Thời điểm cuối tháng 5, MBB là cổ phiếu có tỷ trọng lớn nhất (19,77%) trong danh mục của Ballad Fund, theo sau lần lượt là HPG (9,1%), ACB (4,96%), VNM (4,85%), MWG (4,7%)…
HPG: Công ty cổ phần Công Nghiệp cao su Miền Nam
Xem hồ sơ doanh nghiệp
Quỹ đầu tư Ballad Fund thuộc SGI Capital đã công bố báo cáo tháng 5/2022 với hiệu suất âm 8,75% với hầu hết các cổ phiếu trong danh mục đều giảm. Chỉ có 3 trên tổng số 15 cổ phiếu trong danh mục của Ballad Fund tăng trong tháng 5 là FPT, PNJ và NT2. Cổ phiếu HPG gây thất vọng nhất khi giảm gần 20% trong tháng 5 và ảnh hưởng lớn đến hiệu suất của quỹ.
Trước đó vào thời điểm cuối tháng 4, HPG là cổ phiếu có tỷ trọng cao nhất (gần 20%) trong danh mục của Ballad Fund. Tuy nhiên, quỹ đầu tư này đã bán ra 250.000 cổ phiếu HPG trong tháng 5 và giảm tỷ trọng xuống còn 9,1% trong bối cảnh Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long nhận định ngành thép sẽ “thê thảm” trong thời gian tới.
Một trong 3 cổ phiếu ngược dòng danh mục là NT2 vừa được Ballad Fund mua mới trong tháng 5. Quỹ đầu tư này cũng tăng tỷ trọng cổ phiếu TCB đồng thời bán bớt VCB, PNJ và TLG. Thời điểm cuối tháng 5, MBB là cổ phiếu có tỷ trọng lớn nhất (19,77%) trong danh mục của quỹ, theo sau lần lượt là HPG (9,1%), ACB (4,96%), VNM (4,85%), MWG (4,7%)…
Được biết, Ballad Fund mới được thành lập từ giữa tháng 11/2021 – thời điểm thị trường chứng khoán Việt đang đang trong giai đoạn bùng nổ về thanh khoản. Niềm vui ngắn chẳng tề gang, quỹ đầu tư này đã sớm phải đối mặt với sóng gió khi thị trường giảm mạnh từ đỉnh hồi đầu tháng 4. Sau 2 tháng lao dốc, Ballad Fund đã đánh mất toàn bộ thành quả và lỗ 7,23% so với thời điểm mới thành lập.
Tuy nhiên, đội ngũ phân tích SGI Capital đánh giá nền kinh tế Việt Nam vẫn đang trong quá trình phục hồi vững chắc. Doanh nghiệp mở mới tiếp tục gia tăng nhanh chóng, chi tiêu bán lẻ tăng mạnh, sản xuất công nghiệp phục hồi nhanh, kèm theo đó là ngân sách Nhà nước liên tục thặng dư nhờ thuế.
“TTCK luôn đi trước các diễn biến kinh tế và có thể đang phản ánh những lo lắng về lạm phát và rủi ro thắt chặt tiền tệ ở mức độ cao nhất. Khi những tín hiệu của rủi ro lạm phát giảm bớt, dòng tiền sẽ quay trở lại. Nhìn vào thị trường trong nước, chúng tôi tiếp tục lạc quan với kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp cùng với đà phục hồi kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp có nền so sánh thấp trong giai đoạn ảnh hưởng Covid nặng nề trong quý 2 và quý 3/2021”, báo cáo SGI Capital phân tích.
Tính tới những ảnh hưởng tiêu cực từ suy giảm tăng trưởng toàn cầu, áp lực tăng lãi suất, tỷ giá VND trong những tháng tới, đội ngũ phân tích tin tưởng vào khả năng các doanh nghiệp niêm yết sẽ duy trì được đà tăng trưởng lợi nhuận trên 20% cho năm 2022. SGI Capital đánh giá đợt suy giảm vừa qua của thị trường đã mang tới một cơ hội đầu tư với mức định giá rẻ hơn 95% thời gian tính trong 5 năm trở lại đây với P/E forward 2022 của VN-Index hiện chỉ ở mức 12,5%.
Theo quan sát của SGI Capital, Việt Nam cũng là thị trường hiếm hoi nhận được dòng tiền nước ngoài mua ròng mạnh mẽ trong hai tháng qua, ngược chiều với áp lực rút vốn khỏi nhiều thị trường khi Fed thắt chặt chính sách tiền tệ. Những nền tảng vĩ mô vững chắc và triển vọng tăng trưởng dài hạn của Việt Nam là khác biệt và những chính sách giúp thị trường minh bạch hơn chính là điều kiện cần cho thị trường vốn phát triển hiệu quả, hấp dẫn các dòng vốn lớn tiếp tục tìm đến.
Nguồn: cafef.vn