VDSC khuyến nghị nhà đầu tư chậm lại và tránh mua đuổi, tạm thời có thể tranh thủ cơ hội để chốt cổ phiếu đã bắt giá thấp.
Tiếp đà tăng điểm
(Công ty Chứng khoán Asean – AseanSC)
Thị trường ghi nhận phiên tăng điểm thứ 3 liên tiếp trong bối cảnh áp lực bán suy yếu về cuối phiên, thanh khoản giảm và thấp hơn trung bình 20 phiên. Điều này cho thấy lượng cung giá thấp không còn nhiều. Do đó, thị trường có thể tiếp tục đà tăng điểm với thanh khoản thấp trong thời gian tới. Dự báo trong phiên giao dịch tới, VN-Index sẽ có quán tính tăng điểm để kiểm định vùng kháng cự gần 1.245 – 1.250 điểm, và xa hơn là vùng kháng cự 1.255 – 1.260 điểm. Sự rung lắc có thể diễn ra ở vùng giá cao khiến VN-Index thu hẹp đà tăng về phía cuối ngày.
Dòng tiền chưa ủng hộ đà phục hồi
(Công ty Chứng khoán BIDV – BSC)
Mở cửa với gap âm gần 30 điểm, tuy nhiên sau đó lực mua đã giúp VN-Index thuận lợi trở lại ngưỡng kháng cự 1.240 điểm. Chỉ số giằng co quanh vùng này suốt cả phiên chiều và kết phiên tại mốc 1.241,64 điểm, tăng 0,88 điểm. Những phiên tăng điểm gần đây thanh khoản liên tục suy yếu dần đi, cho thấy dòng tiền chưa thật sự ủng hộ sự phục hồi của thị trường.
Sự thận trọng của nhà đầu tư đang khá cao
(Công ty Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội – SHS)
VN-Index kết phiên ngưỡng 1.200 điểm phiên thứ ba liên tiếp thì VN-Index vẫn nằm trong sóng hồi phục b với target đầu tiên theo lý thuyết quanh ngưỡng 1.300 điểm (fibonacci retracement 38,2% sóng điều chỉnh a). Tuy nhiên, nếu thị trường suy yếu trở lại và VN-Index không thể giữ được ngưỡng 1.200 điểm (fibonacci retracement 38,2% sóng tăng 5) thì thị trường một lần nữa quay trở lại sóng điều chỉnh a. Tâm lý nhà đầu tư ít nhiều đã được trấn an sau 3 phiên hồi phục liên tiếp nhưng rõ ràng là sự thận trọng của nhà đầu tư đang khá cao khiến cho dòng tiền chưa đổ mạnh vào thị trường. Định giá của thị trường vẫn ở mức hấp dẫn cho các nhà đầu tư dài hạn với P/E của VN-Index và VN30 ở quanh ngưỡng 13 lần, thấp hơn mức trung bình 5 năm gần nhất.
Chịu sức ép từ vùng cản 1.250
(Công ty Chứng khoán Rồng Việt – VDSC)
Diễn biến chao đảo đầu phiên đã sớm dừng lại nhờ lực cầu bắt giá thấp tiếp tục hỗ trợ thị trường. Tuy nhiên, tâm lý dè dặt của nhà đầu tư, thể hiện qua thanh khoản giảm và ở mức thấp, đã khiến các chỉ số chỉ quay lại trạng thái giằng co quanh mức cân bằng. Áp lực bán chưa cao nhưng có khả năng gia tăng trong phiên giao dịch tiếp theo do VN-Index vẫn chịu sức ép từ vùng cản 1.250 điểm và lượng cổ phiếu bắt giá thấp trong phiên 17/5 về tài khoản. Với yếu tố dòng tiền hỗ trợ còn thấp, vùng cản 1.250 điểm của VN-Index có thể gây sức ép điều chỉnh cho thị trường, đồng thời khả năng điều chỉnh này sẽ là đợt kiểm tra lại cung cầu sau tín hiệu đảo chiều gần đây. Do vậy, nhà đầu tư nên chậm lại và tránh mua đuổi, tạm thời có thể tranh thủ cơ hội để chốt cổ phiếu đã bắt giá thấp. Tuy nhiên vẫn có thể cân nhắc mua tích lũy tại các cổ phiếu lớn có định giá tốt trong trường hợp thị trường có đợt điều chỉnh.
Rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức cao
(Chứng khoán Yuata Việt Nam – YSVN)
Thị trường có thể tiếp tục đà tăng và VN-Index kiểm định ngưỡng 1.275 điểm trong phiên giao dịch kế tiếp. Đồng thời, thị trường vẫn đang trong giai đoạn tích lũy ngắn hạn cho nên dòng tiền vẫn còn ở mức thấp và phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn tiếp tục tăng cho thấy các nhà đầu tư đã bớt bi quan nhưng rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức cao.
Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung duy trì ở mức giảm. Nhà đầu tư ngắn hạn tiếp tục đứng ngoài và quan sát thị trường. Đồng thời, các nhà đầu tư ngắn hạn có thể dừng bán hoặc chỉ nên ưu tiên hạ đòn bẩy để giảm rủi ro danh mục.
Nhà đầu tư chỉ nên xem những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.
Nguồn: cafef.vn