Thời điểm chính vụ, nhà đầu tư cần làm gì để có mùa màng bội thu? Cũng giống như dự báo thời tiết để ra đường biết lối chống nắng che mưa, liệu có cách nào giúp các nhà đầu tư dự báo chứng khoán để chuẩn bị một phần cho những biến động sắp tới, để có những cú khớp lệnh “mượt mà”?
“Vụ hè thu” khái niệm hay dùng trong ngành nông nghiệp chỉ giai đoạn tháng 4 đến tháng 8 và là một trong hai “mùa gặt” lớn nhất trong năm. Cũng giống như dự báo thời tiết để biết thời điểm chống nắng che mưa, liệu có cách nào giúp các nhà đầu tư dự báo chứng khoán chuẩn bị một phần cho những biến động sắp tới? Tại chương trình “Bí mật đồng tiền” số 22 với chủ đề “Vụ hè thu có bội thu?”, bà Nguyễn Thị Thu Dung, Giám đốc kinh doanh – Hội Sở – CTCP Chứng khoán SSI sẽ có những chia sẻ về thị trường giúp nhà đầu tư tìm ra lối đi cho mình có một mùa màng bội thu.
Gần đây, thanh khoản thị trường cơ sở đang rất thấp, liên tục đi dưới đường trung bình và nhỏ hơn thị trường phái sinh đang diễn ra sôi động. Bàn luận về vấn đề này, bà Dung cho rằng không chỉ trong năm nay mà bắt đầu từ 2018 khi có thị trường phái sinh tới giờ, cứ mỗi lần thị trường bước vào chu kỳ điều chỉnh thì thị trường phái sinh ngay lập tức có một dòng tiền tăng trưởng.
Hiện, giá trị giao dịch của Hợp đồng phái sinh bình quân 20 phiên rơi vào 322 nghìn Hợp đồng mỗi phiên, khoảng 38 nghìn tỷ ở giá trị danh nghĩa, tăng khoảng 2,5 lần so với trước đó. Nhìn lại năm 2018 và đợt dịch Covid-19 diễn ra, thị trường đối diện cú giảm sâu, dòng tiền cũng đã tăng 2,5 lần đến 2,7 lần ở giao dịch phái sinh. Chuyên gia chỉ ra những yếu tố chủ yếu gây ra thanh khoản giảm thấp như:
(1) Thứ nhất, trước đây, dòng tiền của doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19 chưa đưa vào sản xuất kinh doanh. Do đó, các công ty sẽ đưa tiền quay vào đầu tư trên thị trường chứng khoán. Và khi kinh tế được phục hồi, dòng tiền quay trở lại với công việc chính là đầu tư sản xuất nên thanh khoản sụt giảm. (2) Thứ hai, tỷ lệ tiền gửi tiết kiệm của người dân cũng đang tăng lên, lãi suất tăng lên hút bớt dòng tiền ra khỏi kênh đầu tư này. (3) Thứ ba, các chính sách của nhà nước mạnh mẽ hơn giúp thị trường chứng khoán và bất động sản minh bạch hơn, đưa dòng tiền về trật tự hơn.
Ngoài ra, khi thị trường giảm điểm nhanh vùng 1.530 xuống dưới 1.200 điểm, lượng margin bị giảm đi do nhiều biến động lớn khiến các nhà đầu tư bán tháo và bị giải chấp. Theo quan điểm của chuyên gia, bà cho biết ” Thời gian qua lượng tiền margin đã giúp cho thị trường tăng trưởng vượt bậc.Chính vì lượng tiền margin quá lớn so với tiền mặt nên thị trường mới rơi sâu và nhanh đến vậy. Lịch sử thường có 2-3 phiên sàn sau đó sẽ hồi 5-10%, nhưng đây là lần đầu tiên thị trường rơi, hồi tỷ lệ thấp và tiếp tục sàn, điều này đã xảy ra 4 lần trong giai đoạn thị trường giảm điểm vừa rồi. Hơn nữa, dòng tiền margin không chỉ đến từ các Công ty chứng khoán, còn đến từ các đơn vị tín dụng độc lập đến từ bên ngoài. Tỷ lệ margin của các CTCK so với thời điểm đỉnh điểm đã giảm 20-30%, lượng margin đã rơi về mức khá cân bằng“.
Trao đổi về nhóm ngành hàng không, vị chuyên gia nhắn nhủ NĐT nếu thích lướt sóng, câu chuyện hàng không trong ngắn hạn sẽ hồi phục về mảng dịch vụ và đáng được cân nhắc. Tuy nhiên, bà Dung khuyến nghị đầu tư vào các doanh nghiệp tốt, giá giảm sâu về Book Value hoặc các doanh nghiệp có EPS tăng trưởng. Đặc biệt, bà nhấn mạnh NĐT không nên đặt tỷ trọng cao, phân bổ nhiều tiền vào những doanh nghiệp đã có kết quả thua lỗ.
Song, đối với ngành dầu khí, chuyên gia cho rằng doanh thu và lợi nhuận vẫn sẽ tăng trưởng khi khoảng cách giữa hàng tồn kho và giá bán tăng cao. Giá dầu hiện neo ở mức 110-112 USD/thùng, các chuyên gia trên thế giới đánh giá căng thẳng Nga – Ukraina cùng biện pháp khắc phục của châu Âu khi hạn chế nhập khẩu năng lượng từ Nga sẽ làm giá dầu tăng nữa lên 145 USD/thùng. Việc giá dầu neo cao như vậy dẫn đến các cổ phiếu đầu ngành được hưởng lợi BSR, PVD, PVS, GAS,.. Tuy nhiên, NĐT phải rất nhanh nhạy khi đầu tư nhóm này bởi giá dầu biến động cực nhanh khi nhu cầu tiêu thu lại phụ thuộc vào tình hình căng thẳng trên thế giới.
Nguồn: cafef.vn