USD bật tăng từ mức thấp nhất 1 tháng, kết thúc chuỗi ngày giảm giá, trước khi ngân hàng trung ương Mỹ công bố biên bản cuộc họp tháng 5 – qua đó các nhà đầu tư sẽ phân tích các manh mối về quá trình tăng lãi suất tiếp theo của ngân hàng này.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), ông Jerome Powell, đã hứa sẽ tiếp tục tăng lãi suất cho đến khi có bằng chứng rõ ràng và thuyết phục rằng lạm phát được kiểm soát.
“Đặc biệt, Chủ tịch Powell đã nhiều lần nhắc lại định hướng của Fed về việc thực hiện tăng lãi suất bổ sung 50 điểm phần trăm tại các cuộc họp của FOMC sẽ diễn ra vào tháng 6 và tháng 7, và chúng tôi hy vọng biên bản cuộc họp tháng 5 sẽ cung cấp thêm thông tin về các kế hoạch đó”, các chiến lược gia của TD Securities cho biết trong một lưu ý cho khách hàng.
Lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã đã từng đạt mức cao nhất 3,5 năm trong tháng 5 này, nhưng sau đó đã nhanh chóng giảm xuống chạm mức thấp nhất trong vòng sáu tuần, sau khi dữ liệu cho thấy các đơn đặt hàng mới đối với hàng hóa do Mỹ sản xuất trong tháng 4 tăng ít hơn dự kiến. So với thời điểm lợi suất đạt mức cao nhất 3,5 năm, hiện lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đã mất khoảng 40 điểm cơ bản.
Chỉ số Dollar index (DXY) – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt của Mỹ – lúc kết thúc ngày 25/5 theo giờ Việt Nam tăng 0,491% lên 102,25.
Trong phiên liền trước, DXY đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 1 tháng sau khi Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Christine Lagarde, tỏ ý sẽ chấm dứt lãi suất âm ở khu vực đồng euro từ quý 3 năm nay.
Bình luận của bà Lagarde ngụ ý rằng lãi suất tiền gửi sẽ tăng ít nhất 50 điểm cơ bản và thúc đẩy suy đoán về các đợt tăng thêm nữa trong mùa hè này, đẩy đồng euro tăng vọt lên mức cao nhất trong vòng 1 tháng so với USD vào ngày 24/5, là 1,0748 USD, nhưng sau đó EUR đã quay đầu giảm, mất 0, 64% vào thứ Tư (25/5), xuống còn 1,0666 USD.
Thành viên hội đồng quản trị của ECB, Fabio Panetta, đã tỏ ra khó chịu với đồng tiền chung và cảnh báo về một “cơn giận dữ do quá trình bình thường hóa” khi ECB đưa lãi suất về mức “trung lập”.
Trong khi đó, giám đốc ngân hàng trung ương Hà Lan, Klaas Knot, cho biết ECB có thể không thảo luận về việc giảm bảng cân đối kế toán trong năm nay, mà chỉ tập trung vào việc tăng lãi suất.
Đồng euro cũng giảm 0,4% so với đồng franc Thụy Sĩ trong phiên vừa qua, sau khi duy trì ổn định trong những ngày gần đây bởi các quan chức ngân hàng trung ương Thụy Sĩ cho biết họ sẽ không ngần ngại thắt chặt chính sách nếu lạm phát duy trì trên phạm vi mục tiêu.
Trong một diễn biến khác, Ngân hàng Dự trữ New Zealand trở thành ngân hàng trung ương mới nhất tăng lãi suất thêm nửa điểm. Mặc dù động thái đó đã được thị trường đoán trước, song điều đó cũng cho thấy ngân hàng này kiên định với định hướng chính sách ‘diều hâu’ của mình, lưu ý rằng mức tăng lãi suất nhiều hơn và sớm hơn sẽ làm giảm nguy cơ lạm phát – đã trở nên dai dẳng.
Điều đó đã giúp đồng đô la New Zealand trong phiên vừa qua có lúc tăng 0,8%, đạt mức cao nhất trong vòng 3 tuần là 0,6514 USD. Tuy nhiên, do USD phiên này cũng tăng nên NZD đã “nhường” cho USD một phần mức tăng của mình, lúc kết thúc ngày 25/5 theo giờ Việt Nam chỉ còn tăng 0,01% lên 0,6461 USD.
Đáng chú ý, rúp Nga giảm mạnh, mất mốc cao nhất hơn 4 năm so với USD, sau một phiên giao dịch đầy biến động khi lợi suất trái phiếu Nga tăng và ngân hàng trung ương nước này thông báo một cuộc họp hội đồng quản trị bất thường.
Ngân hàng trung ương cho biết họ sẽ tổ chức một cuộc họp ngoài lịch trình vào thứ Năm (26/5) để xem xét mức lãi suất chính của mình – điều mà thị trường coi như một tín hiệu rằng họ sẽ cắt giảm lãi suất từ 14% hiện nay do kỳ vọng lạm phát giảm và đồng rúp tăng.
Rúp Nga kết thúc phiên vừa qua giảm hơn 3,5% so với đồng USD, xuống 59,02 RUB/USD, trước đó có lúc giảm xuống 60,79 RUB, từ mức 55,80 của phiên trước đó – mức cao nhất kể từ tháng 2 năm 2018. So với euro, rúp cũng giảm 3% xuống 60,32 RUB/EUR.
Nếu ngân hàng trung ương Nga hạ lãi suất chủ chốt, đồng rúp có thể mất một số động lực hỗ trợ.
Nhân dân tệ của Trung Quốc cũng giảm giá trong phiên này do các nhà đầu tư lo ngại về việc tăng trưởng chậm lại ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, trong bối cảnh nước này tiếp tục chật vật trong sự lây lan của dịch COVID-19.
“Đồng nhân dân tệ có thể sẽ bị giới hạn biên độ trong thời gian tới, với tác động của tình hình COVID trong nước là khá rõ ràng. Tuy nhiên, đồng USD cũng đang điều chỉnh”, một thương nhân tại một ngân hàng Trung Quốc cho biết.
Trong khi Trung Quốc hôm thứ Tư (25/5) báo cáo số trường hợp COVID-19 giảm so với một ngày trước đó, song trung tâm tài chính Thượng Hải của nước này phần lớn vẫn bị tê liệt do việc phong tỏa hoàn toàn cả thành phố bước sang tuần thứ 7, trong khi Bắc Kinh đã tăng cường các nỗ lực kiểm dịch.
Đồng nhân dân tệ giao ngay trên thị trường nội địa Trung Quốc giảm 120 pip, tương đương 0,2%, trong phiên vừa qua, xuống 6.6668 CNY. Trên thị trường quốc tế, nhân dân tệ cũng giảm xuống 6,6715 CNH.
Trong khi đồng đô la kể từ ngày 13 tháng 5 đã giảm gần 3% từ mức cao nhất trong 20 năm so với các đồng tiền khác trên toàn cầu, mức tăng của đồng tiền Trung Quốc so với đồng bạc xanh đã không theo kịp.
Bitcoin trong phiên vừa qua biến động khá mạnh, có lúc tăng lên 30.120 USD, nhưng giảm xuống về cuối phiên, kết thúc ngày 25/5 theo giờ Việt Nam ở mức 29.830 USD. Đồng tiền kỹ thuật số này đang bám sát ngưỡng 30.000 USD với biên độ dao động khoảng vài nghìn USD.
Giá vàng quay đầu giảm khi USD mạnh lên, sau chuỗi 5 phiên tăng liên tiếp. Giá vàng giao ngay lúc kết thúc ngày 23/5 theo giờ Việt Nam giảm 1,1% xuống 1.846,27 USD/ounce; vàng kỳ hạn tháng 6 giảm 1,2% xuống 1.844,00 USD.
Tham khảo: Refinitiv, Coindesk
Nguồn: cafef.vn