Trong tuần qua (6-10/6/2022), cổ phiếu ngân hàng diễn biến phân hoá với 11 mã tăng giá và còn lại 16 mã chìm trong sắc đỏ.
TCB là cổ phiếu tăng mạnh nhất (4,1%) trong tuần qua, đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần 10/6 ở mức 37.950 đồng/cp. Thanh khoản của TCB tăng khá mạnh tuần qua với 29 triệu cổ phiếu được khớp lệnh (tăng hơn 50% so với tuần trước), đồng thời có hơn 8 triệu cp được trao tay theo phương thức thỏa thuận.
Các cổ phiếu tăng giá tiếp theo là STB (3,5%), LPB (3,5%), NVB (2,4%), HDB (2%), BAB (1,6%), BVB (1,4%), VPB (0,5%), MBB (0,4%), VCB (0,3%), MSB (0,3%).
STB và LPB chỉ có 2 phiên tăng giá trong tuần qua nhưng trong đó có một phiên tăng kịch trần đã giúp 2 cổ phiếu này lọt top những mã tăng mạnh nhất trong nhóm ngân hàng.
HDB cũng trong top cổ phiếu ngân hàng duy trì sắc xanh tuần qua. Cổ phiếu này gây chú ý với thanh khoản tăng mạnh 2 tuần gần đây với giao dịch lớn ở phương thức thỏa thuận. Trong tuần qua, có gần 10 triệu cp HDB được trao tay theo giao dịch khớp lệnh, 25,7 triệu cp theo phương thức thỏa thuận giá trị hơn 650 tỷ đồng. Tuần trước đó (30/5-3/6/2022) cũng có 30 triệu cp HDB được thỏa thuận, giá trị lên tới 791 tỷ đồng.
HDB cũng tiếp tục được nhà đầu tư nước ngoài mua ròng tuần qua (gần 2,5 triệu cp, giá trị 60 tỷ đồng). Mới đây, HDB đã thông báo điều chỉnh tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài tối đa từ 21,5% xuống 18%. Thời gian điều chỉnh là 9/6. Cổ phiếu này đã được khối ngoại gom ròng gần 370 tỷ đồng chỉ trong một tháng vừa qua.
Ở chiều ngược lại, 16 cổ phiếu ngân hàng giảm giá trong 5 phiên gần đây. Các cổ phiếu giảm mạnh nhất là TPB (-6,8%), EIB (-3,5%), PGB (-3,2%), OCB (-3,1%),….Một số cổ phiếu lớn cũng chìm trong sắc đỏ như BID (-1,6%), CTG (-1,1%),…
Nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 7 mã ngân hàng trong tuần qua, ngoài HDB được mua mạnh nhất thì còn có CTG (mua ròng hơn 2,2 triệu cp), STB (hơn 1,6 triệu cp), SHB, NVB, OCB, VAB. Trong khi đó, khối ngoại bán ròng TPB (hơn 2 triệu cp), VCB (331.100 cp), LPB (231.400 cp),…
Mới đây, Quản lý Quỹ đầu tư Dragon Capital Việt Nam (DCVFM) đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp giấy chứng nhận chào bán ra công chúng cho quỹ ETF DCVFM VNMIDCAP. Đây là quỹ ETF thứ 3 được Dragon Capital cho ra mắt sau DCVFM VNDiamond ETF và DCVFM VN30 ETF, và là quỹ ETF nội thứ 10 trên thị trường. Đáng chú ý, cổ phiếu ngân hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu danh mục quỹ midcap của Dragon Capital, trong đó ba mã cổ phiếu có tỷ trọng lớn nhất bao gồm SSB (7,44%), MSB (6,11%), VIB (5,52%).
Bước sang tháng 6, nhiều ngân hàng đã bắt đầu thực hiện kế hoạch tăng vốn điều lệ đã được Đại hội đồng cổ đông thường niên thông qua. Chẳng hạn ACB ngày 3/6 đã chốt danh sách cổ đông để chi cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 25%. SSB thông báo ngày 17/6 là ngày đăng ký cuối cùng để trả cổ tức bằng cổ phiếu (tỷ lệ 12,73%) và phát hành cổ phiếu để tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu (6,6%).
OCB cũng đang rục rịch triển khai kế hoạch tăng vốn. Cuối tháng 5 vừa qua, nhà băng này đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận việc tăng vốn điều lệ thêm gần 59 tỷ đồng. Trong đó, tăng vốn điều lệ thêm 50 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) và thêm 8,82 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài (ngân hàng Aozora – Nhật Bản). Sau khi hoàn tất đợt phát hành này, vốn điều lệ của OCB sẽ tăng lên 13.758 tỷ đồng.
Nguồn: cafef.vn