Khi người ta biết nếu chơi “ăn gian” mà bị phát hiện sẽ mất rất nhiều thứ, bao gồm cả tiền và tự do thì họ sẽ hạn chế làm như vậy
Chuỗi ngày giảm điểm của chứng khoán Việt Nam vừa qua nằm chung trong nỗi lo giảm điểm của thị trường chứng khoán (TTCK) toàn cầu, ảnh hưởng bởi những tin đồn liên quan đến bê bối của các doanh nghiệp và cơ quan quản lý ngành chứng khoán. Điều này ít nhiều ảnh hưởng đến mục tiêu nâng hạng của chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên nhóm mới nổi.
Phạt thật nặng
Phải nhìn nhận TTCK Việt Nam thời gian qua đã bộc lộ nhiều bất cập như có sự thao túng, làm giá, chứng khoán phái sinh bị lợi dụng, giao dịch trong phiên khớp lệnh đóng cửa (ATC) không minh bạch… Đặc biệt là việc các nhà phân tích của công ty chứng khoán được tiếp cận với thông tin tài chính của doanh nghiệp sắp công bố sớm hơn phần còn lại của thị trường, như: lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết sẽ công bố, hoạt động đầu tư trọng yếu, kế hoạch thoái vốn…
Hoặc có ngân hàng cung cấp thông tin cho chuyên gia phân tích, nhà đầu tư tổ chức vấn đề quan trọng nhất về tăng tưởng tín dụng, thu nhập từ lãi, chi phí dự phòng… các số liệu này có độ chính xác rất cao so với báo cáo tài chính được công bố sau đó.
Đây là sự phân biệt đối xử trong cung cấp thông tin mà luật pháp của đa số các nước, bao gồm cả những thị trường mới nổi như Trung Quốc, cũng đã cấm. Những vấn đề tiêu cực này đã tồn tại nhiều năm qua nhưng chưa ai nhận ra để tìm cách giải quyết.
Tuy nhiên, không nên lấy sự sụt giảm của thị trường gần đây để gắn với những bất cập nói trên. Bởi, những điều đó đã xuất hiện từ trước khi thị trường có những đợt bùng nổ trong 2 năm vừa qua. Còn việc lao dốc của thị trường thời gian gần đây là tổng hợp nhiều yếu tố từ bên ngoài cho đến thanh khoản, tâm lý, tin đồn và sự lo ngại về rủi ro chính sách và nguồn tiền vào thị trường. Việt Nam không phải là thị trường duy nhất giảm điểm kéo dài (Mỹ đã có 8 tuần giảm điểm liên tục).
Điều Việt Nam nên hướng tới là giảm dần tình trạng vi phạm công bố thông tin, sự bất bình đẳng trong tiếp cận thông tin giữa những nhà đầu tư trên thị trường, cũng như rủi ro thao túng có liên quan đến chính các cổ đông lớn của công ty niêm yết cấu kết với một số cá nhân trong công ty chứng khoán (ví dụ trường hợp FLC) gây ra.
Mấu chốt của vấn đề là phải phạt thật nghiêm và nặng các trường hợp vi phạm bị phát hiện để răn đe. Khi người ta biết nếu chơi “ăn gian” mà bị phát hiện sẽ mất rất nhiều thứ, bao gồm cả tiền và tự do, thì họ sẽ hạn chế làm như vậy.
Nỗ lực để nâng hạng thị trường
Một trong những mục tiêu của chứng khoán Việt Nam là sớm nâng hạng trong thời gian tới. Việc này sẽ giúp TTCK Việt Nam lành mạnh, minh bạch hơn, thu hút được dòng vốn ngoại tham gia. Thực tế, trong hầu hết buổi giới thiệu đầu tư vào TTCK Việt Nam ở nước ngoài mà tôi có tham dự, câu hỏi khi nào Việt Nam có thể được xếp vào nhóm thị trường mới nổi luôn được các nhà đầu tư đặt ra.
Khi Việt Nam được vào nhóm này, nhiều quỹ nước ngoài mới có thể giải ngân vào thị trường. Các tiêu chí nâng hạng có phần cứng và phần mềm. Phần cứng hiện đã tương đối minh bạch, còn phần mềm thì tổ chức xếp hạng toàn cầu của Mỹ (MSCI) trước đây từng nêu rõ những lo ngại của họ ở TTCK Việt Nam, bao gồm tồn tại về giới hạn tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài ở một số ngành, thiếu văn bản song ngữ làm hạn chế quyền lợi tiếp cận thông tin của nhà đầu tư nước ngoài, thiếu tự do hóa thị trường ngoại hối, điều kiện về đăng ký mở tài khoản và thanh toán bù trừ… Ngoài ra, phần mềm còn liên quan đến đánh giá của MSCI về các yếu tố tiếp cận thị trường cũng như lấy ý kiến một số tổ chức đầu tư.
Nếu xem xét theo chuẩn FTSE Russell (tổ chức xếp hạng thuộc Sở Giao dịch Chứng khoán London) để thăng hạng từ thị trường cận biên lên nhóm thị trường mới nổi thứ cấp thì có dễ thở hơn nhưng những yếu tố về thanh toán bù trừ và việc buộc có đủ tiền trong tài khoản để giao dịch hoàn tất vẫn là một điểm cơ quan quản lý của Việt Nam phải cải thiện. Vấn đề này được FTSE Russell nêu ra trong báo cáo tháng 4 vừa qua.
Do đó, Việt Nam cần nỗ lực thêm nữa trong việc cải thiện các yếu tố về kỹ thuật và một số vấn đề về chính sách, tư duy hoạch định chính sách của các sở giao dịch chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán nhà nước và những cấp cao hơn nữa. Điều này cần một quyết tâm chính trị ở tầm cao hơn. Và dù Việt Nam có đạt được mục tiêu nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp của FTSE Russell, vẫn cần nhiều cố gắng hơn nữa để đạt những tiêu chí của MSCI nhằm thu hút dòng vốn lớn hơn từ các quỹ đầu tư nước ngoài.
Nguồn: cafef.vn