Lãi suất huy động các ngân hàng thương mại, kể cả Big4 cũng đang tăng, mặc dù mức tăng hiện nay ở mức khá nhẹ nhưng tiền cũng đã đắt lên và khi tiền đắt lên mặc dù về kinh tế thực sự tốt, nhưng trong giai đoạn mới, câu chuyện sẽ khó khăn hơn.
Đầu năm nay, Quốc hội đã thông qua gói hỗ trợ phục hồi kinh tế trị giá gần 350.000 tỷ đồng, trong đó bao gồm các chính sách tài khóa như miễn giảm thuế phí, đầu tư phát triển, chính sách tiền tệ như tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi suất vay. Trước thông tin này, các chuyên gia kỳ vọng gói hỗ trợ sẽ giúp các doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi sau dịch. Tuy nhiên, sau gần 5 tháng được thông qua mới có 22.000 tỷ đồng được giải ngân.
Trao đổi trong Talk show Phố Tài chính (The Finance Street) trên VTV8, ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc Phân tích CTCP Chứng khoán Smart Invest (AAS) đã có những chia sẻ về tác động của gói kích thích tới nền kinh tế cũng như thị trường chứng khoán.
Theo ông Khánh, gói kích thích kinh tế đã có một số thành phần đi vào trong thực tế như giảm thuế giá trị gia tăng (VAT); các gói về giãn, hoãn tiền thuê đất của doanh nghiệp hay một số các loại thuế. Thực tế nhu cầu tín dụng trong quý I tăng trưởng rất mạnh, có một luồng tiền bơm ra thị trường và giúp cho các doanh nghiệp phục hồi. Đấy cũng là một tín hiệu tốt của thị trường. Nếu có thêm gói kích thích triển khai sớm và đặc biệt là là gói hạ tầng và đầu tư công thì sự phục hồi trong tương lai sẽ mạnh mẽ hơn rất nhiều.
Trước những lo ngại về lạm phát gia tăng, ông Khánh cho biết lạm phát thường có 2 nguyên nhân, một là do chi phí đẩy, hai là do cầu kéo. Trong giai đoạn vừa qua lạm phát xuất hiện ở cả hai hình thức gồm chi phí đẩy, tức là chuỗi cung ứng gián đoạn, xung đột giữa Nga và Ukraine dẫn đến thiếu hụt một số mặt hàng. Thứ hai là các nước phát triển tung gói kích thích kinh tế trước đấy dẫn đến là cầu của họ phục hồi trước so với chúng ta.
Trong giai đoạn vừa qua, có hai nhóm nước, một nhóm các nước phát triển thì lạm phát đang cao hơn rất nhiều so với nước đang phát triển trừ Nhật. Điều này khác biệt với giai đoạn trước kia, các nước đang phát triển sẽ chịu ảnh hưởng của lạm phát trước.
Nhóm thứ hai, các nước đang phát triển như Trung Quốc, Việt Nam kể cả các nước khu vực Đông Nam Á thì mức lạm phát rất là thấp về cơ bản ở trong mức cho phép. Thậm chí Trung Quốc giai đoạn vừa rồi là giảm phát. Bây giờ họ buộc phải kích thích nền kinh tế thông qua một loạt các gói hỗ trợ. Còn Việt Nam trong giai đoạn vừa rồi kinh tế với trọng tâm là xuất khẩu thì được hưởng lợi nhiều từ việc lạm phát trên toàn thế giới, xuất khẩu chúng ta tăng trưởng kỷ lục. Chúng ta cũng chịu ảnh hưởng của lạm phát nhưng ở mức độ chấp nhận được.
Ngoài ra, một yếu tố quyết định rất nhiều đến lạm phát thấp là do cấu trúc nền kinh tế đã thay đổi so với cách đây 5-7 năm. Trước đây nhập khẩu phân bón thì bây giờ dư cung, hay như ngành thép, trước đây nhập khẩu thép thì bây giờ xuất khẩu thép. Một điểm cuối cùng đến từ việc Chính phủ trợ giá điện giúp kiểm soát lạm phát.
Dòng tiền rẻ không còn trên thị trường chứng khoán
Theo ông Khánh, trước đây, mỗi lần Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất thì thông thường các nước mới nổi hoặc cận biên như Việt Nam sẽ biến động rất mạnh và khối ngoại sẽ bán ròng. Nhưng thực tế giai đoạn vừa qua thị trường hoàn toàn đảo ngược. Mặc dù FED tăng lãi suất nhưng mà các nước mới nổi như Indonesia, Hàn Quốc, thậm chí là Việt Nam người ta đang mua ròng trở lại. Tất nhiên là có những giai đoạn họ đã bán ròng cách đây từ 1, 2 năm.
Với thị trường trong nước, trước đó các dòng tiền giá rẻ rõ ràng là có, thậm chí có cả một số doanh nghiệp họ cũng có vốn nhàn rỗi, họ quay ra giải ngân trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, hiện tại dòng vốn đấy bắt đầu rút đi. Ngoài ra, trong quý II vừa rồi một số sự kiện dẫn đến hoạt động cho vay của chúng ta đang siết lại, dẫn đến hoạt động vốn rẻ và đầu tư đại trà cũng hạn chế hơn.
Chuyên gia AAS đánh giá thị trường hiện không còn vốn rẻ. Thực tế là lãi suất huy động các ngân hàng thương mại, kể cả Big4 cũng đang tăng, mặc dù mức tăng hiện nay ở mức khá nhẹ nhưng tiền cũng đã đắt lên và khi tiền đắt lên mặc dù về kinh tế thực sự tốt, nhưng trong giai đoạn mới, câu chuyện sẽ khó khăn hơn.
Ông Khánh đánh giá nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng mạnh, PMI tháng 5 là lên 54,7 và tăng trong 3 tháng liên tiếp, cao nhất trong 13 tháng. Giai đoạn vừa qua, Trung Quốc đóng cửa vì dịch Covid 19, dẫn đến việc tắc nghẽn trong đầu vào. Nhưng Thượng Hải họ bắt đầu mở cửa từ mùng 1/6 và nếu mà Trung Quốc mở cửa hoàn toàn thì Việt Nam sẽ giải quyết được khâu tắc nghẽn của nguyên liệu đầu vào và có thể tận dụng được cơ hội để đẩy xuất khẩu tăng trưởng mạnh hơn nữa.
Một điểm đáng chú ý là cầu tiêu dùng của Việt Nam đang tăng. Trong tháng 5 tăng trưởng bán lẻ là tăng 22,5%. Ngoài ra, nếu Việt Nam thúc đẩy đầu tư công thì chúng ta sẽ có một mức tăng trưởng kinh tế trên 7%. Còn nếu không thúc đẩy được thì có lẽ con số sẽ ở mức từ 6% đến 6,5%.
Về phần rủi ro, yếu tố cần lưu ý là việc sắp tới FED có dừng việc tăng lãi suất hay không và nhìn nhận của các nhà đầu tư trên toàn thế giới. Ngoài ra, xung đột Nga-Ukraine cũng khiến giá dầu khí tăng mạnh. Nếu giá dầu chỉ quanh ngưỡng 100–120 USD thì nền kinh tế thế giới về cơ bản sẽ trụ được. Còn nếu giá dầu lên trên 150 USD trở lên thì kinh tế thế giới nó sẽ rơi vào suy thoái. Lúc đấy rủi ro của chúng ta sẽ xuất hiện.
Chiến lược nào phù hợp cho nhà đầu tư?
Ông Khánh đánh giá thị trường hiện vẫn còn cơ hội nhưng không dễ dãi như giai đoạn trước. Cách đây 6 tháng chúng ta thấy có những dòng cổ phiếu, doanh nghiệp kinh doanh không hiệu quả, thua lỗ mà cổ phiếu vẫn tăng trưởng, thậm chí là tăng rất mạnh. Nhưng bắt đầu từ quý II vừa rồi câu chuyện hoàn toàn khác, giai đoạn này tiền không rẻ.
Trong ngắn hạn, ông Khánh dự báo ít nhất nửa tháng, một tháng nữa rủi ro tương đối thấp. Nhưng về dài hạn, trên thế giới có lo ngại liệu thế giới có bước vào một cuộc suy thoái hay không? Nếu thị trường chứng khoán Mỹ, họ ít biến động hơn, thì ít nhất ở thị trường chứng khoán Việt Nam, nhà đầu tư sẽ không bị ảnh hưởng bởi tâm lý.
Điểm thứ 2 là lãi suất 12 tháng hiện vào khoảng 8% thì P/E thị trường hợp lý quanh ngưỡng 12,5 lần. Chúng ta đang ở giai đoạn rẻ chấp nhận được nên nếu có nhịp điều chỉnh sẽ không giảm quá sâu.
Chuyên gia AAS cho rằng nhà đầu tư nên lựa chọn những ngành có khả năng tăng trưởng, xuất khẩu và những cổ phiếu có vốn hóa trung bình. Bởi lẽ, giai đoạn tiền không rẻ mà chúng ta chọn những cổ phiếu mà mang tính “quốc dân” gần như rất khó tăng và cũng nên phòng trường hợp có những biến động bất định phải có lượng tiền phù hợp và quản trị danh mục phù hợp.
Nguồn: cafef.vn