PVTrans có thể hoàn tất thanh lý tàu PVT Athena trong nửa cuối năm và ghi nhận lợi nhuận 6 triệu USD.
PVT: Công ty cổ phần Công Nghiệp cao su Miền Nam
Xem hồ sơ doanh nghiệp
Theo SSI Research, Tổng công ty cổ phần vận tải dầu khí (PVTrans, HoSE: PVT ) có thể hoàn tất việc thanh lý tàu PVT Athena trong nửa cuối năm nay, qua đó mang lại khoản lãi trước thuế 6 triệu USD (139 tỷ đồng).
Cùng với đó, SSI Research đánh giá môi trường kinh doanh trong thời gian tới khá thuận lợi cho PVTrans. Theo ước tính của OPEC, nhu cầu dầu đã đạt mức trước dịch Covid-19 là 100 triệu thùng/ngày. Nhu cầu đối với tàu chở dầu cũng tăng mạnh, do các lệnh trừng phạt đối với ngành năng lượng của Nga cho thấy phần lớn thế giới đã chuyển hướng sang nguồn năng lượng từ các thị trường khác, làm tăng nhu cầu vận chuyển xa hơn đối với ngành. Trong khi đó, các tàu chở dầu mất 18-24 tháng để đóng mới, vì vậy giá cước vận tải nhìn chung sẽ có xu hướng tăng trong 1-2 năm tới.
Nhu cầu trong nước đối với các sản phẩm dầu dự kiến cũng tăng mạnh. Việt Nam bắt đầu mở cửa trở lại từ đầu năm 2022, điều này sẽ kéo theo nhu cầu đi lại và vận chuyển cao hơn.
Sang năm 2023, thị trường đang dự đoán về sự suy thoái của châu Âu (và khả năng suy thoái nhẹ nhưng đang gia tăng ở Mỹ), khi lo ngại giá hàng hóa leo thang và cuộc xung đột giữa Nga-Ukraine. IMF đã điều chỉnh giảm 0,2% ước tính tăng trưởng GDP thế giới năm 2023 xuống còn 3,6% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nếu Trung Quốc bỏ chính sách “zero-Covid”, ngành hàng không quốc tế có thể phục hồi. Điều này sẽ giúp giảm bớt lo ngại về nhu cầu dầu yếu.
PVTrans không ngừng đầu tư mở rộng và đổi mới đội tàu. Đến cuối năm 2022, đội tàu có thể đạt 40 tàu (so với 36 tàu trong năm 2021 và 31 tàu trong năm 2020). Hầu hết các tàu này đều được ký hợp đồng thuê có kỳ hạn và hoạt động trên thị trường quốc tế từ 1 đến 2 năm. Theo đó, lợi nhuận của các tàu này khá ổn định bất kể biến động của giá dầu. Tuy nhiên, một số tàu chạy theo giá giao ngay có thể sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi chi phí nhiên liệu tăng cao. Ở thị trường trong nước, doanh nghiệp tiếp tục hoạt động với khung giá biên cố định, có nghĩa là biên lợi nhuận được kỳ vọng sẽ ổn định như những năm trước.
Quý I, doanh nghiệp vận tải dầu khí ghi nhận doanh thu thuần 2.022 tỷ đồng, tăng 18%; lợi nhuận ròng 153 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước. SSI Research cho rằng nguyên nhân là nhờ các tàu mới được mua trong năm 2021 và quý I năm nay.
Ở mảng dầu thô, PVTrans tiếp tục phục vụ các nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn, tổng sản lượng dầu thô là 1,4 triệu tấn (tăng 3%), bên cạnh việc cho thuê một phần đội tàu ra thị trường quốc tế theo hợp đồng cho thuê tàu. Biên lợi nhuận gộp của mảng này được duy trì ở mức 20% theo các điều khoản đã được ký kết với khách hàng, vì mức giá được tính có thể điều chỉnh theo chi phí đầu vào.
Ở mảng dầu/hóa, doanh nghiệp đã mua 6 tàu chở dầu/hóa chất mới trong giai đoạn 2021-quý I/2022 với mục đích cho thuê quốc tế. Tuy nhiên, theo công ty, mức giá cho thuê không được thuận lợi do nhu cầu sản phẩm dầu yếu đi kèm với việc Trung Quốc áp dụng chính sách “zero-Covid”. Một số tàu chạy với giá giao ngay trong môi trường chi phí nhiên liệu cao như hiện nay cũng khiến lợi nhuận thấp hơn.
Mảng LPG ghi nhận lợi nhuận tăng 12% so với cùng kỳ và biên lợi nhuận cải thiện lên 2%, do giá cho thuê định hạn tăng 9% so với cùng kỳ đối với cỡ ‘Coaster’. Mảng hàng rời ghi nhận lợi nhuận tăng gấp 12 lần nhờ 2 tàu được cho thuê trần với mức giá cao do môi trường giao ngay cao hơn trên thị trường quốc tế.
FSO/FPSO cũng là mảng đóng góp mức lợi nhuận lớn với lợi nhuận gộp tương đương quý I/2021. Công ty duy trì mức giá cho thuê ổn định đối với tàu Đại Hùng Queen. Giá cho thuê theo ngày sẽ được điều chỉnh tăng/giảm tương ứng với giá dầu bình quân 3 tháng theo thoản thuận giữa PVTrans và chủ mỏ dầu.
Nguồn: cafef.vn