USD tiếp tục biến động như “tàu lượn” khi đảo chiều hồi phục trong phiên cuối tuần, song tính chung cả tuần vẫn giảm do các nhà đầu tư băn khoăn không rõ đợt USD tăng giá kéo dài đã một tháng nay liệu có còn tiếp diễn hay không?
Trong phiên cuối tuần, 20/5, chỉ số Dollar index (DXY) tăng 0,34% so với phiên trước đó, lên 103,07. Mặc dù vậy, tính chung cả tuần, DXY giảm khoảng 1,5%, mức giảm nhiều nhất kể từ đầu tháng 2.
Đồng bạc xanh đã được hỗ trợ tích cực trong những tháng gần đây khi các nhà đầu tư tháo chạy khỏi các tài sản rủi ro để tìm tới nơi trú ẩn an toàn do lo ngại về tác động của lạm phát tăng cao, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tích cực thắt chặt tiền tệ, và xung đột giữa Nga và Ukraine.
Tuy nhiên, đà tăng đó đã kết thúc trong tuần này khi thị trường tài chính toàn cầu gia tăng biến động, khiến các nhà đầu tư chuyển hướng sang tiền yen và franc Thụy Sỹ để bảo toàn tối đa nguồn vốn của mình.
Joe Manimbo, nhà phân tích thị trường cấp cao của Western Union Business Solutions ở Washington, D.C, cho biết: “Đồng tiền này (USD) đã phải vật lộn trong tuần này để duy trì xu hướng tăng của thời gian qua do các nhà đầu tư ồ ạt chuyển hướng đến những tiền tệ trú ẩn an toàn”.
Các đồng tiền trú ẩn an toàn khác đã tăng giá trong tuần này khi chứng khoán toàn cầu chịu áp lực, mặc dù chứng khoán ở châu Âu đã tăng trở lại vào thứ Sáu (20/5).
Đồng franc Thụy Sĩ tuần này tăng gần 3% so với đồng USD (lên 0,9744 CHF/USD), mức tăng hàng tuần tốt nhất trong vòng hơn hai năm, trong khi đồng yên Nhật tăng gần 1% trong tuần, kết thúc ở mức 127,693 JPY/USD.
Đồng bảng Anh, tăng 0,06% trong phiên 20/5, được thiết lập để đạt được mức tăng hàng tuần lớn nhất kể từ tháng 12 năm 2020 so với đồng USD, tăng 1,65%, vì dữ liệu kinh tế mới nhất cho thấy thị trường có thể không cần phải giảm kỳ vọng về việc Ngân hàng Trung ương Anh sẽ tăng lãi suất thêm nữa.
Đồng euro tăng mạnh trong phiên vừa qua do nhà đầu tư đặt cược vào việc Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) sẽ tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản vào tháng 7 tới, kéo lãi suất chính sách của ECB lên mức 0%.
Sự thoái lui của đồng USD trong tuần này diễn ra sau khi đồng bạc xanh đạt mức cao nhất trong vòng hơn 5 năm so với đồng euro vào tuần trước.
Đầu tuần này, Thống đốc ngân hàng trung ương Hà Lan và nhà hoạch định chính sách ECB, Klaas Knot, cho biết ngân hàng nên xem xét mức tăng 50 điểm phần trăm nếu dữ liệu sắp tới cho thấy lạm phát “mở rộng thêm hoặc giữ ở mức cao”.
Rúp Nga tiếp tục tăng mạnh, tăng hơn 7% so với USD trong phiên 20/5, chạm mức cao nhất kể từ tháng 3 năm 2018, do các biện pháp kiểm soát được áp dụng từ cuối tháng Hai để bảo vệ khu vực tài chính của Nga.
Kết thúc phiên 20/5, rúp Nga ở mức 58,90 RUB/USD, sau khi có lúc chạm mức 57,0750 – cao nhất kể từ cuối tháng 3 năm 2018. So với đồng euro, đồng rúp tăng hơn 5% lên 60,86 RUB lúc kết thúc phiên này, sau khi có lúc chạm 59,02 RUB, mức cao nhất kể từ tháng 6 năm 2015.
Việc rúp tăng quá nhanh khiến các nhà phân tích bắt đầu tự hỏi liệu Ngân hàng trung ương Nga có can thiệp để ngăn chặn điều đó hay không?
Đồng rúp mạnh lên giúp kìm hãm lạm phát và có lợi cho các nhà nhập khẩu, nhưng lại gây tổn hại cho các nhà xuất khẩu khi bán hàng hóa và dịch vụ ra nước ngoài để lấy ngoại tệ, đồng nghĩa với việc giảm thu nhập cho ngân sách nước Nga, vốn phụ thuộc vào xuất khẩu.
Một số nhà phân tích cho rằng các nhà chức trách Nga không quan tâm đến việc đồng rúp tăng giá đáng kể so với mức hiện tại và dự kiến đồng tiền này sẽ suy yếu vào cuối năm nay.
Một dấu hiệu cho thấy các nhà chức trách Nga đã sẵn sàng dỡ bỏ dần các biện pháp kiểm soát vốn, đó là ngân hàng trung ương đã cho phép các ngân hàng bán ngoại tệ của công dân mà không có bất kỳ hạn chế nào kể từ ngày 20 tháng 5, ngoại trừ đô la Mỹ và euro.
Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc cũng tăng trong phiên cuối tuần lên mức cao nhất trong hai tuần so với đồng đô la, tính chung cả tuần tăng mạnh nhất trong vòng 17 năm.
Sự suy yếu trên diện rộng trên thị trường toàn cầu của đồng đô la, cùng với dòng vốn chảy mạnh vào Trung Quốc, đã giúp đồng nhân dân tệ kết thúc chuỗi 6 tuần giảm liên tiếp, bất chấp lo ngại về tác động tiêu cực từ việc phong tỏa chống Covid-19 kéo dài.
Trên thị trường nội địa, nhân dân tệ kết thúc tuần ở mức 6,6740 CNY, cao nhất kể từ ngày 5 tháng 5, tăng 367 pip hay 0,55% so với phiên liền trước. Tính chung cả tuần, CNY tăng khoảng 1,7%.
Mặc dù vậy, CNY đã giảm hơn 6% kể từ cuối tháng 4, mức giảm đột ngột và sâu đối với một đồng tiền lâu nay được quản lý chặt chẽ và thường di chuyển trong biên độ hẹp.
Trên thị trường tiền điện tử, Bitcoin đi ngang trong gần suốt phiên giao dịch 20/5, nhưng đột ngột giảm sâu vào cuối phiên, xuống 28.855 USD vào lúc kết thúc ngày 20/5 theo giờ Việt Nam, khép lại một tuần giao dịch đầy biến động, và tính chung cả tuần giảm khoảng 1.000 USD/BTC.
Giá vàng giảm trong phiên cuối tuần do USD mạnh lên, nhưng tính chung cả tuần vẫn tăng tuần đầu tiên trong vòng 5 tuần do những lo ngại triền miên về tăng trưởng kinh tế.
Giá vàng giao ngay kết thúc ngày 20/5 theo giờ Việt Nam giảm 0,3% xuống 1.836,15 USD/ounce, sau khi có lúc chạm mức cao nhất trong vòng một tuần; vàng giao tháng 6 cũng giảm 0,4% xuống 1.833,80 USD.
Phillip Streible, chiến lược gia thị trường của Blue Line Futures ở Chicago cho biết: “Đồng USD đã thoái lui trong tuần này và đã giúp vàng tăng. Tuy nhiên hôm nay, chứng khoán Mỹ đang phục hồi và đồng USD tăng nhẹ đang gây áp lực lên vàng.”
Tham khảo: Refinitiv, Coindesk
Nguồn: cafef.vn