Đây là nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 của khối “Big 4” và 3 ngân hàng mua lại bắt buộc.
Sáng nay (24/5), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã trình Quốc hội kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Một điểm đáng chú ý là báo cáo tổng kết việc thực hiện nghị quyết này đã cập nhật lại số liệu đã báo cáo về nợ xấu trước đó.
Theo đó, tổng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 tại thời điểm ngày 15/8/2017 là 541,6 nghìn tỷ đồng; nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 phát sinh mới trong thời gian Nghị quyết có hiệu lực tính đến 31/12/2021 là 251,3 nghìn tỷ đồng; nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 chưa được xử lý đến ngày 31/12/2021 là 412,67 nghìn tỷ đồng.
Đáng chú ý, dữ liệu trên đã cập nhật chi tiết hơn nợ xấu của từng khối.
Cụ thể, khối NHTM nhà nước (bao gồm 04 ngân hàng: NHTMCP Công thương Việt Nam, NHTMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, NHTMCP Ngoại thương Việt Nam, Agribank và 03 ngân hàng mua lại bắt buộc: Ngân hàng Đại Dương, Ngân hàng Dầu Khí Toàn Cầu, Ngân hàng Xây Dựng Việt Nam) là 278,6 nghìn tỷ đồng.
Khối NHTMCP là 231,1 nghìn tỷ đồng; Khối TCTD phi ngân hàng là 32,05 nghìn tỷ đồng; Khối TCTD hợp tác và tổ chức tài chính vi mô là 1,5 nghìn tỷ đồng; Khối ngân hàng liên doanh là 1,08 nghìn tỷ đồng; Khối ngân hàng 100% vốn nước ngoài là 1,6 nghìn tỷ đồng; Khối chi nhánh ngân hàng nước ngoài là 2,69 tỷ nghìn đồng.
Ngoài ra, tổng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (do Bộ Tài chính quản lý) đến 30/9/2021 là 45,6 nghìn tỷ đồng.
Lũy kế từ 15/8/2017 đến 31/12/2021, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 380,2 nghìn tỷ đồng bằng 47,9% số nợ xấu theo Nghị quyết số 42 tại thời điểm 15/8/2017 và số nợ xấu theo Nghị quyết số 42 phát sinh mới trong thời gian Nghị quyết số 42 có hiệu lực.
Trong 380,2 nghìn tỷ đồng nợ xấu đã xử lý thì xử lý nợ xấu nội bảng (không bao gồm nợ xấu xử lý bằng sử dụng dự phòng rủi ro và hình thức TCTD bán nợ cho VAMC thông qua phát hành trái phiếu đặc biệt) là 196,9 nghìn tỷ đồng (chiếm 51,79%). Trong đó: (i) Khách hàng trả nợ: 148,0 nghìn tỷ đồng, chiếm 75,28%; (ii) TCTD nhận TSBĐ thay cho nghĩa vụ trả nợ: 3,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 1,63%; (iii) Bán, phát mại TSBĐ: 8,0 nghìn tỷ đồng, chiếm 4,06%; (iv) Bán cho các tổ chức khác: 24,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 12,29%; (v) Các hình thức xử lý khác: 13,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 6,86%.
Xử lý các khoản nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán là 100,8 nghìn tỷ đồng (chiếm 26,51%); Xử lý các khoản nợ đã bán cho VAMC được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt là 82,5 nghìn tỷ đồng (không bao gồm hình thức TCTD mua lại khoản nợ xấu từ VAMC), chiếm 21,70%.
Nguồn: cafef.vn