Khởi tố vụ án cho vay hàng nghìn tỷ đồng qua app

Ngày 29/5, Phòng CSHS, Công an TP Hà Nội cho biết, đã khởi tố vụ án liên quan đến đường dây cho vay nặng lãi theo hình thức “tín dụng đen” xuyên quốc gia do đối tượng người Trung Quốc là Liu Dan Yang (SN 1992, sống ở quận Cầu Giấy) điều hành tại Việt Nam.

Trung tá Lê Minh Hải, Đội trưởng Đội Phòng ngừa, đấu tranh và hướng dẫn điều tra trọng án, Phòng CSHS, Công an TP Hà Nội cho biết, đến thời điểm này, Phòng CSHS đã bắt khẩn cấp 21 đối tượng trong đó có 5 đối tượng bị bắt về hành vi “Cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự” và “Cưỡng đoạt tài sản”; 16 đối tượng khách bị bắt giữ về hành vi “Cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự”.

 Theo tài liệu của Phòng CSHS, Liu Dan Yang chính là đối tượng đứng thứ 2 của đường dây hoạt động “tín dụng đen” xuyên quốc gia này. Yang chỉ đứng dưới một đối tượng cũng mang quốc tịch Trung Quốc. Mọi hoạt động của đường dây “tín dụng đen” dưới vỏ bọc công ty tài chính công nghệ cao, “cầm đồ” này ở Việt Nam được ông trùm Li giao cho Yang điều hành.

Khoảng năm 2017, thông qua các mối quan hệ, Liu Dan Yang có quen biết với Li. Nhận thấy Liu Dan Yang rất giỏi công nghệ thông tin nên Li chiêu mộ, giao cho Yang nắm giữ chức Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ thông tin YooPay Việt Nam có trụ sở đặt tại phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Với mức lương được trả khoảng 50 triệu đồng/tháng, Yang có nhiệm vụ quản lý, điều hành mọi hoạt động của những bộ phận có liên quan để vận hành phần mềm cho vay nặng lãi mang tên “Ovay”.

 

Cùng với Li, Yang ở Việt Nam đã xây dựng và phát triển được một đội ngũ nhân viên làm tại các bộ phận, có nhiệm vụ cụ thể như môi giới, quảng cáo, thu ngân, duyệt hồ sơ, cho khách vay tiền, thu hồi nợ. Các đối tượng chóp bu trong đường dây hoạt động cho vay nặng lãi này còn phát triển thêm 2 app khác để đáp ứng nhu cầu “vay nóng” của khách hàng.

Với nền tảng công nghệ của app được phát triển, hoạt động trên hệ điều hành của máy điện thoại, bất kỳ khách hàng nào sử dụng điện thoại thông minh đều có thể đăng nhập và làm thủ tục vay tiền. Thủ tục hết sức nhanh gọn, không cần tài sản đối ứng, các khách hàng chỉ cần sao lưu danh bạ hoặc đặt lại máy điện thoại đang sử dụng có kèm theo đầy đủ danh bạ là có tiền. Tùy từng khách hàng cụ thể mà Yang và các nhân viên của mình sẽ giải ngân với số tiền cho vay khác nhau.

Các đối tượng “cắt phế” tới 20-35% tổng số tiền vay của khách hàng, đồng thời căn cứ vào mức tín nhiệm cá nhân của con nợ để hệ thống AI tự động tính lãi suất cũng như thời gian phải trả nợ. Mức độ tín nhiệm của con nợ được dựa trên những thông tin cá nhân như trình độ học vấn, địa chỉ cơ quan, nhà riêng, tiền lương hàng tháng được trả từ công việc hiện tại, các thông tin về gia đình, vợ, con…và bất cứ thứ gì liên quan mà các đối tượng có thể “nắm” được để ép con nợ phải trả tiền. Lãi suất mà các đối tượng áp dụng cho các con nợ này lên tới gần 2.200%/năm.

Đối với những khách hàng chậm trả hoặc không trả được tiền nợ, các đối tượng trong hệ thống công ty của Yang sẽ dùng mọi thủ đoạn để đòi tiền. Nhẹ thì gọi điện nhắc nhở, hoặc tầng nấc khó đòi hơn sẽ áp dụng chiêu cắt ghép hình ảnh con nợ, gia đình, bạn bè của khách hàng để gửi đi khắp nơi hòng bôi nhọ danh dự, nhân phẩm, “khủng bố” cho đến khi buộc con nợ phải trả tiền mới thôi.

Phòng CSHS bước đầu làm rõ có khoảng 1 triệu tài khoản khách hàng đăng nhập vào hệ thống 3 app cho vay của đường dây trên với dòng tiền giao dịch lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Nguồn: cafef.vn

Bài viết cùng chủ đề: