Dù thị trường bảo hiểm nhân thọ 4 tháng đầu năm đã tăng trưởng chậm lại do ảnh hưởng lớn bởi đại dịch COVID-19, song về dài hạn ngành này vẫn đang được định giá hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư.
Theo số liệu ước tính của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) vừa công bố, đến hết tháng 4/2022, tổng số hợp đồng khai thác mới của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ là 925.896 hợp đồng, giảm 22,8% so với cùng kỳ 2021.
Theo đó, trong 4 tháng đầu năm, doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới đạt 15.026 tỷ đồng, giảm 8,2% so với năm 2021. Trong khi tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước đạt là 51.782 tỷ đồng, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, sản phẩm bảo hiểm liên kết chung chiếm tỷ trọng 40,6%, giảm 37,7% so với cùng kỳ năm ngoái; sản phẩm bảo hiểm tử kỳ chiếm tỷ trọng 27,3%, giảm 32,4% so với cùng kỳ 2021.
Chiều ngược lại, sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị chiếm tỷ trọng 23,1%, tăng 94,2% so với cùng kỳ năm ngoái; sản phẩm bảo hiểm sức khỏe chiếm tỷ trọng 7,8% tăng 31,2% so với cùng kỳ 2021.
Theo thống kê của IAV, số lượng hợp đồng có hiệu lực đến cuối kỳ là 13.276.848 tăng 8,2%.
Trong tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường, sản phẩm bảo hiểm liên kết chung chiếm tỷ trọng lớn nhất với 52,6%. Đứng vị trí thứ 2 là sản phẩm sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị chiếm tỷ trọng 19,2%; tiếp theo sau là sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp chiếm tỷ trọng 16,8%; sản phẩm phụ chiếm tỷ trọng 10%.
Các sản phẩm bảo hiểm còn lại chiếm tỷ trọng chỉ 1,5%. Trong đó, sản phẩm bảo hiểm trọn đời chiếm 0,2%; sản phẩm bảo hiểm tử kỳ chiếm 0,6%; sản phẩm bảo hiểm trả tiền định kỳ chiếm 0,1%; sản phẩm bảo hiểm hưu trí chiếm 0,2%, sản phẩm bảo hiểm sức khỏe chiếm 0,38%; sản phẩm bảo hiểm sinh kỳ chiếm 0,0005%.
Trong giai đoạn, tổng số tiền bảo hiểm các doanh nghiệp đã chi trả cho các sản phẩm bảo hiểm là 12.260 tỷ đồng.
Theo nhận định của ông Ngô Trung Dũng, Phó tổng thư ký IAV, tốc độ tăng trưởng thị trường trong năm nay sẽ tiếp tục chậm lại, sau khi quy mô thị trường đã tăng gấp đôi giai đoạn trước đó.
Đại diện của IAV cho rằng xu hướng giảm của thị trường đã xuất hiện từ hơn 2 năm trước, ở thời điểm đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát mạnh tại Việt Nam. Đây chính là yếu tố tác động tiêu cực nhất tới tăng trưởng phí mới của thị trường nhân thọ suốt thời gian qua.
Tuy nhiên, cũng theo ông Dũng, mặc dù tăng trưởng của thị trường đang có xu hướng giảm nhưng so với các thị trường lân cận như Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc… (có mức tăng chỉ ở 3-5%) thì mức tăng trưởng trên 10% của Việt Nam vẫn là hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư.
Trước đó, trong giai đoạn 2011-2019, thị trường bảo hiểm nhân thọ đã có được một giai đoạn luôn giữ đà tăng trưởng nhanh và ổn định, có những năm trên 30%. Sau đó đến năm 2019 thì tốc độ giảm lại còn khoảng 21-22%/năm cho tới nay.
Nguồn: cafef.vn