Không ít người đã chấp nhận mua bảo hiểm để được vay ngân hàng rồi hủy ngang sau khi đóng phí vài năm đầu. Thậm chí, tận dụng thời gian cân nhắc trong hợp đồng bảo hiểm (21 ngày), nhiều người hủy ngay sau khi được giải ngân để nhận lại tiền phí bảo hiểm. Cách thức này đang được người vay lan truyền với nhau để “đối phó” với ngân hàng, trong trường hợp đã làm mọi cách nhưng không thể từ chối mua bảo hiểm nhân thọ.
Tại Việt Nam, mô hình liên kết kinh doanh giữa ngân hàng và bảo hiểm đã xuất hiện từ những năm 2000 nhưng chưa thực sự bùng nổ cho đến 5 năm gần đây khi hàng loạt ngân hàng trong nước ký thỏa thuận độc quyền với các hãng bảo hiểm nhân thọ lớn. Hoạt động bán chéo bảo hiểm qua ngân hàng rất phổ biến trên thị trường tài chính toàn cầu, và tại Việt Nam cũng được kỳ vọng là hình thức đem lại lợi ích cho cả 3 bên: ngân hàng, bảo hiểm, khách hàng.
Theo Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, năm 2016, tỷ lệ thâm nhập của kênh bancassurance chỉ chiếm hơn 5% thì đến cuối năm 2019, con số này hơn 17% và tăng mạnh khoảng 30% trong năm 2021. Doanh thu bảo hiểm qua kênh ngân hàng tăng rất mạnh những năm gần đây, nhưng đồng thời cũng tồn tại nhiều bất cập, đặc biệt là thực trạng ngân hàng bán bảo hiểm kèm các khoản cho vay.
Chị Hoài Phương (Hà Nội) chia sẻ, trước khi vay ngân hàng, chị đã tham gia 2 hợp đồng bảo hiểm nhân thọ nhưng vẫn bị nhân viên ngân hàng “chèo kéo” mua thêm với lời mời gọi là sẽ được ưu đãi lãi suất 1%. Chị Phương giải thích rất nhiều lần là không có nhu cầu mua bảo hiểm nữa nhưng phía ngân hàng liên tục gây khó dễ trong việc giải ngân.
Tương tự, chị Linh (Hà Nội) cho biết, chị vay mua nhà 1 tỷ đồng, lúc tư vấn thì nhân viên vui vẻ niềm nở, nhưng khi làm hồ sơ để giải ngân thì yêu cầu mua gói bảo hiểm nhân thọ, khi chị từ chối thì nhân viên ngân hàng lập tức đổi thái độ, không chịu giải ngân ngay. Chị Linh không còn lựa chọn nào vì đã đóng cọc tiền nhà và không thể bỏ hợp đồng vay vốn được nữa.
Hay những khách hàng làm kinh doanh, thường xuyên cần vay tiền để làm ăn lại càng ngán ngẩm với hình thức “bán bia kèm lạc” này vì mỗi lần vay lại được yêu cầu mua thêm gói bảo hiểm.
Bởi vậy, không ít người vay đã “nhắm mắt” mua bảo hiểm và xem đó như một loại phí để được giải ngân nhanh khi quá cần tiền rồi hủy ngang sau khi đóng vài năm đầu tiên. Thậm chí, tận dụng thời gian cân nhắc trong hợp đồng bảo hiểm (21 ngày), nhiều người đã hủy ngay sau khi được giải ngân và được hoàn lại phí bảo hiểm. Cách thức này đang được nhiều người lan truyền với nhau để đối phó với ngân hàng, trong trường hợp đã làm mọi cách nhưng không thể từ chối.
Một nhân viên ngân hàng tâm sự, bán bảo hiểm đã không còn là chỉ tiêu phụ mà như chỉ tiêu chính, giống như huy động vốn, tín dụng, phát hành thẻ,…Nhân viên ngân hàng cũng chẳng vui vẻ gì với việc bán bảo hiểm vì nếu như trước đây sau khi giải ngân còn được khách cảm ơn thì bây giờ còn bị khách hàng quay ra ghét bỏ, hằn học. Không ít banker bày tỏ sự áy náy với việc đang làm mọi cách để thuyết phục khách hàng mua bảo hiểm, thậm chí cũng chính họ là người gợi ý khách hàng hủy ngang hợp đồng.
Người bán thì phải bán vì chỉ tiêu kinh doanh, bên mua thì không có nhu cầu nên các điều khoản trong hợp đồng bảo hiểm hầu như không được tư vấn kỹ càng về các điều khoản, quyền lợi. Ý nghĩa tốt đẹp của các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ vì thế mà trở thành gánh nặng và nỗi bức xúc đối với nhiều người, với cả khách hàng và cả nhân viên ngân hàng.
Việc phục vụ, chăm sóc khách hàng sau khi mua bảo hiểm qua ngân hàng cũng còn nhiều bất cập. Nhiều khách hàng phản ánh, người mua không được tư vấn cũng không được chăm sóc, hỗ trợ giải quyết các quyền lợi bảo hiểm tận tình như kênh đại lý. Chưa kể những trường hợp sau vài năm thì ngân hàng dừng hợp tác với công ty bảo hiểm khiến khách hàng “bơ vơ”, không biết hồ sơ sẽ được giải quyết ra sao.
Và không chỉ những khách hàng vay tiền mà nhiều người dân phản ánh rằng khi đến gửi tiết kiệm, rút tiết kiệm, mở thẻ tín dụng,…cũng được nhân viên ngân hàng chào bán bảo hiểm, tất nhiên chỉ dừng ở mức độ tư vấn, chưa rơi vào cảnh “ép buộc” như những khách hàng đi vay.
Trên thực tế, cơ quan chức năng cũng đã nhiều lần lên tiếng về mặt trái của hoạt động bancassurance hiện nay. Ngay tại Chỉ thị 01 hồi đầu năm, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã yêu cầu các tổ chức tín dụng có hoạt động đại lý bảo hiểm phải chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm; tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ đối với hoạt động đại lý bảo hiểm trên toàn hệ thống và xử lý nghiêm những trường hợp yêu cầu khách hàng phải mua các loại bảo hiểm khi cấp tín dụng cho khách hàng.
Bộ Tài chính cũng từng có công văn chấn chỉnh tình trạng “bán bia kèm lạc” này, trong đó khẳng định sẽ thanh tra, kiểm tra chuyện ngân hàng, doanh nghiệp “ép” khách vay mua thêm các loại bảo hiểm không liên quan. Ngân hàng, doanh nghiệp nào vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định.
Dù vậy, nỗi bức xúc của những người đi vay bị “ép” mua bảo hiểm vẫn diễn ra cho đến nay. Bởi trên thực tế, ngân hàng vẫn luôn tuyên bố là không bắt buộc khách hàng, vì đó là giao dịch thỏa thuận của 2 bên. Nhưng ở thế “cửa trên” của người cho vay, ngân hàng là bên đưa ra lựa chọn. Còn người đi vay ở “cửa dưới”, không còn sự lựa chọn nào khác khi cần vốn gấp nên đành theo “luật chơi” của các nhà băng.
Nguồn: cafef.vn