Viettel Global lên kế hoạch với doanh thu 23.000 tỷ đồng, lãi trước thuế 880 tỷ đồng, tương đương với thực hiện 2021.
VGI: Công ty cổ phần Công Nghiệp cao su Miền Nam
Xem hồ sơ doanh nghiệp
Theo tài liệu họp ĐHĐCĐ của Viettel Global (UPCoM: VGI), công ty đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất đạt 23.000 tỷ đồng, tương đương so với thực hiện năm 2021. Lợi nhuận trước thuế cũng tương đương năm ngoái là khoảng 880 tỷ đồng. Thuê bao viễn thông và thuê bao số doanh nghiệp này cũng lên kế hoạch tăng lần lượt 2,5 triệu đơn vị và 6 triệu đơn vị.
Năm 2021, doanh thu đạt 22.168 tỷ đồng, tăng 9,5% so với thực hiện năm 2020. Lãi sau thuế là 346,8 tỷ đồng, giảm 19% so với thực hiện năm trước đó. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ là âm 366,6 tỷ đồng, giảm mạnh so với khoản lãi 559,5 tỷ đồng của năm 2020.
Về phương án phân phối lợi nhuận, Viettel Global dự kiến trình cổ đông không chia cổ tức của năm 2021 do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên báo cáo hợp nhất vẫn âm 4.680 tỷ đồng. Công ty sẽ trích 10% lợi nhuận sau thuế làm quỹ phúc lợi và khen thưởng cho người lao động và trích 30% làm quỹ đầu tư phát triển.
Về kết quả kinh doanh quý I, doanh thu hợp nhất của Viettel Global đạt 5.437 tỷ đồng, tương ứng tăng 17% so với cùng kỳ. Lãi sau thuế quý I là 1.403 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lỗ sau thuế 422 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ là 1.189 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ 660 tỷ đồng.
Theo Ban Tổng giám đốc công ty năm 2022 được dự báo là một năm tiếp tục đầy khó khăn, thách thức dành cho ngành viễn thông. Đầu tiên, tình hình COVID-19 diễn biến phức tạp, xung đột quân sự Nga và Ukraine khiến giá nhiên liệu, nguyên vật liệu tăng cao, gây gián đoạn các chuỗi cung ứng. Việc thiếu hụt nguyên liệu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tổng chi phí hoạt động của các doanh nghiệp, tăng từ 3% – 5%.
Ngoài ra, hoạt động đầu tư nước ngoài được dự báo sẽ đối mặt với các thách thức từ biến động chính trị tại các nước đầu tư, biến động tỷ giá, khan hiếm ngoại tệ hay các chính sách mới ràng buộc nhà cung cấp viễn thông.
Tuy nhiên, năm nay sẽ năm bùng nổ công nghệ 5G khi các quốc gia đẩy mạnh thương mại hóa 5G, các dịch vụ được khai thác trên nền tảng 5G cũng được ưu tiên phát triển mạnh, đặc biệt các dịch vụ kết nối nhanh, sử dụng dữ liệu lớn như IoT, Cloud, AI, không gian ảo Metaverse… Nắm bắt được những xu hướng đó, Viettel Global sẽ bám sát quy hoạch tần số và lộ trình triển khai 5G của một số thị trường tiềm năng, đồng thời song song nghiên cứu các dịch vụ nhằm đảm bảo sẵn sàng cho thương mại hóa.
Năm nay, công ty sẽ tiếp tục đầu tư mạnh 4G tại các thị trường châu Phi, Haiti, châu Á cùng với đầu tư dịch vụ cố định băng rộng, phát triển ví điện tử. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng sẽ phát triển thuê bao thông qua cạnh tranh về giá và chất lượng sản phẩm; tăng trưởng Apru thông qua đẩy mạnh dịch chuyển thuê bao thoại sang Data; chuyển dịch thuê bao 2G, 3G sang 4G. Ngoài ra, Viettel Global cũng nghiên cứu thúc đẩy và đa dạng hoạt động M&A (bán trạm, bán cổ phần tại các công ty cung cấp dịch vụ ví điện tử) để tối ưu hóa vốn.
Nguồn: cafef.vn