Kết phiên, có tổng cộng 16/27 mã ngân hàng tăng giá, 7 mã giảm và 4 mã đứng giá tham chiếu. Trong đó, nhiều mã tăng rất mạnh như PGB (+11,4%), VBB (10,9%); STB và SHB tăng trần, dư mua hàng triệu đơn vịm chiếu
Nối tiếp đà hưng phấn, thị trường chứng khoán hôm nay (18/5) tiếp tục hồi phục khi chỉ số chính VN-Index tăng 12,39 điểm (1,01%) lên 1.240,76 điểm. Toàn sàn có 272 mã tăng, 177 mã giảm và 64 mã đứng giá.
Sắc xanh của VN-Index có sự hỗ trợ lớn từ các cổ phiếu ngân hàng khi nhóm này chiếm 5/10 mã có đóng góp lớn nhất vào mức tăng của chỉ số chung.
Kết phiên, có tổng cộng 16/27 mã ngân hàng niêm yết và giao dịch trên UPCoM tăng giá, 7 mã giảm và 4 mã đứng giá tham chiếu. Trong đó, nhiều mã tăng rất mạnh như PGB (+11,4%), VBB (10,9%); STB và SHB tăng trần, dư mua hàng triệu đơn vị. Một loạt cổ phiếu ngân hàng khác cũng tăng 2 – 6% như LPB (5,7%), ABB (4,5%), TCB (3,4%), VAB (2,9%), OCB (2,4%),…
Ở phía ngược lại, KLB là mã có diễn biến tiêu cực nhất khi mất 4,9% giá trị xuống còn 29.200 đồng/cp. Dù vậy, trong cả ngày chỉ có hơn 400 cổ phiếu này được giao dịch, giá trị chưa đầy 14 triệu đồng. 6 mã giảm giá khác gồm có NVB (-3,1%), TPB (-2,4%), ACB (-1%), VCB (-0,8%), BAB (-0,5%) và VCB (-0,2%).
Xét về thanh khoản, STB dẫn đầu ngành ngân hàng cũng như toàn thị trường với hơn 27,1 triệu đơn vị được trao tay theo hình thức khớp lệnh. Đứng kế sau STB lần lượt là VPB (gần 11,9 triệu cp), TCB (gần 8,7 triệu cp), MBB (gần 8,7 triệu cp), LPB (gần 8 triệu cp), SHB ( gần 6,5 triệu cp),…
Trong phiên giao dịch hôm nay, khối ngoại tiếp tục mua ròng mạnh tại nhiều cổ phiếu ngân hàng như CTG (800.000 cp), HDB (680.000cp), SSB (418.000 cp), OCB (40.000 cp),…
Trong đó, nhóm này đã bước sang phiên mua ròng thứ tư liên tiếp tại cổ phiếu HDB của HDBank với tổng khối lượng lũy kế đạt gần 1,8 triệu đơn vị.
Liên quan đến hoạt động của HDBank, mới đây, ngân hàng đã bổ nhiệm ông Kim Byoungho làm Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2022 – 2027. HDBank cho biết, việc bổ nhiệm ông Kim Byoungho làm Chủ tịch thể hiện tầm nhìn của cổ đông đưa các chuẩn mực quốc tế vào công tác quản trị của ngân hàng trong giai đoạn phát triển mới và hội nhập. Theo đó, ngân hàng kỳ vọng chủ tịch mới người Hàn Quốc sẽ đẩy nhanh tiến độ các chương trình mở rộng hợp tác quốc tế, hiện đại hóa ngân hàng để đạt mục tiêu tăng trưởng cả về quy mô và chất lượng mà đại hội đồng cổ đông đã thông qua.
Tương tự, khối ngoại cũng ”gom” ròng cổ phiếu OCB trong 4 phiên liên tiếp với tổng khối lượng gần 392.000 cổ phiếu. Qua đó, đưa tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại ngân hàng lên sát mức tối đa 22%. Trước đó, ngân hàng khóa room ngoại ở mức 22% vào tháng 7/2021 – một động thái được đánh giá là tín hiệu mở đường cho việc tiếp tục bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài.
Hiện tại, Aozora Bank – một trong những ngân hàng hoạt động hiệu quả nhất ở Nhật Bản – là cổ đông chiến lược nắm 15% (tăng từ 5% lên 15% trong năm 2020) vốn chủ sở hữu của ngân hàng, cũng là cổ đông lớn nhất ở OCB. Trước khi niêm yết cổ phiếu OCB, ông Trịnh Văn Tuấn, chủ tịch ngân hàng từng chia sẻ rằng, sau khi hoàn tất thủ tục niêm yết, ngân hàng sẽ khởi động triển khai bán thêm vốn cho nhà đầu tư ngoại.
Nguồn: cafef.vn