Chỉ 1 tuần sau khi bị UBCKNN đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, nhóm cổ đông tại Kenanga Việt Nam đã chuyển nhượng 100% vốn công ty chứng khoán này cho các thể nhân/cá nhân có nhiều liên hệ đến Tập đoàn Hoa Lâm.
Theo đó, vào ngày 12/5/2022, K&N Kenanga Holdings Berhad và 4 cổ đông cá nhân người Việt (Cao Văn Sơn, Phạm Khánh Loan, Cao Quang Hưng, Hồ Ngọc Xuân Thanh) đã chuyển nhượng toàn bộ 13,5 triệu cổ phần, tương đương 100% vốn điều lệ của CTCP Chứng khoán Kenanga Việt Nam (Kenanga Việt Nam).
Bên nhận chuyển nhượng là Công ty TNHH Hưng An Điền (Hưng An Điền) – 6,6 triệu cố phiếu, tương đương với 49% vốn điều lệ; các cá nhân Phạm Lê Tú Uyên (2,7 triệu cổ phiếu – 20%); Phan Thanh Trà (2,28 triệu cổ phiếu – 16,91%) và Đặng Hồng Thi (1,9 triệu cổ phiếu – 14,09%).
Dữ liệu của Nhadautu.vn cho thấy, các pháp nhân/thể nhân kể trên đều có mối liên hệ chặt chẽ với Tập đoàn Hoa Lâm.
Cụ thể, Hưng An Điền thành lập vào tháng 6/2018, vốn điều lệ 100 tỷ đồng. Chủ tịch, kiêm Người đại diện theo pháp luật là bà Nguyễn Ngọc Hằng (SN 1984). Trụ sở chính Hưng An Điền nằm tại một tòa nhà trên đường Cách Mạng Tháng Tám, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP.HCM. Đây cũng là nơi đặt văn phòng TP. HCM của VietBank.
Hồi cuối năm 2021, Hưng An Điền đã thế chấp tại VietBank Hợp đồng vay chuyển đổi ngày 21/08/2018 ký kết giữa Công ty TNHH Thương mại – Xây dựng Vạn Hưng Phát và Hưng An Điền; cùng thỏa thuận sửa đổi lần 1 sửa đổi hợp đồng vay chuyển đổi ký giữa 2 đơn vị vào ngày 4/9/2018.
Trong khi đó, bà Đặng Hồng Thi (sinh năm 1986) là Chủ tịch Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và khai thác tài sản Ngân hàng Việt Nam Thương tín (Vietbank AMC).
Sinh năm 1994, bà Phạm Lê Tú Uyên hiện đứng tên tại nhiều pháp nhân, như: Công ty TNHH Dược phẩm Hoa Lâm, Công ty TNHH AS Việt Nam, Công ty TNHH Đầu tư xây dựng 3B, CTCP Quảng cáo Goclick, Công ty TNHH Bất động sản First Home.
Đáng chú ý, bà Phan Thanh Trà (SN 1992) là thể nhân duy nhất hiện nắm các vai trò Chủ tịch HĐQT, kiêm Người được ủy quyền công bố thông tin Kenanga Việt Nam. Nữ Chủ tịch 9X cũng có nhiều mối liên hệ với Tập đoàn Hoa Lâm khi Email liên hệ của bà có đuôi “@hoalam.com”.
Như từng đề cập, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã ra quyết định đưa Kenanga Việt Nam vào diện kiểm soát đặc biệt kể từ ngày 19/5 – 18/9/2022.
KVS được thành lập từ năm 2007, tiền thân là CTCP Chứng khoán Vàng Việt Nam, vốn điều lệ ban đầu là 40 tỷ đồng. Đến tháng 11/2008, công ty đổi tên thành Kenanga Việt Nam và tăng vốn lên 135 tỷ đồng vào năm 2009. Đây cũng là thời điểm K&N Holdings Berhad – công ty con của Kenanga Investment Bank Berhad (Malaysia) tham gia làm cổ đông chiến lược nắm 49% vốn công ty.
Dù có sự tham gia của nhà đầu tư chiến lược ngoại, nhưng hoạt động kinh doanh của công ty chứng khoán này không khả quan.
Vào cuối cuối năm 2013, công ty này đã nộp hồ sơ đề nghị chấm dứt tư cách thành viên giao dịch thị trường niêm yết và thành viên giao dịch thị trường đăng ký giao dịch tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE).
Đến tháng 9/2015, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam đã có quyết định ngừng cung cấp hoạt động bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán đối với KVS do bị Sở Giao dịch chứng khoán chấm dứt tư cách thành viên giao dịch.
Nguồn: cafef.vn