỷ lệ phát hành 1;1, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận 1 quyền mua, cứ 1 quyền mua được mua 1 cổ phiếu mới. Giá phát hành 12.000 đồng/cổ phiếu, dự kiến huy động hơn 594 tỷ đồng.
Bên cạnh PET, một cổ phiếu bán lẻ khác là FRT của FPT Retail ( HoSE: FRT ) cũng giảm hơn 23%.
Tại sàn HNX, nhóm chứng khoán biến động theo chiều hướng tiêu cực nhất khi BVS của Chứng khoán Bảo Việt ( HNX: BVS ) đứng đầu danh sách giảm giá với 27%. Bên cạnh đó, MBS của Chứng khoán MB ( HNX: MBS ) cũng giảm 26,8%. Xen giữa BVS và MBS là UNI của Viễn Liên ( HNX: UNI ) với mức giảm 26,82%.
Ở sàn UPCoM, đứng đầu mức giảm giá là SSN của Thủy sản Sài Gòn ( UPCoM: SSN ) với gần 46%. Tòa án nhân dân TP HCM mới đây đã có quyết định mở thủ tục phá sản với Xuất nhập khẩu Thuỷ sản Sài Gòn vì mất khả năng thanh toán. Toà án TP HCM đã chỉ định Công ty Hợp danh quản lý tài sản Sen Việt là đơn vị quản lý tài sản của SSN trong quá trình thanh lý tài sản… Về phía Thủy sản Sài Gòn, công ty đã có văn bản giải trình với Uỷ ban Chứng khoán và các nhà đầu tư – cổ đông của doanh nghiệp xung quanh quyết định này. Doanh nghiệp này khẳng định không mất khả năng thanh toán.
Tăng giá
Cổ phiếu PDN của Cảng Đồng Nai ( HoSE: PDN ) đi ngược thị trường chung khi tăng 14,4% trong tuần 9-13/5. Tuy nhiên thanh khoản của PDN chỉ ở mức thấp với khối lượng khớp lệnh bình quân là 1.200 đơn vị/phiên.
Trong danh sách 10 cổ phiếu tăng giá mạnh nhất sàn HoSE chỉ có 3 mã thuộc diện thanh khoản tốt là BAF của Nông nghiệp BAF Việt Nam ( HoSE: BAF ), FIR của Địa ốc First Real (HoSE: FIR) và EIB của Eximbank ( HoSE: EIB ).
Cổ phiếu tăng mạnh nhất sàn HNX cũng thuộc diện thanh khoản thấp là VLA của PT Công nghệ Văn Lang ( HNX: VLA ) với mức giảm 15,5%. Khối lượng khớp lệnh 1 tuần của VLA chỉ vỏn vẹn 60 đơn vị/phiên.
Cổ phiếu tăng mạnh nhất thị trường là GCB của PETEC Bình Định ( UPCoM: GCB ) với 51,4%.
Nguồn: cafef.vn