Trên thị trường liên ngân hàng, VND/USD dao động quanh 23.200 VND/USD trong khi tỷ giá niêm yết tại các NHTM đi ngang.
Theo báo cáo thị trường tiền tệ của Trung tâm Phân tích Chứng khoán SSI – SSI Research tuần 30/5 – 3/6, đơn vị này cho biết trong tuần qua, các thông tin vĩ mô nghiêng nhiều về mặt tích cực cho nền kinh tế Mỹ.
Cụ thể, chỉ số PMI lĩnh vực sản xuất của Mỹ ghi nhận ở mức 56 điểm trong tháng 5, tăng từ 55,4 điểm của tháng 4 và trái với dự báo giảm xuống 54,4. Ở lĩnh vực lao động, nước Mỹ tạo ra 11,4 triệu cơ hội việc làm mới trong tháng 5, thấp hơn mức 11,86 triệu của tháng 4 nhưng vẫn tích cực so với mức 11,29 triệu theo dự báo.
Số liệu về bảng lương phi nông nghiệp tăng hơn dự kiến, đạt 390.000 so với mức dự báo là 318.000. Điều này giúp cho thị trường gần như chắc chắn về việc Fed tăng lãi suất 50 điểm cơ bản vào cuộc họp tháng 6 và tháng 7 tới và thời điểm mấu chốt là cuộc họp tháng 9 của Fed, với sự phân hóa khả năng Fed có thể chỉ tăng 25 điểm cơ bản trong cuộc họp này.
Đồng USD, đo lường thông qua chỉ số DXY hầu như đi ngang trong tuần qua, trong khi đó các đồng tiền chủ chốt cũng không có nhiều biến động mạnh như EUR (+0,15%), GBP (-0,48%). CNY (+0,58%) tăng giá sau khi các biện pháp nới lỏng giãn cách xã hội được áp dụng cũng như những tín hiệu tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế từ chính phủ Trung Quốc.
Áp lực tỷ giá USD/VND đã phần nào hạ nhiệt trong tuần qua. Cụ thể, trên thị trường liên ngân hàng, VND/USD dao động quanh mốc 23.200 VND/USD trong khi tỷ giá niêm yết tại các NHTM đi ngang, kết tuần ở mức VND 23.030/23.340. Tỷ giá trên thị trường tự do giảm mạnh hơn, khi giảm hơn 100 đồng/USD và hiện giao dịch ở 23.760/23.820, trong khi đó chênh lệch giá vàng trong nước – quốc tế đã thu hẹp về còn hơn 17 triệu đồng/lượng.
NHNN trong tháng 5 đã chủ động thực hiện nghiệp vụ bán ngoại tệ nhằm hỗ trợ nhu cầu USD từ thị trường. Về dài hạn, yếu tố hỗ trợ VND tiếp tục từ nguồn cung USD tích cực từ cán cân thương mại, giải ngân FDI và kiều hối.
Nguồn: cafef.vn