Tháng 5, nhà đầu tư trong nước đã mở mới gần 480.000 tài khoản, gấp đôi so với tháng trước và là con số kỷ lục trong lịch sử. Tuy nhiên thanh khoản trên thị trường chứng khoán dường như đang không đồng thuận với đà tăng trên.
Sau nhịp chỉnh mạnh của tháng Năm, thị trường chứng khoán Việt Nam đang ghi nhận những phiên giao dịch tương đối khởi sắc. Chỉ số VN-Index phục hồi liên tục trong ba phiên đầu tuần, đặc biệt đã bứt phá gần 17 điểm trong phiên 8/6 để thành công giành lại ngưỡng điểm quan trọng 1.300.
Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường có chuyển biến tích cực sau nhiều tuần trượt dài, giao dịch ở mức thấp vẫn đang là xu hướng chi phối thay vì một sự bùng nổ theo đà như kỳ vọng của nhiều nhà đầu tư. Phiên 9/6 ghi nhận giá trị khớp lệnh trên HoSE chỉ ở mức 11.876 tỷ đồng, thấp nhất kể từ đầu tuần. Nếu nhìn rộng ra trong tháng 5 trước đó, thanh khoản ghi nhận tụt áp khi giá trị giao dịch bình quân trong tháng chỉ đạt hơn 17.700 tỷ đồng/phiên, giảm hơn 30% so với giá trị giao dịch trong tháng 4 và thấp hơn rất nhiều so với mức bình quân 30.000 tỷ đồng/ngày của tháng 11/2021.
Thực tế, niềm hân hoan vì “mưa rào sau nắng hạn” đã không quá mãnh liệt từ những nhịp phục hồi từ đáy của thị trường trước đó. Điều này đã gây ra sự bất ngờ bởi nhà đầu tư trong khoảng 2 năm gần đây, khi họ đã quen với việc dòng tiền ồ ạt chảy vào bởi làn sóng nhà đầu tư mới F0 đổ bộ vào chứng khoán. Mỗi khi thị trường biến động mạnh, lập tức thanh khoản sẽ được đẩy lên ngưỡng rất cao, mức trên 30.000 tỷ không phải quá hiếm gặp do nhà đầu tư không ngại đua lệnh. Vì thế, ngay cả khi chỉ số VN-Index giảm hơn 200 điểm mà dòng tiền vẫn khá “thờ ơ”, nhiều nhà đầu tư càng thấy khó giải thích. Đặc biệt, thanh khoản liên tục sụt giảm lại trong bối cảnh lượng tài khoản mở mới đang liên tục tăng mạnh, thậm chí là lập kỷ lục ấn tượng.
Theo số liệu từ Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), nhà đầu tư trong nước đã mở mới 476.455 tài khoản chứng khoán trong tháng 5, gấp đôi so với tháng trước và là con số kỷ lục trong lịch sử.
Lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư nội trong tháng vừa qua thậm chí còn cao hơn 200.000 tài khoản so với đỉnh cũ lập được vào tháng 3. Nhà đầu tư cá nhân tiếp tục là nòng cốt khi mở mới 476.332 tài khoản bên cạnh 123 tài khoản đến từ nhà đầu tư tổ chức. Tính chung 5 tháng đầu năm, nhà đầu tư trong nước mở mới tổng cộng hơn 1,38 triệu tài khoản chứng khoán, gần bằng con số cả năm 2021 (1,53 triệu tài khoản). Tổng số tài khoản chứng khoán nhà đầu tư trong nước đến cuối tháng 4 đạt 5,6 triệu, chiếm gần 5,7% dân số.
Tính đến cuối quý 1/2022, số dư tiền gửi khách hàng tại các công ty chứng khoán ước tính lên đến 100.000 tỷ đồng, tăng khoảng 6.000 tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2021. Đây là lượng tiền đang nằm sẵn trong tài khoản nhà đầu tư và chưa thực hiện giải ngân vào thời điểm cuối tháng 3. Vậy thì điều gì đang thực sự diễn?
Nhiều nguyên nhân đưa lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư trong nước tăng mạnh
Hoà vào dòng chảy chung, giải pháp mở tài khoản trực tuyến ứng dụng công nghệ eKYC (định danh khách hàng điện tử) đã được các công ty chứng khoán đẩy mạnh triển khai trong khoảng thời gian bùng nổ của thị trường chứng khoán. Nhờ sự thuận tiện và nhanh chóng, bước đầu đã gặt hái được những thành quả ban đầu với số lượng mở mới tài khoản mở mới gia tăng nhanh chóng nhanh hơn cả tốc độ tăng trưởng số tài khoản của TTCK Đài Loan giai đoạn 1985 – 1990. Tuy nhiên, cần chú ý rằng lượng tài khoản mới chưa phản ảnh chính xác mức độ người dân tham gia vào chứng khoán bởi một nhà đầu tư có thể có nhiều tài khoản tại nhiều CTCK, chưa kể những tài khoản ở trạng thái “passive”.
Bên cạnh đó, bối cảnh thị trường chứng khoán nhiều tiềm năng và tăng trưởng đột phá, một số công ty chứng khoán mới cũng được ra đời với những chính sách vô cùng hấp dẫn nhằm phát triển lượng khách hàng, trực tiếp làm gia tăng lượng tài khoản mở mới trên thị trường. Mặc dù vậy, bộ phận không nhỏ trong số đó là nhà đầu tư đã mở tài khoản tại các công ty chứng khoán khác nhưng mong muốn trải nghiệm dịch vụ mới và chính sách ưu đãi hơn. Như vậy, lượng tài khoản mới tăng không đồng nghĩa là dòng tiền mới chảy vào thị trường, “bình mới nhưng rượu không mới”.
Xét về yếu tố vĩ mô, ngày 5/5 vừa qua, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã nâng lãi suất 50 điểm cơ bản, đánh dấu bước nâng lãi suất mạnh nhất trong hơn 20 năm. Trong nước, mặt bằng lãi suất đã duy trì ở mức thấp trong suốt 2 năm 2020 và 2021 để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn bởi đại dịch Covid-19. Do đó, áp lực từ các động thái mang tính diều hâu của FED ít nhiều ảnh hưởng đến dòng tiền chảy vào chứng khoán khi môi trường tiền rẻ không còn duy trì.
Những nhịp rung lắc mạnh của các chỉ số chứng khoán thời gian qua cũng khiến cả nhà đầu tư đang cầm cổ phiếu hay những người cầm tiền tỏ ra e dè. Với bên đang nắm giữ cổ phiếu, nhà đầu tư chưa thực sự tự tin với đà tăng của thị trường do áp lực bán mạnh vẫn thường trực nhằm hạ nhiệt đà tăng của chỉ số. Với bên cầm tiền, nhà đầu tư cũng tỏ ra không thực sự sẵn sàng nhập cuộc, khi mà nhịp tăng có thể biến thành bẫy “bull-trap” và đẩy họ vào trạng thái “đu đỉnh”.
Triển vọng tích cực của thị trường chứng khoán
Tuy nhiên, lạm phát Việt Nam vẫn được kiểm soát rất ổn định, cộng thêm lộ trình tăng lãi suất đã rõ ràng của NHNN, thị trường vốn hay cụ thể hơn là thị trường chứng khoán vẫn đang sở hữu những dư địa màu mỡ để phát triển bền vững trong dài hạn. Thêm nữa, câu chuyện nâng hạng thị trường cũng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự trở lại của dòng vốn ngoại trong tương lai. Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch kiêm TGĐ FiinGroup cho biết, nếu được nâng hạng lên thị trường mới nổi (Emerging Markets), Việt Nam cũng có thể đón nhận tới hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ USD đổ vào thị trường.
Báo cáo mới đây của đội ngũ phân tích SGI Capital đánh giá nền kinh tế vẫn đang trong quá trình phục hồi vững chắc. Doanh nghiệp mở mới tiếp tục gia tăng nhanh chóng, chi tiêu bán lẻ tăng mạnh, sản xuất công nghiệp phục hồi nhanh, kèm theo đó là ngân sách Nhà nước liên tục thặng dư nhờ thuế.
Theo SGI Capital, thị trường chứng khoán luôn đi trước các diễn biến kinh tế và có thể đang phản ánh những lo lắng về lạm phát và rủi ro thắt chặt tiền tệ ở mức độ cao nhất. Khi những tín hiệu của rủi ro lạm phát giảm bớt, dòng tiền sẽ quay trở lại. Nhìn vào thị trường trong nước, chúng tôi tiếp tục lạc quan với kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp cùng với đà phục hồi kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp có nền so sánh thấp trong giai đoạn ảnh hưởng Covid nặng nề trong quý 2 và quý 3/2021. SGI Capital tin tưởng vào khả năng các doanh nghiệp trong VN-Index sẽ duy trì được đà tăng trưởng lợi nhuận trên 20% cho năm 2022.
Những nền tảng vĩ mô vững chắc và triển vọng tăng trưởng dài hạn của Việt Nam là khác biệt và những chính sách giúp thị trường minh bạch hơn chính là điều kiện cần cho thị trường vốn phát triển hiệu quả, hấp dẫn các dòng vốn lớn tiếp tục tìm đến.
Nguồn: cafef.vn