Theo VnDirect, ACB có chiến lược thận trọng với danh mục tài sản không bao gồm trái phiếu doanh nghiệp. Do đó, ACB sẽ không bị ảnh hưởng bởi sự kiểm soát chặt chẽ của Chính phủ gần đây lên thị trường này.
Trong báo cáo mới phát hành, VnDirect cho biết việc Chính phủ có những bước đầu giám sát chặt chẽ hơn về hoạt động của thị trường vốn Việt Nam đã dẫn đến hiệu ứng bán tháo trên thị trường chứng khoán từ tháng 4/2022 và ngành ngân hàng cũng không là ngoại lệ kể.
Theo VnDirect, những hành động và chỉ thị nói trên nhằm tăng cường tính minh bạch và bền vững của thị trường và nâng cao uy tín của Việt Nam trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, những sự việc trên đã dẫn đến những hệ quả tiêu cực ngắn hạn khi hàng loạt giám đốc/chủ doanh nghiệp Việt Nam bị bắt giữ, theo đó mang lại tâm lý tiêu cực cho thị trường chứng khoán Việt Nam. Có thể thấy, chỉ số VN-Index đã điều chỉnh mạnh 15,4% kể từ mức đỉnh vào đầu tháng 4/2022, chủ yếu do tâm lý bán tháo của các nhà đầu tư nhỏ lẻ và hiệu ứng “margin call”.
Với sự liên quan mật thiết đến lĩnh vực bất động sản và thị trường TPDN, ngành ngân hàng cũng ghi nhận đà giảm giá rất mạnh kể từ đó (-16,6%). Tuy nhiên, ACB lại ghi nhận mức giảm giá thấp nhất so với toàn ngành (chỉ – 4%).
Nhóm phân tích cho rằng, ACB là một trong những ngân hàng bán lẻ tốt tại Việt Nam và là một ngân hàng có chiến lược thận trọng với danh mục tài sản không bao gồm trái phiếu doanh nghiệp (TPDN); do đó ACB sẽ không bị ảnh hưởng bởi sự kiểm soát chặt chẽ của Chính phủ gần đây lên thị trường này.
Mặt khác, cho vay bất động sản chiếm 18% danh mục của ACB tuy nhiên chủ yếu đến từ cho vay mua nhà (15%), vì vậy ACB sẽ không chịu tác động đáng kể nào trước động thái giám sát chặt chẽ các khoản vay vào lĩnh vực bất động sản.
”Nói cách khác, mô hình ngân hàng thận trọng và bền vững của ACB đã giúp ngân hàng vượt qua sự khó khăn trước các quy định kiểm soát chặt chẽ hơn trên thị trường vốn Việt Nam”, VnDirect cho biết.
Nguồn: cafef.vn