Khó bỏ cơ chế cấp hạn mức tín dụng ngay, vì sao?

Nhiều ngân hàng đã đề xuất được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phê duyệt hạn mức tín dụng mới do đã tăng trưởng chạm trần, và cần cả dư địa để triển khai gói hỗ trợ 2%…

TS Cấn Văn Lực

Chuyên gia tài chính ngân hàng
267 bài viết
  • Nửa cuối năm 2022, các vấn đề về khung pháp lý có thể xoay chuyển theo hướng không có lợi cho vấn đề xử lý nợ xấu của toàn ngành ngân hàng
    Tại: Cuối 2022, nguy cơ nợ xấu lên tới 6%
  • Nên có những quy định cụ thể yêu cầu doanh nghiệp phải có xếp hạng tín nhiệm trước khi phát hành trái phiếu. Tất nhiên là phải có lộ trình cụ thể nhưng cần dần chuẩn hoá.
    Tại: ‘Cần sớm triển khai xếp hạng tín nhiệm trái phiếu doanh nghiệp’

Công cụ giao chỉ tiêu tín dụng đã “lỗi thời”

Như mọi khi, đến kỳ các ngân hàng thương mại đề xuất nới hạn mức tín dụng (còn gọi là cấp “quota” tín dụng hay nới “room” tín dụng), thì cũng sẽ xuất hiện những luồng ý kiến từ dư luận trái chiều nhau, về việc sử dụng cơ chế cấp hạn mức tín dụng hàng năm của NHNN.

Trong đó, không ít nhà khoa học, chuyên gia Tài chính có quan điểm là trên thế giới hiện nay, ít ngân hàng Trung ương nào còn sử dụng cơ chế cấp hạn mức tín dụng. Và cũng từ đó, mà đề xuất cần bỏ việc cấp hạn mức tín dụng, không kiểm soát chính sách tiền tệ thông qua đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng ngân hàng.

TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Tài chính Tiền quốc gia cho rằng, cần bỏ cơ chế này, bởi “về lâu dài, cần quản lý các ngân hàng bằng các chỉ số tài chính thay vì công cụ hành chính là trần tăng trưởng tín dụng. Đến nay, rất ít quốc gia trên thế giới còn sử dụng công cụ giao chỉ tiêu tín dụng”.

Tương tự, ông Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó Viện trưởng Viện chiến lược NHNN cũng khẳng định, “cần nghiên cứu sớm bỏ hạn mức tín dụng để linh hoạt rót vốn cho nền kinh tế”.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia Tài chính Ngân hàng phân tích, không nhất thiết phải áp trần tăng trưởng tín dụng với từng ngân hàng, thay vào đó có thể kiểm soát dòng vốn tín dụng của các tổ chức bằng các yếu tố khác, đó là tính thanh khoản, tỷ lệ dư nợ tín dụng trên vốn huy động, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, tỷ lệ an toàn vốn, kiểm soát việc sử dụng vốn vay đúng mục đích.

Nhìn chung, các chuyên gia, nhà khoa học theo chiều ý kiến trên có điểm chung là: Cần nghiên cứu, hoặc về lâu dài… Nói cách khác là việc bỏ cơ chế áp trần tín dụng ngay lúc này thực tế vẫn cần xem xét, không hẳn nói hay mong muốn, là có thể làm được ngay. Ngay cả NHNN từ năm 2021 về cơ bản cũng quản lý bằng công cụ này theo hạn mức tín dụng, nhưng đồng thời còn xem xét, phân tích, đánh giá dựa trên quy mô, chất lượng tài sản, khả năng tăng trưởng thực để nới hạn mức tín dụng, dần “phân hóa” hạn mức để phù hợp với cơ chế thị trường và các mục tiêu chung.

Năm 2022, NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.

Theo Lãnh đạo của NHNN chia sẻ: Việc điều hành tín dụng bằng chỉ tiêu và định hướng là cần thiết, NHNN đã triển khai trong suốt 10 năm qua đã phát huy tác dụng rất tốt trong việc quản lý chất lượng tín dụng. Vì vậy, NHNN sẽ tiếp tục điều hành chỉ tiêu tín dụng định hướng và phù hợp với diễn biến nền kinh tế và mục tiêu kiểm soát lạm phát.

Vì vậy, NHNN đã căn cứ vào quy mô, chất lượng tài sản của từng tổ chức tín dụng, để xếp hạng A, B, C… và giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng linh hoạt. Hạn mức tín dụng sẽ được cấp cho từng ngân hàng riêng biệt, không cố định mà sẽ xem xét thay đổi từng đợt, khi cần thiết, dựa trên tình hình hoạt động kinh doanh thực tế của từng ngân hàng. Việc xem xét này thậm chí còn linh hoạt có thể còn là điều chỉnh cả “tổng room” hệ thống khi cần thiết, trong năm nay.

Vì sao chưa thể bỏ ngay?

5 tháng đầu 2022, tín dụng đã tăng trưởng mạnh mẽ phản ánh sự phục hồi tích cực của nền kinh tế, đặc biệt nhu cầu tín dụng của khối doanh nghiệp tăng cao. Đến thời điểm hiện tại, nhiều ngân hàng đã cho vay hết hạn mức tín dụng được giao và đã đề xuất lên NHNN “xin” được phê duyệt nới room. Đặc biệt một số ngân hàng lớn, nhóm Big 4 với thị phần tín dụng lớn, cũng đã chia sẻ là nếu không được nới hạn mức, sẽ khó triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% vừa được Chính phủ ban hành Nghị định triển khai. Việc đề xuất bỏ áp dụng cơ chế hạn mức tín dụng cũng một lần được giới chuyên môn đặt ra. Đặc biệt, cơ chế hạn mức tín dụng, cũng là một trong những nội dung các Đại biểu chất vấn Bộ trưởng trong phiên thảo luận của kỳ họp Quốc hội đang diễn ra.

Tuy nhiên, sẽ có ít nhất 3 yếu tố khiến NHNN phải cân nhắc và chưa thể bỏ công cụ điều hành này trong thời gian ngắn tới đây.

Thứ nhất, tỷ lệ dư nợ tín dụng hàng năm hiện đang ở mức rất cao. Năm 2021, tỷ lệ dư nợ tín dụng lên tới tương đương 140% quy mô GDP, cho thấy nền kinh tế đang phụ thuộc/ dựa chủ yếu vào tín dụng. Theo đó thì việc bỏ áp trần để “mở cửa” và điều hành bằng các công cụ khác vẫn hàm chứa rủi ro trong nỗ lực bình ổn thị trường tiền tệ.

Đáng chú ý, có ý kiến cho rằng một khi cởi mở cơ chế cho các tổ chức tín dụng tự quyết định tăng trưởng tín dụng theo cung -cầu thị trường và họ sẽ tự điều tiết, giảm cho vay khi xuất hiện rủi ro. Thực tế trong 2 năm đại dịch COVID-19 và cả hiện nay, khi nợ xấu được NHNN dự báo có nguy cơ tăng cao và đáng ngại, các ngân hàng thương mại và toàn hệ thống vẫn tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ, vừa là đáp ứng nhu cầu hỗ trợ tiền tệ cho nền kinh tế; nhưng cũng là vừa đáp ứng nhu cầu vốn chảy vào các lĩnh vực mà đã bị Ủy ban Kinh tế Quốc hội thẩm tra, đánh giá là rủi ro, tỷ trọng nợ xấu cao như bất động sản, tiêu dùng, BOT, BT… Qua đó cho thấy nếu lúc này dỡ bỏ hoàn toàn trần tín dụng, không áp cơ chế hạn mức cho từng tổ chức, tín dụng vẫn có thể tăng ào ạt khi nhu cầu cao, và có thể tác động xấu dồn lên nợ xấu tương lai.

Thứ hai, việc kiểm soát tín dụng thận trọng đang trở nên quan trọng hơn lúc nào trong năm 2022. Nguyên do là giá xăng liên tiếp lập những kỷ lục mới (giá kỷ lục mới nhất do Petrolimex điều chỉnh áp dụng bán lẻ cho RON 95-V, vùng 2 là 32.810đ/lít), cộng hưởng nhiều yếu tố đe dọa lạm phát cao (nhập khẩu lạm phát, giá hàng hóa tăng cao). Do đó một trong những ưu tiên lúc này của NHNN sẽ phải cân đối giữa đảm bảo tín dụng cho nền kinh tế với ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát.

Thứ ba, trở lại với yếu tố thứ nhất, sự phụ thuộc của nền kinh tế vào tín dụng đối lập với sự tăng trưởng chưa cân xứng của thị trường vốn. Đặc biệt, khi Việt Nam đang áp dụng các chính sách để nắn chỉnh thị trường vốn theo hướng phát triển ổn định, minh bạch trong dài hạn, khó có thể mong đợi thị trường vốn bùng nổ, chưa nói đến việc đảm đương được hầu hết nhu cầu vốn trung, dài hạn của doanh nghiệp. Theo đó, tăng trưởng tín dụng với cơ chế áp hạn mức, theo ông Nguyễn Lê Ngọc Hoàn, Chuyên gia Tài chính, vẫn sẽ được NHNN áp dụng song song và hướng đến chuyển đổi sang dùng công cụ khác để kiểm soát lạm phát và lưu lượng tiền tệ như chỉ số LTD (dư nợ tín dụng/vốn huy động), như chỉ số thanh khoản, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, hệ số an toàn vốn.

Có thể thấy với một cơ chế chính sách tiền tệ đang hiệu quả ngay lúc này, lại đang phải thích ứng với nhiều tác động, biến động khách quan lẫn nội tại mới, khó có thể mong đợi cơ quan quản lý sẽ thay đổi ngay việc áp hạn mức tăng trưởng tín dụng. Dù vậy, một lộ trình để Việt Nam hướng đến tiệm cận cơ chế dỡ bỏ hoàn toàn hạn mức tín dụng, cũng rất có thể đã được cơ quan quản lý tính toán, song vẫn chưa có công bố chính thức nào. Do đó, nhiều doanh nghiệp kỳ vọng một khi các Đại biểu Quốc hội chú trọng nêu chất vấn về vấn đề này, thì giải đáp khúc mắc từ phía Tư lệnh ngành Tài chính bảo đảm rất cụ thể, tỏ tường.

TÁC GIẢ KHÁC

  • TS. Bùi Kiến Thành

    4 bài viết – Mới nhất: Lạm phát tăng, gửi tiền ngân hàng có còn hấp dẫn?
  • PGS.TS. Trần Hoàng Ngân

    Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính Marketing

    52 bài viết – Mới nhất: Cấp bách gói kích thích kinh tế
  • TS. Ngô Ngọc Quang

    Chuyên gia hoạch định tài chính, Đại học Ngoại Thương

    1 bài viết – Mới nhất: Theo dấu dòng tiền, tiền gửi ngân hàng có phải là điểm đến tiếp theo?

Nguồn: cafef.vn

Bài viết cùng chủ đề: