Cổ phiếu PNJ đạt tỷ suất sinh lời đáng ngưỡng mộ với mức tăng 35% từ đầu năm, thậm chí còn vừa thiết lập đỉnh giá mới
Gần 6 tháng đầu đầy thăng trầm của năm 2022 đã trôi qua. Bối cảnh nhiều thị trường toàn cầu điều chỉnh mạnh đã tác động đến tâm lý nhà đầu tư, thông tin tiêu cực đẩy áp lực bán gia tăng tại nhiều nhóm cổ phiếu, đặc biệt tại nhóm vốn hóa lớn với đại diện tiêu biểu là các cổ phiếu rổ VN30.
Tính đến con số chốt phiên ngày 27/6, đa phần cổ phiếu nhóm VN30 đều sụt giảm so với mức giá khởi đầu năm nay. Số cổ phiếu tăng điểm so với đầu năm vỏn vẹn 6 mã. Ở chiều ngược lại, 24 mã giảm giá. Đáng chú ý, khi mà chỉ số VN-Index sụt giảm khoảng 20% từ đầu năm thì lượng cổ phiếu nhóm VN30 giảm mạnh hơn mức này lên tới con số 17, quá bán danh mục rổ.
Quán quân tăng điểm hàng chục phần trăm, lập đỉnh giá mới
Ở chiều tăng, đại diện sáng giá gọi tên cổ phiếu PNJ của Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận. Khởi đầu năm nay, thị giá PNJ đạt 97.150 đồng/cổ phiếu. Xuyên suốt 6 tháng, bất chấp thị trường trồi sụt liên tục, thị giá PNJ chính thức ghi danh câu lạc bộ ba chữ số vào khoảng tháng 2, sau đó cũng có những nhịp chỉnh nhưng nhìn chung vẫn bảo toàn xu hướng tăng bền vững. Hiện kết phiên 27/6, giá cổ phiếu PNJ đã leo lên ngưỡng 129.500 đồng/cp – đỉnh giá mới, tương ứng mức tăng lên tới 35% kể từ đầu năm. Đây được xem là tỷ suất sinh lời đáng ngưỡng mộ của một bluechips trong năm nay.
Yếu tố củng cố đà tăng vững chắc cho cổ phiếu PNJ có thể xuất phát từ triển vọng tích cực về kết quả kinh doanh phục hồi hậu COVID-19. Riêng trong 5 tháng đầu năm 2022, dù chưa đầy nửa năm song công ty đã thực hiện được 60% kế hoạch doanh thu và gần 77% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Trong tương lai, mặc dù có khả năng dư cầu, SSI Research vẫn kỳ vọng sẽ có nhiều cơ hội để PNJ giành thêm thị phần từ các cửa hàng tư nhân khác nhau khi nhu cầu của người tiêu dùng tiếp tục chuyển hướng từ các cửa hàng tư nhân nhỏ lẻ sang trang sức có thương hiệu.
Cùng nhóm bán lẻ, cổ phiếu MWG cũng ngược dòng thị trường khi tăng 6% từ đầu năm, chốt phiên 27/6 đạt 71.500 đồng/cp. Mới đây, MWG đã công bố KQKD tháng 5/2022, trong đó doanh thu và lợi nhuận ròng lần lượt đạt 11,4 nghìn tỷ đồng (đi ngang so với cùng kỳ) và 383 tỷ đồng (-21% so với cùng kỳ). SSI Research cho rằng kết quả hoạt động trong tháng 6-7 tới của MWG chưa thể cải thiện nhiều do biên lợi nhuận vẫn chịu tác động từ việc giải phóng hàng tồn kho của Bách Hóa Xanh. Với tốc độ thay đổi cách trưng bày 500 cửa hàng mỗi tháng, SSI kỳ vọng MWG sẽ hoàn tất việc thay đổi này trên tất cả các cửa hàng BHX vào cuối tháng 7, giúp kết quả hoạt động của MWG cải thiện từ tháng 8 trở đi.
Tương tự, “ông lớn” ngành khí là GAS – Tổng Công ty Khí Việt Nam-CTCP cũng có những diễn biến tương đối khả quan trong nửa đầu năm nay. Thị giá trong phiên 17/6 thậm chí đã lập đỉnh cao mới 134.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, áp lực điều chỉnh nhanh chóng xuất hiện khiến GAS quay đầu, giảm về mức 114.400 đồng/cổ phiếu, tương ứng chiết khấu gần 15% so với đỉnh giá, tuy nhiên vẫn ghi nhận tăng 19% kể từ đầu năm đến nay.
Trong một báo cáo mới cập nhật, Agriseco Research cho biết kết quả kinh doanh GAS trong quý 2 này sẽ phụ thuộc nhiều vào diễn biến giá dầu thô khi giá bán khí được tính toán dựa trên giá dầu FO. Đáng chú ý, phụ tải điện tại Đông Nam Bộ là khu vực tiêu thụ chính của nhóm điện khí đang dần ổn định trở lại đảm bảo sản lượng tiêu thụ khí trong bối cảnh giá vẫn neo ở mức cao. Do đó, Agriseco Research kì vọng GAS sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng trong quý 2, lợi nhuận kỳ vọng tăng 55% so với cùng kỳ lên khoảng 3.600 tỷ đồng. Lợi nhuận nửa đầu năm 2022 theo đó tăng trưởng khoảng 63% lên mức 7.100 tỷ đồng.
Cùng có mức tăng hai chữ số phần trăm, thị giá FPT tăng 13% từ đầu năm cho tới hiện tại, hiện đạt mức 86.500 đồng/cp. Với việc gia tăng hợp tác với các công ty công nghệ lớn, Agriseco Research kỳ vọng FPT sẽ gia tăng được các hợp đồng ký mới với tốc độ tăng trưởng tiếp tục đạt trên 30% về doanh thu. Riêng trong quý 2 này, Agriseco Research nhận định tình hình kinh doanh của FPT sẽ khả quan với doanh thu thuần tăng 20% và LNST tăng 30% lên mức 1.600 tỷ đồng.
Hai bluechips khác là SAB của Tổng CTCP Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn và VJC của Hàng không VietJet cũng đạt mức tăng trưởng dương, lần lượt là 6% và 4% từ đầu năm đến nay. Cũng như PNJ, hai doanh nghiệp này được xem có triển vọng tích cực nhờ hưởng lợi từ xu hướng cầu phục hồi hậu COVID-19 là mảng đồ uống hay du lịch. Thị giá SAB kết phiên 27/6 đạt 156.800 đồng/cp trong khi VJC ghi nhận mức giá 133.000 đồng/cp.
Ngoài những mã chứng khoán tăng điểm trên, 24 cổ phiếu còn lại thuộc rổ VN30 đều ghi nhận tăng trưởng âm so với đầu năm.
Giảm nhẹ nhất là cổ phiếu BVH của Tập đoàn Bảo Việt. Thị giá kết phiên 27/6 đạt 55.100 đồng/cp, giảm nhẹ 2% so với mức giá 56.000 đồng hồi đầu năm. Mức giảm dưới 10% còn ghi nhận tại các cổ phiếu khác như Vincom Retai (VRE) và Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB).
Trong khi đó, giảm mạnh nhất trong nhóm VN30 là cổ phiếu ngành chứng khoán SSI. Diễn biến tiêu cực của thị trường chung biến nhóm công ty chứng khoán trở thành tâm điểm hứng chịu áp lực bán mạnh. Trong đó, SSI có thể coi như một điển hình của ngành chứng khoán. Cổ phiếu này gây chú ý khi đã rơi xuống mức thấp nhất trong vòng hơn 1 năm trở lại đây, có thời điểm giữa tháng 6 vừa qua đã chính thức rớt khỏi nhóm tỷ USD trên sàn chứng khoán. Hiện thị giá chỉ đạt 19.850 đồng/cổ phiếu, tương ứng “bốc hơi” hơn 60% so với đỉnh cuối năm 2021.
Đà giảm của “anh cả” ngành thép HPG cũng gây chú ý. Cổ phiếu này kết thúc phiên 27/6 tại mức 22.900 đồng/cổ phiếu, vùng đáy giá 17 tháng, tương ứng giảm 35% kể từ đầu năm. Còn nếu so với đỉnh đạt được hồi cuối tháng 10 năm ngoái, HPG đã mất hơn gần nửa thị giá. Vốn hóa thị trường cũng theo đó “bốc hơi” hơn 122.100 tỷ đồng (~5,3 tỷ USD) xuống còn 133.159 tỷ đồng. Lượng vốn hóa bị đánh mất gấp bằng lần vốn hóa của những công ty chứng khoán đầu ngành và tổng vốn hóa một số ngân hàng tầm trung hiện nay.
Cổ phiếu đại gia cao su GVR cũng là một trong những mã vốn hóa lớn chịu ảnh hưởng nặng nề bởi làn sóng bán tháo quét qua thị trường vừa qua. Cổ phiếu này vừa trải qua nhiều phiên giảm mạnh liên tiếp khiến thị giá mất gần 37% sau nửa đầu năm để lùi xuống mức 23.350 đồng/cổ phiếu. Vốn hóa cũng theo đó “bốc hơi” hơn 54.000 tỷ đồng (~2,3 tỷ USD) trong 6 tháng.
Ngoài ra, mức giảm 20-35% tương đối phổ biến trong những, cụ thể VHM giảm 20% xuống 63.500 đồng/cp, POW giảm 21% xuống mức 13.850 đồng/cp, PDR giảm 25% xuống 52.600 đồng/cp, KDH giảm 23% xuống mức 39.050 đồng/cp…
Loạt cổ phiếu ngân hàng cũng đánh mất hàng chục phần trăm giá trị như CTG giảm 24%, TCB giảm 29%, STB giảm 32%, TPB giảm 35%, MBB giảm 17%, VPB giảm 19&, ACB giảm 13%…
Agriseco Research gần đây đã đưa ra những đánh giá cụ thể về mức định giá của các cổ phiếu nhóm VN30 theo phương pháp P/B nhằm so sánh mức độ tương quan giữa giá trị cổ phiếu và giá trị sổ sách của doanh nghiệp, từ đó đưa ra kết luận mức định giá của cổ phiếu đã trở về vùng hấp dẫn hay chưa.
Kết quả tại nhóm VN30 cho thấy, có 13/30 cổ phiếu đang ghi nhận định giá P/B hiện tại cao hơn trước Covid-19, mặc dù vậy, chỉ 10/30 doanh nghiệp ghi nhận tình hình hiệu quả kinh doanh khả quan hơn so với thời điểm trước dịch.
Nhìn tổng quan toàn bộ rổ cổ phiếu VN30, mức định giá P/B trung bình của 30 cổ phiếu hiện tại là 2,66 lần; thấp hơn một chút so với thời điểm cuối năm 2019 là 2,7 lần; tuy nhiên ROE bình quân của 30 cổ phiếu là khoảng 18%, thấp hơn so với mức 20,1% trước khi Covid-19 xuất hiện. Như vậy, mặc dù định giá P/B của VN30 đang thấp hơn một chút so với trước dịch, nhưng hiệu quả kinh doanh chưa cải thiện nhiều. Do đó, Agriseco Research cho rằng, định giá của nhóm cổ phiếu trong VN30 đang ở vùng hợp lý và đã xuất hiện một số cổ phiếu ở vùng giá hấp dẫn.
Nguồn: cafef.vn