VNDIRECT cho rằng việc lựa chọn các cổ phiếu phòng thủ có triển vọng tăng trưởng gắn chặt với tăng trưởng kinh tế, như ngành điện là một lựa chọn an toàn và hợp lý, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường biến động mạnh gần đây.
NT2: Công ty cổ phần Công Nghiệp cao su Miền Nam
Xem hồ sơ doanh nghiệp
Trong báo cáo cập nhật mới đây, Chứng khoán VNDIRECT đánh giá ngành điện Việt Nam đang trải qua một quá trình chuyển đổi mạnh mẽ do Chính phủ đang cố gắng cân bằng giữa lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường. Cụ thể, trong quý 1/2022, tổng sản lượng điện tăng 7,8% so với cùng kỳ lên 63,03 tỷ kWh nhờ hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi hậu Covid. Tương tự, sản lượng điện khí đạt 7,5 tỷ kWh (+1,6%), đóng góp 12% tổng sản lượng, cải thiện 3,5 điểm % từ mức khiêm tốn nửa cuối 2021.
Thủy điện ghi nhận sản lượng tăng 18,9% lên 16,48 tỷ kWh nhờ pha La Nina kéo dài. Ngược lại, sản lượng điện than ghi nhận giảm 4,6% do tình trạng thiếu than. Sản lượng điện năng lượng tái tạo tăng 28,4% so với cùng kỳ lên 10,01 tỷ kWh nhờ nguồn điện gió 3.980MW đi vào vận hành từ tháng 11 năm ngoái.
Dự thảo QHĐ8 mới đặt trọng tâm vào chuyển đổi năng lượng sạch mạnh mẽ để đáp ứng cam kết “net zero” của Việt Nam
Sau 4 bản dự thảo QHĐ8, dự thảo QHĐ8 mới đang đặt trọng tâm vào chuyển đổi năng lượng sạch mạnh mẽ để đáp ứng cam kết “net zero” của Việt Nam. VNDIRECT kỳ vọng vào sự gia tăng đáng kể của điện năng lượng tái tạo trong dài hạn và ưa thích các công ty có dự án đang triển khai, đồng thời cơ chế giá điện mới được cho sẽ tiếp tục hấp dẫn trong thời gian tới.
Nhìn chung tổng công suất ghi nhận sự thay đổi không đáng kể từ 147.522MW trong bản tháng 3/2021 xuống 145.185MW trong bản tháng 4/2022. Tuy nhiên, với quyết tâm chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ trong dự thảo mới nhất, tổng công suất trong năm 2045 đã cao hơn 20%, đạt 413.054MW (kịch bản phụ tải cao). Để cân bằng xu hướng chuyển đổi xanh và tỷ lệ dự phòng đủ đầy cho hệ thống điện, bên cạnh việc tăng cường điện năng lượng tái tạo, dự thảo mới cũng bổ sung tăng các nguồn năng lượng thủy điện tích năng và pin lưu trữ để đáp ứng tính đầy đủ cho hệ thống.
Trong khi kế hoạch phát triển thuỷ điện không có nhiều sự thay đổi, dự thảo mới nhất sẽ ngừng phát triển điện than sau năm 2030. Chính phủ đã đưa ra lộ trình rõ ràng để giảm lượng khí thải than, trong đó, sau 20 năm hoạt động, các nhà máy điện than sẽ phải chuyển dần sang đốt kèm nhiên liệu sinh khối hoặc metan. Bên cạnh đó, điện khí duy trì vị thế mũi nhọn trong giai đoạn 2030-45 với tỷ trọng công suất dự kiến lần lượt là 26,7% và 18,9% tổng công suất trong giai đoạn 2030-45, song cũng sẽ phải dần chuyển đổi sang hydrogen (hoặc nâng cao tỷ lệ đốt kèm hydrogen) sau 20 năm hoạt động. Tỷ trọng công suất điện năng lượng tái tạo đã có những điều chỉnh tích cực, đặc biệt là điện gió.
VNDIRECT đánh giá dự thảo mới sẽ cắt giảm đáng kể nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch, tăng cường cung cấp điện và giảm thiểu gánh nặng nhập khẩu điện, song cũng sẽ làm tăng chi phí đầu tư hệ thống điện khoảng 25-32% trong giai đoạn 2021-45, do đó áp lực tài chính trở nên lớn hơn để đáp ứng đủ nhu cầu phát triển nguồn điện.
Nhu cầu tăng cao củng cố triển vọng ngành Điện
VNDIRECT tỏ ra lạc quan về việc sản lượng điện khí sẽ tăng trở lại trong 2022 từ mức nền thấp 2021, nhờ sự nhu cầu điện phục hồi mạnh mẽ. Miền Bắc được dự báo có nguy cơ thiếu điện do phụ tải điện cao trong mùa nắng nóng, cùng với sự thiếu hụt nguồn cung than cho hơn 3.000MW các nhà máy nhiệt điện trong thời gian gần đây. Theo kịch bản cơ sở, dự thảo Quy hoạch điện (QHĐ8) ước tính tốc độ tăng trưởng kép tiêu thụ điện đạt 8,9% trong giai đoạn 2021- 30 (9,5% cho kịch bản phụ tải cao). Đây có thể xem là động lực để ngành điện tiếp tục tăng trưởng cùng với kỳ vọng kinh tế Việt Nam phục hồi nhanh trong những năm tới.
Tuy nhiên, thực tế là khi nhu cầu tiêu thụ điện tăng mạnh, việc phát triển một hệ thống điện phù hợp để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng là rất quan trọng. Hiện tại, thủy điện đã dần cạn kiệt tiềm năng khai thác, điện than phải đối mặt với những khó khăn tài chính đầy thách thức do tác động tiêu cực đến môi trường. Do đó, năng lượng tái tạo nhận được sự quan tâm rất lớn do tính chất sạch và tiềm năng tăng trưởng công suất lớn. Song. do tính không ổn định và hệ số công suất thấp do phụ thuộc vào thời tiết nên việc phát triển thêm nguồn điện nền như điện khí là điều cần thiết để hỗ trợ hệ thống điện một cách đầy đủ..
Điện khí sẽ phục hồi từ mức nền thấp từ năm 2022 trở đi
VNDIRECT giữ quan điểm về khả năng phục hồi của điện khí đốt năm 2022 sau kết quả khả quan của nguồn điện này trong quý 1/2022. Nếu như trong nửa cuối năm 2021, một số nhà máy điện khí ghi nhận sản lượng huy động rất thấp, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả hoạt động và phải bù đắp bằng giá bán bình quân cao hơn thì trong quý 1 năm nay, một số nhà máy điện khí ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ, gồm cụm Phú Mỹ, Nhơn Trạch 1&2 và Cà Mau 1&2.
Hiệu quả hoạt động của nhà máy tăng nhờ sản lượng huy động cao hơn khi sản lượng tiêu thụ điện phục hồi. Ngoài ra, các chỉ thị khẩn cấp về huy động nguồn bổ sung 3.700MW các nguồn điện khác, trong đó 1.200MW từ điện khí của Bộ Công thương đã góp phần trợ giúp cho kết quả tích cực của nguồn điện này.
Báo cáo của VNDIRECT dự báo sản lượng tiêu thụ điện sẽ tăng mạnh đặc biệt là trong mùa hè sắp tới, và tốc độ tăng trưởng kỳ vọng sẽ đạt mức kế hoạch 8,9% sau 2 năm ghi nhận tăng trưởng thấp. Bên cạnh đó, những dự báo về rủi ro thiếu điện sẽ là lý do cộng hưởng để kỳ vọng về một mức huy động cao hơn cho các nhà máy điện. Tuy nhiên, khả năng EVN quyết định không tăng giá điện bán lẻ sẽ rủi ro giảm kỳ vọng chính cho nguồn điện khí khi giá khí được dự báo sẽ tiếp tục neo cao từ nay đến hết năm.
Đặc biệt, điện khí LNG sẽ là một phân khúc trọng tâm trong bản dự thảo QHĐ8 mới. Mặc dù tình hình giá khí LNG tăng cao sẽ gây ra những lo ngại về tính khả thi tài chính cho các dự án điện khí LNG sắp tới, VNDIRECT vẫn tin rằng điện khí đóng vai trò quan trọng trong mục tiêu và định hướng phát triển nguồn điện của Việt Nam, và cụ thể điện khí LNG sẽ ghi nhận xu hướng đi đầu, với Nhơn Trạch 3&4 sẽ là nhà tiên phong. Nhờ tính ổn định và phát thải thấp hơn điện than, điện khí LNG sẽ dần được ưu tiên huy động với một mức sản lượng tích cực, và các nhà đầu tư điện khí sẽ được hưởng lợi trong dài hạn. T
Điện năng lượng tái tạo sở hữu triển vọng lớn trong trung và dài hạn
Trong quý 1 năm nay, điện mặt trời ghi nhận công suất huy động được cải thiện trong khi điện gió đã thể hiện sự thiếu ổn định khi bước ra khỏi đợt gió chướng từ tháng 3/2022. Hiện tại, cuộc đua giá FIT đã kết thúc, và các nhà đầu tư điện năng lượng tái tạo đang chờ đợi một cơ chế mới để khởi động lại một giai đoạn phát triển mới.
Cần chú ý rằng các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển năng lượng sạch đang chưa có tính liên tục và đang bị gián đoạn và chính điểm nghẽn cần được khơi thông. Do đó, mặc dù đánh giá là nguồn năng lượng quan trọng trong kịch bản chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ của Việt Nam, các nhà đầu tư hiện vẫn đang phải chờ đợi thêm.
Với tiềm năng, triển vọng cùng với những định hướng rõ ràng của Chính phủ ưu tiên phát triển loại hình điện này, VNDIRECT kỳ vọng vào một cơ chế mới sẽ vẫn ưu đãi và dài hạn hơn để khuyến khích các nhà đầu tư tiếp tục đầu tư vào nguồn năng lượng này. Đánh giá của VNDIRECT cho rằng công suất phát triển điện MT sẽ chậm lại đến 2030 trong khi điện gió kỳ vọng sẽ là mũi nhọn cho phát triển năng lượng tái tạo trong giai đoạn 2022-2045.
Điện than sẽ là nguồn chạy nền quan trọng trong năm 2022; triển vọng tốt của Thủy điện sẽ kéo dài đến hết năm
Trong quý 1 vừa qua, mặc dù có sự cải thiện đáng kể so với 2 quý trước, nhưng sản lượng điện than lại giảm nhẹ 5% do tình trạng thiếu hụt than. Một trong những lý do chính khiến sản lượng than nhiệt nhập khẩu giảm liên quan đến sự gia tăng giá than gần đây do tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng than toàn cầu.
Dù vậy, báo cáo cho rằng tình trạng thiếu than nhiệt điện chỉ là vấn đề trong ngắn hạn. VNDIRECT kỳ vọng về sự phục hồi sản lượng điện than trong 2022 do nhu cầu tăng cao và những lo ngại về thiếu điện; tiếp tục là nguồn điện nền chính giúp cho hệ thống ổn định với giá điện hợp lý, đặc biệt khi điện gió đã có những biểu hiện bất ổn sau 6 tháng đi vào hoạt động.
Trong khi đó, VNDIRECT dẫn dự báo ENSO mới nhất, kỳ vọng 2022 sẽ tiếp tục một năm bội thu đối với thủy điện khi pha La Nina sẽ kéo dài đến hết năm.
Do thủy điện luôn là nguồn năng lượng rẻ nhất, nên sản lượng điện huy động từ nguồn này luôn ở mức cao nhất có thể, đặc biệt trong bối cảnh EVN sẽ không tăng bán giá lẻ điện cho năm 2022.Với kỳ vọng tích cực về nhu cầu điện tăng nhanh vào năm 2022, cũng như sản lượng nhiệt cao trên huy động trong thị trường phát điện cạnh tranh ở mức giá FMP cao hơn, VNDIRECT cho rằng thủy điện sẽ được hưởng lợi với sản lượng Qm (10%) và mức giá rẻ.
Nhóm cổ phiếu ngành Điện thích hợp để “phòng thủ”
Với mức tăng trưởng vượt bậc của quá trình chuyển đổi năng lượng trong những năm qua, VNDIRECT tin rằng các công ty tập trung đầu tư năng lượng sạch có thể phát triển vượt bậc trong những năm tới. Báo cáo cho rằng việc lựa chọn các cổ phiếu phòng thủ có triển vọng tăng trưởng gắn chặt với tăng trưởng kinh tế, như ngành điện là một lựa chọn an toàn và hợp lý, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường biến động mạnh gần đây.
Sản lượng điện khí sẽ tăng trở lại kể từ năm 2022 sau khi cắt giảm mạnh vào 2021. Theo đó, Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam – CTCP (POW) và Công ty Cổ phần Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2) sẽ hưởng lợi từ xu hướng này.
Bên cạnh đó, 2022 được cho sẽ tiếp tục là năm tích cực của thủy điện nhờ pha La Nina sẽ kéo dài đến hết năm. Do đó, Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh (REE) được xem là ứng viên nặng ký với danh mục thủy điện dày đặc và có dự án thủy điện mới đi vào hoạt động.
Rủi ro giảm giá nhóm các doanh nghiệp điện bao gồm việc tiêu thụ điện phục hồi chậm hơn dự đoán. Bên cạnh đó, tình trạng giá nhiên liệu đầu vào cũng có thể gây ra áp lực lên các nhà máy nhiệt điện; ngoài ra là đều kiện thời tiết thủy điện có thể thay đổi trong dự báo tiếp theo.
Nguồn: cafef.vn