Theo WB, Việt Nam nằm trong nhóm 10 nước có lượng kiều hối lớn nhất năm 2021 với khoảng 18 tỷ USD.
Báo cáo tóm tắt về Di cư và Phát triển được Ngân hàng thế giới (WB) vừa công bố trong tháng 5/2022 cho biết, 5 quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất vào năm 2021 là Ấn Độ, Mexico, Trung Quốc, Philippines và Ai Cập.
Trong số các nền kinh tế có dòng kiều hối chiếm tỷ trọng rất cao trong GDP là Lebanon (54%), Tonga (44%), Tajikistan (34%), Cộng hòa Kyrgyzstan (33%) và Samoa (32%).
Trong năm, lượng kiều hối của Ấn Độ đã tăng đáng kể (8%), do lao động nhập cư quay trở lại các nước nơi họ lao động và việc hỗ trợ giảm thiểu tác động của COVID-19 ở Ấn Độ đã thúc đẩy dòng tiền gửi về.
Sự gia tăng của dòng vốn được ghi nhận lên tới 54 tỷ USD của Mexico có mối liên hệ chặt chẽ với sự phục hồi của Hoa Kỳ và dòng vốn từ các quốc gia khác được gửi đến lượng lớn người nhập cư quá cảnh Trung Mỹ.
Trung Quốc tiếp tục ghi nhận sự suy giảm dòng kiều hối từ cộng đồng lớn của mình với tỷ lệ giảm hai con số trong năm thứ hai liên tiếp. Ngược lại, Philippines được hưởng lợi trực tiếp từ tăng việc làm và tăng lương ở Hoa Kỳ, chiếm gần 40% lượng tiền chuyển về; nước này có mức tăng vừa phải 4,3% trong năm lên 37 tỷ USD.
Kiều hối từ người lao động nhập cư Ai Cập đã tăng lên 32 tỷ USD (6,4%) trong năm, nhờ giá dầu cao hơn, tiền gửi về từ người nước ngoài ở vùng Vịnh, cũng như hoạt động kinh tế mạnh mẽ ở châu Âu và Hoa Kỳ.
Đáng chú ý, báo cáo cho biết, Việt Nam nằm trong nhóm 10 nước có lượng kiều hối lớn nhất năm 2021 với khoảng 18 tỷ USD.
Cũng theo WB, trong năm 2022, mặc dù có những rủi ro đáng kể làm giảm lượng kiều hối, các nước có thu nhập thấp và trung bình dự kiến sẽ tiếp tục nhận được lượng tiền kiều hối gửi về, nhưng với tốc độ thấp hơn (4,2%) so mức mức được ghi nhận năm 2021. Cuộc chiến Nga – Ukraine – với những tổn thất về thương mại đối với các nhà nhập khẩu ròng năng lượng, thực phẩm có vai trò tác động chính đến dòng kiều hối.
Nguồn: cafef.vn