Có hai điểm nội dung chính, vừa bất ngờ vừa gây hoài nghi ở nội dung Thống đốc trả lời trước Quốc hội.
Ngày 08 và 09/6, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng lần lượt trả lời nhiều vấn đề nóng mà các đại biểu Quốc hội đặt ra, trong khuôn khổ Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV.
Điểm thứ nhất, cơ chế cấp hạn mức tín dụng hàng năm cho các ngân hàng thương mại.
Về điểm này, như các kênh thông tin đã tường thuật, đại biểu Quốc hội chất vấn về tính phù hợp với bối cảnh hiện nay, cũng như mang “dáng dấp bao cấp”. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đặt vấn đề tại phiên chất vấn là cơ chế này có mang tính hành chính không và khi nào bỏ được việc phân bổ này.
Ngay sau những thông tin chất vấn và trả lời chất vấn về điểm này, một số chuyên gia đã có những bình luận đáng chú ý. Không phân tích và mổ xẻ cụ thể, song ông Hồ Quốc Tuấn (Giảng viên, Đại học Bristol, Anh) – một chuyên gia quen thuộc với giới đầu tư tài chính đã đặt ngay một số câu hỏi.
Trước phiên chất vấn, một chuyên gia tài chính trong nước cũng đặt kỳ vọng với với người viết rằng, qua chất vấn có thể đợi xem Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang dựa vào đâu để thực hiện cơ chế phân bổ hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại (NHTM) hàng năm.
Cũng như chuyên gia Hồ Quốc Tuấn, vị chuyên gia trong nước cũng đặt vấn đề là thử tìm xem trên thế giới có ngân hàng trung ương nào chia nhỏ các lĩnh vực cho vay, chia và phân bổ hạn mức tín dụng và xem xét điều chỉnh định kỳ như NHNN Việt Nam đang làm hay không? Hoặc có mô hình nào hiệu quả thì đưa ra thuyết phục thị trường và áp dụng theo.
Và cơ chế phân bổ này liệu có đi ngược sự phát triển và tiến bộ của thị trường, của chính sách? Câu hỏi liên quan cũng được chuyên gia Hồ Quốc Tuấn băn khoăn là cơ chế đó được phát triển trên thuật toán tối ưu nào?…
Sau phiên chất vấn, vị chuyên gia trên trao đổi với người viết và thất vọng. Bởi ông không có được câu trả lời mong muốn: Cơ sở pháp lý của cơ chế phân bổ hạn mức tín dụng.
Vị chuyên gia này cho rằng, cần phải trả lời được 3 điểm: căn cứ thực tế, tính khoa học và tính pháp lý của cơ chế. Trong đó tính pháp lý là đầu tiên để có thể xem đến có khoa học hay không và có phù hợp với thực tế hay không.
Theo ông, trong 27 điểm quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của NHNN theo Luật NHNN, không có điểm cơ sở nào cho phép NHNN được quyền phân bổ hạn mức tín dụng cho các NHTM như thời gian qua cả.
Tương tự, Luật Các tổ chức tín dụng (và sửa đổi sau đó) không hề có một từ khóa nào quy định về “hạn mức”, “chỉ tiêu”, “phân bổ”, “giới hạn” về tăng trưởng tín dụng hàng năm cho từng NHTM cả.
Tuy nhiên, người viết trao đổi lại với chuyên gia này rằng, các luật thường có điểm “các nội dung khác”, “các trường hợp khác”, “trong trường hợp đặc biệt”… thì có thể tạo cơ sở pháp lý nhất định… Ví như trong Luật NHNN có điểm cuối cùng là NHNN được thực hiện “Nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật”.
Chuyên gia lập luận, giả sử pháp luật có điều khoản riêng, trong trường hợp đặc biệt hoặc cá biệt…, thì đó là mang tính tình huống. “Không có một tình huống đặc biệt, cá biệt hoặc bất thường… mà lại thực hiện quá lâu dài cả, từ năm 2011 cho đến nay. Cũng như Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu, chính Chủ tịch Quốc hội vừa rồi cũng nói rõ ràng, nó là thí điểm, có tính tình huống thì không thể kéo dài mãi”, vị chuyên gia trên lập luận.
Nói lợi nhuận ngân hàng lớn có “oan” hay không?
Ở điểm thứ hai, tại phiên chất vấn, đại biểu Quốc hội đặt vấn đề cần lý giải dư luận nói lợi nhuận các ngân hàng lớn trong khi doanh nghiệp và nền kinh tế gặp khó khăn vì đại dịch COVID-19.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đưa ra lập luận khi trả lời, với so sánh: Nếu như đến cuối năm 2020, toàn hệ thống tổ chức tín dụng có tổng tài sản là 14 triệu tỷ đồng, thì đến tháng 3/2022 đã lên tới hơn 16 triệu tỷ đồng; tín dụng đã là 12 triệu tỷ đồng. Tài sản của một ngân hàng thương mại nhà nước là 1,6-1,7 triệu tỷ đồng.
“Lợi nhuận sinh lời là mười mấy nghìn hay hai mươi nghìn tỷ đồng trên tổng số tài sản đó thì không phải là lớn”, Thống đốc nói.
Vị chuyên gia trên cho rằng ông không đồng tình với dẫn giải trên. Bởi lẽ, tổng tài sản không phải là của ngân hàng; phần lớn tài sản là của khách hàng, của nền kinh tế; của ngân hàng chỉ là vốn chủ sở hữu. Vì vậy, dùng lợi nhuận để “pha loãng” trên tổng tài sản như vậy để chứng minh là không lớn là không hợp lý.
Còn nếu tính theo lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu, vị chuyên gia này cho rằng hai năm đại dịch vừa qua nhiều ngân hàng đạt từ 20-25%, gấp gần 4 lần mức lãi suất tiết kiệm kỳ hạn một năm, và như vậy là lợi nhuận rất lớn.
Ở một điểm khác, vị chuyên gia trên “tâm tư” rằng, các chính sách hiện nay, cũng như chương trình hỗ trợ lãi suất, hay Thống đốc nói các NHTM đã hỗ trợ giảm lãi suất trong đại dịch…, cũng có phần không hợp lý. Theo ông, không nên dùng từ “hỗ trợ” ở đây.
Lập luận chuyên gia này đưa ra: Nếu không giảm lãi suất, doanh nghiệp khó khăn không trả được nợ thì ngân hàng cũng khó lành, vậy nên lãi suất phải giảm. Chương trình hỗ trợ lãi suất 2% của Chính phủ cũng vậy, nếu không gián tiếp giảm lãi suất qua đó, doanh nghiệp khó khăn thì khó đảm bảo thu ngân sách. Đơn giản là vậy chứ không gọi là “Hỗ trợ”.
“Làm doanh nghiệp cực chứ, khi khó khăn càng cực. Hay thử đặt mình là một thực khách bước vào quán phở, chủ quán nói thấy anh khó khăn chật vật nên tôi lấy giá 40.000 đồng/bát thôi chứ không phải 50.000 đồng như bình thường. Thử hỏi, vị thực khách đó ăn bát phở được giảm giá đó có thực sự thấy ngon như bình thường không, có tâm tư không!”, vị chuyên gia trên nói thêm.
Nguồn: cafef.vn