Một trong số đó còn được khối ngoại gom mua với khối lượng lớn.
Phiên giao dịch ngày 10/6, thị trường chứng khoán nói chung và nhóm cổ phiếu ngân hàng nói riêng biến động mạnh. Trong đó phiên buổi sáng, nhất là nửa sau phiên giao dịch, thị trường hưng phấn với nhiều mã ngân hàng tăng mạnh. Tuy nhiên sang buổi chiều và càng về gần lúc đóng cửa, nhóm “cổ phiếu vua” lại “mất hết năng lượng” quay đầu sụt nhanh. Đóng cửa phiên chỉ còn được 5 mã giữ sắc xanh, 2 mã về giá tham chiếu, còn lại là chìm trong sắc đỏ.
TCB của Techcombank tăng mạnh nhất khi tăng 1,5% với khối lượng hơn 8 triệu cổ phiếu được giao dịch, cao thứ 2 về thanh khoản nhóm ngân hàng chỉ sau STB của Sacombank. Sáng nay có lúc TCB tăng gần 3% và liên tục duy trì mức tăng hơn 2% cho đến lúc đóng cửa bị suy yếu theo đà sụt giảm của toàn thị trường.
HDB của HDBank cũng là một trong số ít mã tăng giá và duy trì sức mạnh liên tục. Dù đóng cửa chỉ tăng 0,4% nhưng đây vẫn là mã tăng mạnh thứ 2 trong nhóm bank giao dịch trên HoSE. Ngoài ra, HDB còn là cổ phiếu được khối ngoại mua ròng lượng lớn thứ 2 hôm nay (sau STB) với khối lượng mua ròng hơn 1,5 triệu đơn vị. Trong khoảng 1 tháng trở lại đây, HDB là mã được nhà đầu tư mua vào với số phiên liên tục và nhiều nhất nhóm ngân hàng.
Ngoài ra còn có EIB của Eximbank hôm nay tăng được 0,2% vào lúc đóng cửa. Hai thành viên còn lại ở “phe màu xanh” là KLB của Kienlongbank và SGB của Saigonbank với mức tăng lần lượt 1,5% và 0,7%. Tuy nhiên KLB và SGB chỉ đạt khối lượng giao dịch cả phiên lần lượt là 2.400 cổ phiếu và 3000 cổ phiếu còn EIB cũng chỉ được hơn 200 nghìn đơn vị.
Ở nhóm sụt giảm, có tới 10 cổ phiếu giảm từ 1,9% đến hơn 3%, trong đó OCB giảm sâu nhất khi để mất 3,3%, SHB, LPB và CTG mất hơn 2%. Và hầu hết các mã giảm đều đóng cửa ở mức thấp nhất hoặc gần thấp nhất phiên.
Thời gian gần đây nhóm cổ phiếu ngân hàng không mấy thu hút hút nhà đầu tư do thị trường đang trong tâm lý chờ đợi, trong đó quan trọng nhất là room tín dụng mà NHNN cấp bổ sung cho các nhà băng. Đến thời điểm này vẫn chưa có cái tên nào được nhắc tới trong việc cấp room bổ sung, trong khi nửa đầu năm hoạt động đang dần qua đi và nhiều nhà băng đã cạn room từ cuối quý 1. Giới phân tích bày tỏ lo ngại kết quả kinh doanh của một số ngân hàng ở quý 2 sẽ bị ảnh hưởng do không có room để cho vay, trong khi lãi suất huy động lại điều chỉnh tăng hàng loạt để thu hút dòng tiền nhàn rỗi và cạnh tranh hút khách hàng.
Nguồn: cafef.vn