Đồng yên Nhật giảm so với đô la Mỹ trong phiên thứ Sáu (17/6) khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản quyết định giữ nguyên lãi suất ngắn hạn ở mức âm 0,1% đồng thời cam kết bảo vệ giới hạn lợi suất trái phiếu Chính phủ ở mức 0,25% với lượng mua vào không giới hạn.
Thị trường tiền tệ đã bị khuấy động bởi một trong những đợt thắt chặt chính sách tiền tệ lớn nhất trong vòng nhiều thập kỷ, bao gồm cả đợt tăng lãi suất 3/4 phần trăm vào giữa tuần của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ – mức tăng lớn nhất kể từ năm 1995, và quyết định bất ngờ của Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ khi tăng lãi suất thêm 0,5%.
Chỉ riêng Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) đi ngược với trào lưu này, khi kết thúc cuộc họp vào thứ Sáu (17/6) với quyết định duy trì các biện pháp kích thích hiện tại, bất chấp phải đối mặt với làn sóng thắt chặt trên toàn cầu, và mắc kẹt với lập trường mà họ cho là cực kỳ phù hợp. Sự khác biệt về chính sách tiền tệ này đã góp phần làm cho những biến động gia tăng trên thị trường tiền tệ tuần này, với mọt loạt tỷ giá tăng vọt.
Động thái của BoJ đã đẩy đồng yen tiếp tục giảm sâu, kết thúc phiên 17/6 giảm 2,24% so với USD, xuống 135,105 JPY/USD, và giảm 1,35% so với euro. Hôm thứ Tư (15/6), JPY đã chạm mức thấp nhất 24 năm, là 135,6 JPY/USD.
Simon Harvey, trưởng bộ phận phân tích tiền tệ thuộc Monex Europe cho biết: “Hôm nay, chúng ta đang chứng kiến sự tái cân bằng của thị trường. Đây là một tuần rất biến động”, và “Các thị trường vẫn đang điều chỉnh để phù hợp với kết quả các cuộc họp của các ngân hàng trung ương trong suốt tuần này.”
Đồng USD hồi phục khỏi mức thấp nhất trong vòng một tuần so với các đồng tiền chủ chốt, sau 2 ngày giảm bởi Fed hôm giữa tuần tăng lãi suất thêm 0,75%, một động thái đã được các thị trường dự đoán từ trước, trong nỗ lực kiềm chế lạm phát tăng cao.
Chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt – kết thúc ngày 17/6 theo giờ Việt Nam tăng 1,069% lên 104,99, tính chung cả tuần tăng khoảng 0,75%.
Trong khi đó, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm sau một tuần nhiều biến động, có lúc vọt lên mức cao nhất trong vòng hơn 10 năm, do kỳ vọng về việc lãi suất của Mỹ tăng mạnh mẽ, nhưng sau đó lại giảm bởi lo ngại lãi suất quá cao sẽ tác động tiêu cực đến tăng trưởng của nước này.
Quyết định bất ngờ của Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB) về việc tăng lãi suất thêm 0,5% tiếp tục “gây tiếng vang” trên các thị trường, với việc đồng euro mất nửa phần trăm và đồng franc quay trở lại mức cao nhất trong hai tháng, như đã đạt ngay sau khi SNB hôm thứ Năm thông báo về lãi suất.
Euro kết thúc ngày 17/6 theo giờ Việt Nam giảm 0,91%, xuống 1,0456 USD. So với đồng franc Thụy Sĩ, đồng tiền chung đã giảm 0,46%, xuống 1,0148 CHF /EUR. Đồng franc đã tăng vọt lên mức cao nhất trong hai tháng vào thứ Năm (16/6), sau khi SNB tăng lãi suất và các nhà đầu tư nhận định thể chế tài chính này sẽ không cố gắng ngăn chặn đồng franc mạnh như trước đây.
Đồng USD phiên vừa qua cũng giảm 0,43% so với franc, xuống 0,9656 CHF/USD, sau khi giảm mạnh nhất trong vòng 7 năm ở phiên liền trước.
“Việc Thụy Sĩ bất ngờ tăng lãi suất, cũng như việc Ngân hàng Trung ương châu Âu thông báo rằng họ đang nghiên cứu một công cụ để ngăn chặn sự phân hóa của thị trường trái phiếu châu Âu, sẽ giúp hạn chế sức mạnh của USD, giữ cho đồng tiền này ở mức hiện tại”, các chiến lược gia của UBS’s Global Wealth Management’s cho biết.
Đồng bảng Anh giảm 1,37% xuống 1,2182 USD, xóa đi gần như toàn bộ mức tăng ở phiên liền trước, khi Ngân hàng Trung ương Anh quyết định nâng lãi suất một lần nữa – mặc dù nâng ít hơn nhiều so với dự kiến của thị trường, cùng với một tín hiệu “diều hâu” về hành động chính sách trong tương lai.
Nhiều loại tiền tệ khác cũng đang phải đối mặt với sự sụt giảm lớn, nhất là những tài sản rủi ro cao – đã mất giá theo thị trường chứng khoán.
Đô la Australia – vốn rất nhạy cảm với tâm lỹ đầu tư toàn cầu, đã giảm 1,87% xuống chỉ dưới 0,6914 USD sau khi thị trường chứng khoán ở châu Á lao dốc và Phố Wall biến động trái chiều sau đợt bán tháo mạnh vào thứ Năm (16/6).
Đồng rúp của Nga tăng nhẹ ở phiên vừa qua, theo đó tăng 0,3% so với USD, lên 56,35 RUB, và tăng 0,2% so với euro, lên 58,90 RUB, đảo ngược xu hướng giảm trước đó.
Trái lại, nhân dân tệ của Trung Quốc giảm trở lại trong phiên cuối tuần, lùi khỏi mức cao nhất trong vòng một tuần so với đồng USD, khi đồng bạc xanh tìm lại được cơ sở hỗ trợ. Theo đó, tỷ giá CNY trên thị trường giao ngay kết thúc tuần ở mức 6,7027 CNY, tăng 13 pip so với phiên liền trước; trên thị trường nước ngoài, nhân dân tệ giảm xuống 6,7077 CNH/USD, so với 6,6840 CNH ở phiên liền trước. Chỉ số đồng nhân dân tệ so với rổ tiền tệ hiện ở mức 101,91.
Trên thị trường tiền điện tử, Bitcoin biến động mạnh trong phiên 17/6, nhưng vẫn không xuyên thủng được mức 21.000 USD, trái lại có lúc xuống gần sát 20.000 USD.
Giá vàng giảm trong phiên vừa qua, với mức giảm khoảng 1%, và tính chung cả tuần cũng giảm do USD mạnh lên và các ngân hàng trung ương lớn ồ ạt nâng lãi suất, làm giảm sức hấp dẫn của kim loại trú ẩn an toàn.
Giá vàng giao ngay lúc kết thúc ngày 17/6 theo giờ Việt Nam được giao dịch ở mức 1.840,60 USD/ounce, so với cuối tuần trước đã giảm 1,6%. Trong khi đó giá vàng kỳ hạn tháng 8 giảm 0,5% xuống 1.841,40 USD.
Chiến lược gia thị trường cấp cao Bob Haberkorn của RJO Futures cho biết vàng đang mất động lực đi lên, sau khi tăng mạnh hôm thứ Năm (16/6), do đồng USD mạnh lên. Nhưng theo ông, vàng vẫn “mắc kẹt giữa cuộc chiến giằng co giữa lạm phát và lãi suất”.
Tuy nhiên, sức hấp dẫn của vàng như một nơi trú ẩn an toàn vẫn được hỗ trợ bởi rủi ro ngày càng cao về khả năng xảy ra lạm phát đình trệ, lạm phát cao nhất hàng thập kỷ và sự hỗn loạn trên các thị trường sản rủi ro, nhà phân tích Ole Hansen của Ngân hàng Saxo cho biết.
Tham khảo: Refinitiv, Coindesk
Nguồn: cafef.vn