Chuyên gia VDSC kỳ vọng các quỹ ETF như DCVFM VN Diamond hay Fubon FTSE có thể duy trì được trạng thái hút ròng trong ngắn hạn nhờ các yếu tố nội tại TTCK Việt Nam vẫn đang hấp dẫn hơn tương đối so với một số nước trong khu vực.
Những sự kiện cần chú ý khi xuống tiền mua cổ phiếu trong tháng 6
Sau khi mùa đại hội cổ đông kết thúc, thị trường gần như đi vào vùng trống thông tin cho đến khi các tin tức về kết quả lợi nhuận quý 2 của doanh nghiệp được công bố. Trong Báo cáo chiến lược tháng 6 mới đây, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng sự giao thoa giữa chiều thông tin tích cực và tiêu cực ở thời điểm hiện tại là khá cân bằng.
Cụ thể, xét về mặt thông tin tích cực, VDSC đánh giá hạn mức tăng trưởng tín dụng mới cho các NHTM có sự tương quan nhất định giữa diễn biến thị trường và tăng trưởng cung tiền – tín dụng của nền kinh tế.
Ngoài ra, gói cấp bù lãi suất 2% với giá trị 40.000 tỷ trong hai năm (2022-2023) cho một số ngành nghề kinh doanh, tương ứng có khoảng hai triệu tỷ đồng nợ vay được hỗ trợ lãi suất cho hai năm này mang đến nhiều thuận lợi cho ngành nghề được hỗ trợ.
Đáng chú ý, dòng tiền từ ETF có sự phân hoá trong tháng 5, xu hướng nhìn chung là tích cực với tổng vốn vào ròng đạt hơn 566,8 triệu USD. Mới đây, Dragon Capital đã công bố thông tin được cấp giấy chứng nhận chào bán ra công chúng cho quỹ ETF DCVFM VNMIDCAP mô phỏng biến động của chỉ số VNMIDCAP (VN70). Sự ra đời của quỹ này có thể sẽ là chất xúc tác tiềm năng cho những cổ phiếu dẫn đầu về vốn hóa trong bộ chỉ số VN70 sau khi thu hút thành công trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, báo cáo VDSC nhận định rằng thị trường đã phản ánh đủ với thông tin về xử lý hành vi thao túng chứng khoán và kiểm soát việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Các chuyên gia kỳ vọng áp lực về dòng tiền gây ra bởi những nguyên nhân trên đã được giải toả sau khi 6 phiên VN-Index giảm quanh 2% và 4 phiên giảm trên 4%, với mức thanh khoản trong tháng 5 chỉ bằng khoảng 70% mức trung bình của cùng kỳ.
Song song, một số thông tin tiêu cực NĐT cần quan tâm đến từ Lạm phát, Tỷ giá và Biến động từ thế giới.
Về áp lực lạm phát, thời gian tới vẫn tác động rất lớn gắn với tình trạng giá nguyên liệu tăng trên toàn cầu, gián đoạn chuỗi cung ứng và cầu tiêu dùng trong nước hồi phục. Do đó, chỉ số CPI sẽ có ảnh hưởng lên kì vọng của thị trường về thay đổi lãi suất và thanh khoản trên thị trường vốn, từ đó dẫn đến điều chỉnh về suất sinh lợi. Các nhà đầu tư cũng sẽ tái phân bổ danh mục, dẫn đến những thay đổi về dòng tiền trên thị trường chứng khoán trong ngắn hạn.
Về biến động tỷ giá, nếu VND mất giá quá mạnh so với USD, có thể dẫn đến sự đảo ngược dòng vốn ra khỏi thị trường Việt Nam. Với quy mô dự trữ ngoại hối còn khá lớn hiện tại, Chứng khoán Rồng Việt kỳ vọng NHNN vẫn đủ khả năng can thiệp vào thị trường tại những thời điểm cần thiết.
Dựa trên tình hình kinh tế vĩ mô bên ngoài, chuyên gia VDSC đánh giá TTCK Việt Nam vẫn đang đứng trước khá nhiều rủi ro, đặc biệt là liên quan đến chính sách tiền tệ thắt chắt trong bối cảnh diễn biến lạm phát toàn cầu khó lường, dẫn dắt bởi giá năng lượng và lương thực neo cao do chịu tác động của cuộc chiến Nga – Ukraina.
VDSC cho rằng yếu tố này sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới kỳ vọng lạm phát của Việt Nam, qua đó, trở thành lực cản lớn đối với đà tăng của thị trường trong bối cảnh dòng tiền ngày càng thận trọng và khó có nhiều thông tin tích cực mang tính lan tỏa trên diện rộng trong tháng 6.
“Do đó, các đợt tăng bất ngờ trong tháng sẽ là cơ hội tốt để NĐT cơ cấu danh mục đầu tư theo hướng giảm tỷ lệ đòn bẩy (hoặc duy trì tỷ lệ tiền mặt ở cao đối với NĐT thận trọng), để dành sức mua chờ cơ hội ở những phiên điều chỉnh mạnh của thị trường”, VDSC khuyến nghị.
Dòng tiền đổ vào ETF có thể tiếp tục trạng thái hút ròng nhờ định giá hấp dẫn
Trong khi dòng tiền từ NĐT khó có khả năng cải thiện mạnh trong tháng 6 do tâm lý đầu tư vẫn còn khá thận trọng, chuyên gia VDSC kỳ vọng các quỹ ETF như DCVFM VN Diamond hay Fubon FTSE có thể duy trì được trạng thái hút ròng trong ngắn hạn nhờ các yếu tố nội tại TTCK Việt Nam vẫn đang hấp dẫn hơn tương đối so với một số nước trong khu vực.
Tại ngày 3/6/2022, mức định giá P/E năm 2022 của VN Index là 13.9x, với tăng trưởng EPS dự phóng năm 2022 là 18%. Hơn nữa, việc VND đang mạnh hơn so với nhiều quốc gia như Thái Lan và Đài Loan cũng là một yếu tố tích cực hỗ trợ xu hướng hút ròng của các quỹ ETF tại các thị trường này. Việc tận dụng dòng tiền từ các quỹ ETF có lẽ là lựa chọn không tệ trong ngắn hạn
Nguồn: cafef.vn