Trái chiều tình hình kinh doanh quý I của các doanh nghiệp xi măng

Trái chiều tình hình kinh doanh quý I của các doanh nghiệp xi măng

VNDirect nhận định mức nền thấp của kết quả kinh doanh năm 2021 giúp tạo dư địa tăng trưởng cho các doanh nghiệp xi măng trong năm 2022.

BCC: Công ty cổ phần Công Nghiệp cao su Miền Nam

Giá hiện tại
39.9
Thay đổi

Xem hồ sơ doanh nghiệp

Theo báo cáo của Hiệp hội xi măng Việt Nam, năm nay ngành xi măng đối diện với áp lực tăng chi phí đầu vào do giá nguyên liệu sản xuất đầu tăng. Trong đó, than là nguyên liệu chiếm khoảng 30% trong cơ cấu giá thành sản xuất xi măng. Trong quý I, giá xi măng tăng từ 30.000 – 50.000 đồng/tấn, tăng 1 – 3% so với quý IV năm ngoái.

Theo VNDirect (HoSE: VND), giá bán xi măng cuối tháng 4 đã ghi nhận mức tăng 7% so với đầu năm. Với việc giá thành nguyên liệu này thường chiếm tới 15-20% chi phí xây dựng, VNDirect cho rằng tiến độ tại các dự án xây dựng sẽ bị ảnh hưởng đáng kể, từ đó nhu cầu xi măng thực tế có thể thấp hơn dự kiến. Trong khi đó, giá than nhiệt tiếp tục duy trì ở mức cao do cuộc xung đột giữa Nga-Ukraine kéo dài hơn dự kiến sẽ khiến biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp trong ngành suy giảm mạnh trong năm 2022.

Công ty chứng khoán này nhận định, mức nền thấp của kết quả kinh doanh năm 2021 giúp tạo dư địa tăng trưởng cho các doanh nghiệp xi măng trong năm 2022. Tuy nhiên, kết thúc quý I/2022 các doanh nghiệp ngành xi măng báo cáo kết quả kinh doanh có phần trái ngược nhau.

Cụ thể về kết quả kinh doanh, Xi măng Bỉm Sơn (HNX: BCC) ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận khả quan nhất với lãi sau thuế đạt 68,6 tỷ đồng, gấp 9,5 lần cùng kỳ. Đơn vị lý giải là do mức tăng doanh thu bán hàng, thu nhập khác và mức giảm các chi phí tài chính, chi phí khác lớn hơn mức tăng của giá vốn hàng bán và chi phí bán hàng. Thu nhập từ bán xi măng và clinker tăng 11,6% nên doanh thu thuần cũng tăng với mức tương đương, lên 1.182,7 tỷ đồng.

Trong năm nay, HĐQT Xi măng Bỉm Sơn mục tiêu đẩy nhanh việc thực hiện xin cấp giấy phép khai thác mỏ đá vôi Yên Duyên mở rộng để đảm bảo nguồn nguyên liệu lâu dài. Bên cạnh đó, đơn vị sẽ hoàn thành lắp đặt tuyến vận chuyển xi măng từ nhà máy nghiền xi măng 1,2 và 3 đến các silo chứa để tối ưu quá trình nghiền và xuất hàng.

Đứng thứ 2 về mức tăng trưởng lợi nhuận với 93,2% là Xi măng Quán triệu VVMI (UPCoM: CQT). Cụ thể, đơn vị này thu về 9,4 tỷ đồng lãi sau thuế, trong khi cùng kỳ ở mức 4,9 tỷ đồng. Giám đốc Trần Việt Cường cho biết 3 tháng đầu năm, giá bán các loại sản phẩm đều tăng so với cùng kỳ nên doanh thu tăng hơn 4% đạt 147,7 tỷ đồng. Bên cạnh đó, chi phí tài chính và chi phí bán hàng đều được tiết giảm lần lượt là 29,3% và 7,2%, còn 6,3 tỷ đồng và 2,2 tỷ đồng, dẫn đến lợi nhuận quý I tăng.

Xi măng Bút Sơn (HNX: BTS) thu về 732,9 tỷ đồng doanh thu và 17,7 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt 7,4% và 47,8% so với cùng kỳ. Theo giải trình của doanh nghiệp, trong quý I, Vicem Bút Sơn đã triển khai đồng bộ các giải pháp tiết kiệm chi phí như sử dụng bùn thải làm nguyên liệu thay thế đất sét trong sản xuất clinker (tỷ lệ thay thế 3,5%, cùng kỳ 2,8%), sử dụng rác thải thông thường làm nhiên liệu thay thế than trong sản xuất xi măng (tỷ lệ thay thế đạt 20,8%, cùng kỳ 15%). Song song với đó, doanh nghiệp cũng điều chỉnh tăng giá bán xi măng từ quý II năm ngoái do giá nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất tăng.

Bên cạnh đó, lợi nhuận của các công ty Xi măng Vicem Hoàng Mai (HNX: HOM) và Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh (UPCoM: QNC) ghi nhận tăng lần lượt 9,1% và 7,9%.

Tuy nhiên, lợi nhuận của Xi măng Sài Sơn (HNX: SCJ), Xi măng Hà Tiên 1 (HoSE: HT1), Xi măng Thái Bình (HNX: TBX) và Xi măng Vicem Hải Vân (HoSE: HVX) đều sụt giảm trong quý vừa rồi. Trong đó, lãi sau thuế Xi măng Sài Sơn ghi nhận mức giảm lớn nhất với 80,5%, còn 612,3 triệu đồng, trong khi cùng kỳ đạt hơn 3,1 tỷ đồng. Doanh thu thuần cũng giảm hơn 45%, còn 212,9 tỷ đồng.

Theo văn bản giải trình, trong 3 tháng đầu năm giá thành sản phẩm tăng cao do giá nguyên vật liệu đầu vào tăng đột biến đặc biệt là giá than cám. Xét mảng tiêu thụ sản phẩm, các nhà máy cạnh tranh bằng giá bán để đẩy hàng tránh tồn kho, dẫn đến giá bán sản phẩm không tăng mà công ty còn phải thường xuyên sử dụng các chính sách ưu đãi cho khách hàng để tiêu thụ tối đa sản phẩm. Vì thế, lợi nhuận từ hoạt động sản xuất kinh doanh quý I năm nay giảm hơn 2,5 tỷ đồng.

Về Xi măng Hà Tiên 1, dù doanh thu thuần tăng trưởng, đơn vị vẫn ghi nhận lợi nhuận sau thuế giảm gần 74% còn 24,8 tỷ đồng, do giá vốn hàng bán và các chi phí hoạt động tăng trong kỳ. Đây là quý công ty có lợi nhuận thấp nhất kể từ quý I/2018.

Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết, thị trường xây dựng Việt Nam là điểm sáng trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, được định giá khoảng 60 tỷ USD vào năm 2021 và dự báo sẽ tăng trưởng hơn 8,7% trong giai đoạn 2022-2027. Những tháng đầu năm nay, giá trị hợp đồng chưa thực hiện (backlog) của các đơn vị đầu ngành xây dựng dân dụng tiếp tục lập đỉnh. Cùng với đó, dòng vốn FDI tiếp tục đổ vào Việt Nam là tín hiệu tích cực đối với mảng xây dựng công nghiệp.

Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh triển khai hàng loạt dự án cao tốc trong giai đoạn 2022-2025 sẽ tạo cơ hội để các công ty xây dựng hạ tầng giao thông tăng trưởng lợi nhuận. Theo đó, nhóm doanh nghiệp xi măng được dự báo sẽ hưởng lợi từ nhu cầu huy động vậy liệu xây dựng tại các do án.

Nguồn: cafef.vn

Bài viết cùng chủ đề: