Đường dây tín dụng đen xuyên quốc gia do một người Trung Quốc và nhóm đối tượng người Việt điều hành, hoạt động từ năm 2019, núp bóng công ty cho vay tài chính cầm đồ để cho vay lãi nặng với lãi suất lên tới 2.200%/năm. Để đòi nợ, các đối tượng dùng nhiều chiêu “độc” để khủng bố, gây áp lực…
Ngày 26/5, Phòng CSHS Hà Nội cho biết, đã bắt khẩn cấp 7 đối tượng trong nhóm cầm đầu gồm: Nguyễn Quang Vũ (SN 1987), Trần Bá Phan (SN 1990), Phan Đức Diễn (SN 1991), Nguyễn Trọng Bằng (SN 1988), Bùi Thị Như Hoa (SN 1975, tất cả cùng trú tại Hà Nội), Zhang Min (SN 1986, quốc tịch Trung Quốc) và Trần Thị Thu Huyền (SN 1993, trú tại Thái Nguyên) để điều tra về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.
Liên quan ổ nhóm gần 300 đối tượng hoạt động cho vay lãi nặng xuyên quốc gia vừa bị Công an TP Hà Nội phối hợp các đơn vị nghiệp vụ triệt phá, bước đầu, cơ quan chức năng đã làm rõ được thủ đoạn cho vay cũng như cách thức khủng bố con nợ mỗi khi họ chậm hoặc không có khả năng chi trả.
Không chỉ những người vay tiền, nhiều người không liên quan vẫn trở thành nạn nhân của ổ nhóm này khi bị réo điện thoại cả ngày lẫn đêm hay bị cắt ghép hình ảnh nhạy cảm đăng lên mạng xã hội để bôi nhọ.
Anh Nam (tên được thay đổi, 31 tuổi, trú tại Hà Nội) khẳng định không hề vay mượn tiền qua app (ứng dụng) nhưng vẫn bị các đối tượng dùng số điện thoại rác gọi điện đòi nợ. Khi anh chặn số điện thoại này thì các đối tượng lại lấy số khác nhắn tin, gọi điện đe dọa, chửi bới.
Ngoài việc bị gọi điện, nhắn tin, không ít người bị các đối tượng khủng bố trên Zalo, Facebook… cắt ghép ảnh nhạy cảm đăng lên mạng và gửi cho bạn bè, người thân, công ty làm việc nhằm bôi nhọ để gây sức ép. Chị Hương (tên được thay đổi) tá hỏa khi phát hiện hình ảnh của mình cùng thông tin cá nhân tràn lan trên mạng xã hội mặc dù không vay nợ ai. Sau khi tìm hiểu, nguồn cơn sự việc là do một người bạn của chị Hương vay qua app nhưng không trả được…
Núp bóng công ty cho vay tài chính
Qua điều tra và lời khai của các đối tượng, cơ quan điều tra dần bóc tách được vai trò của từng mắt xích trong băng tín dụng đen và đòi nợ thuê nêu trên. Các đối tượng này hoạt động cho vay lãi nặng từ năm 2019, núp bóng công ty cho vay tài chính. Trong đó, Vũ là phó giám đốc công ty có nhiệm vụ thay mặt đối tượng cầm đầu người Trung Quốc điều hành hoạt động tại Việt Nam.
Các đối tượng khác là cấp dưới của Vũ. Huyền có nhiệm vụ “đối ngoại”, xử lý các phát sinh của công ty và tìm kiếm khách hàng có nhu cầu đòi nợ thuê. Phan là phiên dịch viên cho đối tượng cầm đầu người Trung Quốc, được giao quản lý 2 công ty con hoạt động cho vay lãi nặng và đòi nợ thuê.Diễn được phân công chăm sóc khách hàng, đối soát số tiền giải ngân và thu về của công ty và các đối tác là công ty thanh toán trung gian dưới sự chỉ đạo của Vũ.
Tiền trong tài khoản của các công ty con được Bằng rút trực tiếp từ ngân hàng rồi chuyển vào công ty tổng để duy trì hoạt động và một phần được chuyển vào tài khoản của đối tượng cầm đầu người nước ngoài. Tương tự, Hoa làm thủ tục thu chi và các giấy tờ liên quan đến thuế của 2 công ty con. Zhang Min quản lý bộ phận nhắc và truy thu nợ.
Về phía khách hàng, sau khi tải app “cashvn, vaynhanhpro, ovay” do chính nhóm này phát triển và điền thông tin cá nhân, số điện thoại, ảnh chụp CMND, CCCD và cho ứng dụng truy cập vào danh bạ điện thoại (để nắm được số điện thoại nhằm mục đích đòi nợ) thì chỉ mất 5-10 phút là được thẩm duyệt và giải ngân 2-30 triệu đồng chuyển vào tài khoản mà không cần gặp mặt hay ký giấy tờ.
Tuy nhiên, số tiền thực tế nhận được rất nhỏ do bị trừ lãi và người vay phải thanh toán tiền gốc trong 3-5 ngày. Nếu khách hàng không trả tiền, lãi được cộng dồn lên gần 2.200%/năm.
Để đòi nợ, công ty “tín dụng đen” trên phân cấp kiểu bậc thang giao nghiệp vụ cho từng nhân viên rất chặt chẽ. Cụ thể, ở bậc đầu tiên, có nhiệm vụ nhắn tin, gọi điện giục khách hàng nợ quá hạn 1-3 ngày. Cấp tiếp theo, sẽ đòi nợ khách hàng quá hạn 4-9 ngày bằng hình thức đe dọa, gọi điện, nhắn tin, cắt ghép hình ảnh gửi cho người thân, bạn bè hoặc đăng lên mạng xã hội để gây sức ép. Còn cấp cuối cùng sẽ truy thu tiền của khách hàng có ý định “bùng” hoặc không thể trả nợ…
Theo Phòng CSHS Hà Nội, bước đầu làm rõ được tổng số tiền cho vay của ổ nhóm này đến khi bị bắt giữ lên tới hàng nghìn tỷ đồng, trong đó mỗi tháng khoảng 100 tỷ đồng. Ngoài ra, có gần 1 triệu tài khoản vay qua 3 app trên.
Có trường hợp khi con nợ không trả được tiền, các đối tượng lại giới thiệu qua app khác để tiếp tục vay khiến “nợ chồng nợ”. Đến lúc số tiền quá lớn không đủ khả năng chi trả và bị các đối tượng đòi nợ thuê đe dọa, nạn nhân phải cầu cứu cơ quan công an.
Nguồn: cafef.vn