Các đợt tăng giảm bất ngờ trong tháng sẽ là cơ hội tốt để NĐT cơ cấu danh mục đầu tư theo hướng giảm tỷ lệ đòn bẩy (hoặc duy trì tỷ lệ tiền mặt ở cao đối với NĐT thận trọng), để dành sức mua chờ cơ hội ở những phiên điều chỉnh mạnh của thị trường.
Trong Báo cáo chiến lược tháng 6 mới công bố, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng tâm lý thận trọng phủ kín thị trường khiến chỉ số giảm mạnh trong tháng 5. Cụ thể, VN-Index đã giảm hơn 15% trong chín ngày giao dịch đầu tiên của tháng xuống mức thấp nhất trong năm là 1.156 trước khi bật tăng trở lại và tăng mạnh 12% lên mức 1.292 cuối tháng. Tất cả các chỉ số phụ (VN30, VNMID, VNSML, …) đều chứng kiến nhịp hồi phục hình chữ V từ đáy.
Theo thống kê, 76% cổ phiếu chứng kiến lợi nhuận âm trong tháng 5, song kết quả này vẫn có sự cải thiện so với tháng 4 là 83%. Độ rộng thị trường cho thấy sự tập trung nhiều của lợi nhuận hàng tháng trong khoảng -10 đến 0%. Cụ thể, lợi nhuận cổ phiếu chủ yếu nằm trong khoảng -10% đến -5%. Nói cách khác, chỉ số VN-Index và HNX-Index tiếp tục giảm trong tháng 5, nhưng tốc độ yếu dần và tâm lý đã có cải thiện.
Thị trường khó bứt phá do thiếu dòng tiền và thông tin hỗ trợ
Dự báo về xu hướng thị trường trong tháng 6, VDSC cho rằng chứng khoán Việt Nam vẫn đang đứng trước khá nhiều rủi ro vĩ mô từ bên ngoài. Đặc biệt là liên quan đến chính sách tiền tệ thắt chặt trong bối cảnh diễn biến lạm phát toàn cầu khó lương, dẫn dắt bởi giá năng lượng và lương thực neo cao do chịu tác động của xung đột Nga – Ukraina.
Đội ngũ phân tích cho rằng yếu tố này sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới kỳ vọng lạm phát của Việt Nam, từ đó trở thành lực cản lớn đối với đà tăng của thị trường trong bối cảnh dòng tiền ngày càng thận trọng và khó có nhiều thông tin tích cực mang tính lan tỏa trên diện rộng trong tháng 6.
“Chúng tôi nhận thấy không có nhiều thông tin đủ mạnh để tác động đến thị trường, ở cả chiều tích cực lẫn tiêu cực. Ngoài ra, xét về mặt định giá, nhiều cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt đã giảm về vùng giá hợp lý cho chiều nắm giữ. Song xét về yếu tố dòng tiền, vì thiếu thông tin hỗ trợ, khả năng thanh khoản sẽ chỉ cải thiện nhẹ so với mức bình quân của tháng 5. Xét trên các yếu tố về mặt thông tin, dòng tiền, hay định giá, có thể thấy thị trường đang ở thế cân bằng – yếu“, báo cáo Rồng Việt nêu rõ.
Tuy nhiên, chuyên gia phân tích cũng kỳ vọng thị trường tháng 6 sẽ không có nhiều phiên bán tháo tương tự như đã diễn ra trong tháng 5. VN-Index sẽ biến động trong vùng 1.240 – 1.350 điểm cho đến khi có thêm chất xúc tác để chỉ số xác định rõ xu hướng. Tuy áp lực từ bán giải chấp giảm, song chưa thể kỳ vọng dòng tiền mạnh mẽ gia nhập thị trường. Chỉ số VN-Index đã rất khó khăn chinh phục ngưỡng điểm cao trong bối cảnh tỷ lệ sử dụng nợ vay ký quỹ gần như đã đạt đỉnh từ những tháng cuối năm 2021.
Trong tháng 4 và tháng 5, thị trường trải qua nhiều phiên giảm điểm mạnh với mức giảm từ xấp xỉ 1,5 – 2% đến xấp xỉ 4,7 – 4,8%. Ngoài ra, tổng giá trị khớp lệnh tháng Năm đã giảm hơn 32% so với cùng kỳ. Ngoại trừ tháng 2/2021 là tháng Tết cổ truyền, thì đây là tháng có giá trị khớp lệnh thấp nhất trong 17 tháng qua trên sàn HSX.
VDSC tin rằng dư nợ vay ký quỹ theo đó cũng đã giảm đáng kể. Điều này, ít nhất sẽ giúp thị trường tránh được những đợt giảm mạnh và sốc trong tháng 6, thường gây ra bởi tình trạng bán giải chấp.
Chiến lược nào phù hợp cho tháng 6?
Trước những phân tích trên, đội ngũ phân tích cho rằng chiến lược đầu tư tháng 6 cần có một chút phòng thủ và cho mục tiêu trung – dài hạn. Theo đó, thay vì “full margin” như thời gian trước, NĐT nên giảm tỷ lệ đòn bẩy (hoặc với NĐT thận trọng thì có thể duy trì tỷ lệ cổ phiếu: tiền mặt ở mức 70:30), để dành sức mua chờ cơ hội ở những phiên điều chỉnh mạnh của thị trường. Đồng thời, việc giải ngân cần có sự “kiên nhẫn” chờ cổ phiếu ưa thích về vùng giá tốt để mua vào, thay vì theo tâm lý “FOMO” như trước đây.
Chỉ số VN-Index đã phục hồi khá nhanh sau khi giảm mạnh xuống ngưỡng 1.165 điểm trong tháng 5. Do đó, các đợt tăng giảm bất ngờ trong tháng sẽ là cơ hội tốt để NĐT cơ cấu danh mục đầu tư theo hướng giảm tỷ lệ đòn bẩy (hoặc duy trì tỷ lệ tiền mặt ở cao đối với NĐT thận trọng), để dành sức mua chờ cơ hội ở những phiên điều chỉnh mạnh của thị trường.
Nguồn: cafef.vn