Trái ngược với tín hiệu giảm bơm tiền và thắt chặt chính sách tiền tệ của các nền kinh tế lớn, Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn nới lỏng nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sau giai đoạn dịch bệnh.
Trong phiên chất vấn ngày 8/6, đại biểu Hà Sỹ Đồng, (Quảng Trị) đã đặt câu hỏi với Thống đốc Nguyễn Thị Hồng về việc xử lý như thế nào đối với tình huống xảy ra là ‘‘mặt bằng lãi suất thế giới tăng, trong khi trong nước được yêu cầu phải giữ ổn định, phấn đấu giảm thêm”? Ngoài ra, NHNN phải kiểm soát tổng phương tiện thanh toán nền kinh tế qua siết van tín dụng cấp vốn cho nền kinh tế, nhưng cũng được yêu cầu nới hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại để cho vay chương trình hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị quyết 43.
“Thống đốc chọn giải pháp hy sinh mỗi thứ một ít, hay không làm gì, hay có giải pháp nào khác để đạt các mục tiêu trên?”, ông Đồng đặt câu hỏi.
Trả lời về vấn đề này, Thống đốc thừa nhận điều hành tiền tệ “cũng đang chịu áp lực” trong bối cảnh lãi suất quốc tế tăng cao như vậy, nhưng chúng ta phải ổn định, thậm chí giảm. “Chúng tôi phải cân đối hài hoà các giải pháp, công cụ, kể cả giải pháp điều hành tín dụng, tỷ giá… để có lợi nhất cho ổn định vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân nhưng không chủ quan lạm phát”, bà Hồng nói.
Xu hướng thế giới khó ”bẻ lái” chính sách tiền tệ Việt Nam
Một báo cáo đánh giá của The Economist gần đây cho thấy, Việt Nam là một trong những nước sẽ chịu ít ảnh hưởng nhất từ động thái tăng lãi suất của FED. Cụ thể, Việt Nam có “chỉ số dễ bị tổn thương” (Vulnerability Index) thấp thứ 3 trong 40 nền kinh tế mới nổi, chỉ sau Ả Rập Xê Út và Nga.
Xếp hạng của The Economist cho thấy tác động của việc nâng lãi suất của FED đối với cán cân tài khoản vãng lai lớn, dự trữ ngoại hối và nợ nước ngoài của Việt Nam đều ít hơn hẳn so với các nước trong khu vực.
Trước đó, giới phân tích trong nước cũng dự báo, xu hướng thắt chặt trên toàn cầu khó có thể ”bẻ lái” chính sách tiền tệ của Việt Nam.
“Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ nới lỏng, tập trung vào gói hỗ trợ lãi suất và mục tiêu có thể cắt giảm lãi suất cho vay tối thiểu 0,5% – 1% trong 2 năm” – chuyên gia của SSI Research đánh giá.
Theo SSI Research, đà hồi phục kinh tế của các quốc gia trên thế giới là không giống nhau, do đó cũng không thể kỳ vọng các ngân hàng trung ương đều nhìn về một hướng. Điều này đặc biệt đúng với các nền kinh tế mới nổi, khi mà tăng trưởng chưa thể quay lại mức trước đại dịch.
“Chính sách tiền tệ/ tài khóa của Việt Nam sẽ lệch pha với xu hướng chung trên thế giới. Việt Nam, cũng như một số nước đang phát triển, có thể tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công và trì hoãn việc thắt chặt chính sách tiền tệ, ít nhất là thêm một năm nữa”, SSI Research cho biết.
Đồng quan điểm, Chứng khoán VnDirect cho rằng áp lực lạm phát khó có thể đảo ngược chính sách tiền tệ của NHNN. Theo đó, nhóm phân tích kỳ vọng NHNN sẽ duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng cho đến ít nhất là cuối quý II/2022 do 3 nguyên nhân.
Thứ nhất, mặc dù áp lực lạm phát dự kiến sẽ gia tăng trong những tháng tới, nhưng chỉ số giá tiêu dùng bình quân nửa đầu năm 2022 dự báo ở mức 2,5% so với cùng kỳ, vẫn thấp hơn nhiều so với mức trần 4%.
Thứ hai, sức cầu trong nước vẫn tương đối yếu, chưa phục hồi hoàn toàn về mức bình thường trước đại dịch.
Cuối cùng, NHNN vẫn ưu tiên mục tiêu duy trì lãi suất cho vay thấp để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi sau đại dịch. Mặc dù không kỳ vọng NHNN sẽ cắt giảm thêm các lãi suất chính sách chủ chốt của mình, nhưng VnDirect cũng tin rằng NHNN sẽ không nâng lãi suất này điều hành trong vòng 3-6 tháng tới nhằm hỗ trợ nền kinh tế phục hồi.
”Chúng tôi kỳ vọng NHNN sẽ hỗ trợ thị trường thông qua hoạt động thị trường mở, chẳng hạn như bơm thanh khoản tiền đồng, mua vào ngoại hối hay nâng trần tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại”, VnDirect nhận định.
Áp lực sẽ dồn vào tỷ giá và lãi suất?
Thị trường ngoại hối trong nước chứng kiến nhiều biến động trong tháng 5/2022 sau khi Fed tiến hành nâng lãi suất cơ bản lần đầu tiên kể từ năm 2018. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, tỷ giá USD niêm yết tại các ngân hàng đã tăng 1,5 – 2%. Diễn biến này tương đối trái ngược với xu hướng ổn định của những năm gần đây, dù trong tháng 5 vừa qua, NHNN đã có những biện pháp ổn định thị trường như thay đổi tỷ giá bán USD và bán ngoại tệ can thiệp.
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng sự lệch pha trong chính sách tiền tệ dẫn đến áp lực duy trì lên tỷ giá USD/VND.
Cụ thể, chênh lệch lãi suất giữa USD và VND tiếp tục giảm trong tuần qua, đặc biệt là với các kỳ hạn ngắn. Thanh khoản vốn bằng USD giảm và duy trì ở mức thấp. Lãi suất huy động USD trên liên ngân hàng cũng được thúc đẩy bởi quyết định tăng lãi suất của FED.
Mặt khác, lãi suất VND liên ngân hàng giảm sâu sau khi hạn mức tăng trưởng tín dụng không còn nhiều và tăng trưởng huy động phục hồi mặc dù dư nguồn trên thị trường 1 đạt mức thấp nhất trong nhiều năm. Hơn nữa, để hỗ trợ nền kinh tế, NHNN đã nỗ lực duy trì các lãi suất chính sách của Việt Nam, dẫn đến áp lực lên dòng chảy USD và theo đó là tỷ giá hối đoái.
Đồng quan điểm, Chuyên gia Trần Ngọc Báu – Founder & CEO của WiGroup cho rằng việc FED tăng lãi suất nhanh và thậm chí tiến hành thu hẹp QE chắc chắn sẽ gây áp lực lên tỷ giá USD/VND trong ngắn và trung hạn, kéo theo đó là lãi suất trong nước cũng sẽ chịu áp lực tăng lên, ban đầu là lãi suất thị trường và thứ đến là các lãi suất chính sách.
Theo ông Báu, khi tỷ giá căng thẳng vì sự dịch chuyển dòng vốn hay áp lực cán cân thương mại,….để giải quyết bài toán này dự trữ ngoại hối mạnh là một công cụ quyền lực nhất. Trong tính huống tích cực, lượng USD dự trữ đủ để bình ổn thị trường thì việc bán USD để bình ổn thị trường sẽ kéo theo ngân hàng nhà nước hút VND về tương ứng. Càng bán nhiều USD thì lượng VND hút về càng lớn và càng gây áp lực lên thanh khoản và từ đó gây áp lực lên lãi suất hệ thống ngân hàng.
Ngược lại, nếu để tỷ giá tăng mạnh sẽ gây áp lực lên việc kiềm chế lạm phát trong nước ở giai đoạn hiện tại. Hành động tất yếu lúc này là phải chủ động tăng lãi suất để giữ chân dòng tín dụng và kiềm chế lạm phát trong nước. Hay nói cách khác lãi suất hệ thống ngân hàng cũng sẽ tăng.
”Trong 1-2 năm tới, xu hướng tăng lãi suất ở Việt Nam là khó tránh khỏi, kể cả dù Ngân hàng Nhà nước có muốn hay không, tuy nhiên với bối cảnh hiện tại tôi cho rằng xu hướng tăng lãi suất ở Việt Nam sẽ không mạnh mẽ và kéo dài như thế giới”, ông Báu nhận định.
Nguồn: cafef.vn