Công an tỉnh Bình Phước vừa triệt phá đường dây hoạt động cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự do Trần Văn Chuyển, sinh năm 1989 tại tỉnh Ninh Bình cầm đầu với lãi suất 360%/ năm.
Đầu tháng 5-2022, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bình Phước phát hiện một nhóm “tín dụng đen” chuyên cho những người buôn bán nhỏ vay lãi với lãi suất rất cao. Đến giữa tháng 5-2022, xác định được chính xác danh tính của nhóm này gồm: Trần Văn Chuyển, SN 1989 tại xã Hùng Tiến, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình; Liêu Văn Hùng, SN 1998; Nguyễn Văn Tú, SN 1995; Trương Văn Dưỡng, SN 1994; Trương Quốc Tuấn, SN 1999; Trần Văn Thức, SN 1995; Trương Văn Cảo, SN 1993, tất cả cùng trú phường Tân Xuân, thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước.
Biết cơ quan Công an đang vào cuộc điều tra, một số nạn nhân đã đến cung cấp thông tin tố cáo Trần Văn Chuyển. Trong số này, có người thế chấp bằng xe mô tô, xe máy cày, xe ba gác máy, nhưng trên giấy tờ lại thể hiện là người vay đã ký bán cho chúng rồi thuê lại với giá cao, số người khác thế chấp sổ đất rẫy song mức lãi suất được ghi chỉ cao hơn ngân hàng một chút nên không thể chứng minh đây là hoạt động cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự.
Đêm 13-6-2022, sau khi nắm được thông tin nhóm này sẽ tiến hành giao dịch với một số con nợ nên các tổ trinh sát đã bố trí đội hình đón sẵn tại các điểm đã định từ trước và đã bắt quả tang đối tượng Trương Văn Cảo đang nhận tiền góp của một người vay “tín dụng đen” tại khu vực Tượng Đài chiến thắng Đồng Xoài, thuộc khu phố Phú Thịnh, phường Tân Phú, thành phố Đồng Xoài. Tại cơ quan Công an, Cảo đã phải khai ra đồng bọn và quy trình hoạt động của băng nhóm. Từ lời khai của Cảo, ngay trong đêm 13 và ngày 14-6-2022, cơ quan điều tra ra lệnh bắt khẩn cấp đối với Trần Văn Chuyển; Liêu Văn Hùng, Nguyễn Văn Tú, Trương Văn Dưỡng, Trương Quốc Tuấn và Trần Văn Thức.
Mặc dù qua công tác khám xét nơi ở của các đối tượng, thu giữ nhiều sổ sách, giấy tờ, hợp đồng thể hiện nội dung hoạt động cho vay nặng lãi, nhưng Trần Văn Chuyển vẫn liên tục cho rằng mình bị oan và số sổ sách giấy tờ ấy là của mấy đứa ở chung phòng chứ bản thân chỉ buôn bán kiếm sống. Đang trong lúc Chuyển quanh co chối tội thì một nạn nhân nữ đến tố cáo.
Trong nội dung trình bày, chị này khẳng định sau tết do cần tiền làm vốn buôn bán, chị đã vay không thế chấp của Chuyển 10 triệu đồng, mỗi ngày trả góp 435.000 đồng (tương ứng với 30%/tháng – 360%/năm), nhưng chỉ được nhận thực tế 9 triệu đồng, còn lại bị ngắt 1 triệu gọi là phí do chúng tự đặt ra. Đến ngày thứ 20 của kỳ vay, biết chị buôn bán ế ẩm, chúng xua quân đến cửa hàng ép buộc chị phải ký giấy bán chiếc xe mô tô tay ga mới mua rồi phải ký giấy thuê lại với giá cao và đến cuối kỳ do không thể thanh toán hết cả gốc lẫn lãi, chị phải ký giấy bán xe cho Chuyển với giá rẻ. Trước những bằng chứng rõ ràng, Chuyển không còn chối cãi được nữa.
Trước đây Trần Văn Chuyển từng hoạt động cho vay nặng lãi ở tỉnh Ninh Bình và một số khu vực lân cận. Tuy nhiên do số người vay có hạn mà số băng nhóm cứ liên tục nổi lên rồi tranh giành địa bàn, Chuyển đã nhờ một số đàn anh chỉ đường dẫn lối vào TP. Hồ Chí Minh. Sau thời gian tìm hiểu, biết thị trường TP. Hồ Chí Minh còn khốc liệt hơn cả Ninh Bình nên Chuyển đã lang bạt đi nhiều tỉnh thành khác và cuối cùng quyết định chọn TP. Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước để hoạt động.
Chuyển đã kết giao với một vài tay anh chị và được những tay này giới thiệu cho Chuyển thâu nạp Hùng, Tú, Dưỡng, Tuấn, Thức (là những đối tượng nghiện hút và cũng từng nhiều lần theo chân đàn anh đi đánh chém tranh giành địa bàn). Hầu hết các giao kèo cho vay thường không thể hiện trực tiếp vay tiền mà chuyển hóa thành dạng người vay bán xe mô tô hoặc một số loại tài sản có giá trị khác cho Chuyển với giá rẻ rồi thuê lại với giá cao. Khi người vay không còn khả năng thanh toán thì buộc phải làm thủ tục sang tên cho chúng. Trường hợp vay không thế chấp và trả góp hàng ngày, Chuyển cắt luôn phần lãi và phí quản lý dịch vụ trước, nhưng trên giấy tờ vẫn thể hiện đủ số tiền và lãi suất chỉ cao hơn ngân hàng một chút.
Chuyển cho in tờ rơi với nội dung cho vay tài chính lãi suất hấp dẫn, không cần thế chấp, nhận tiền ngay trong ngày rồi giao cho đàn em dán ở tất cả những cột điện, bờ tường nơi có đông người dân qua lại và vào tận hang cùng, ngõ hẻm nhét vào khe cửa của từng nhà. Ngoài ra, còn tranh thủ gặp gỡ những người buôn bán, nhất là những người bán ngành hàng ăn uống, quần áo ở lề đường và rau, củ, quả ở tất cả các khu chợ TP Đồng Xoài và các huyện, thị lân cận.
Khi có khách liên hệ vay tiền, Chuyển sẽ trực tiếp nói chuyện để quyết định thực hiện giao kèo theo dạng thế chấp hay không, trả góp theo ngày, tuần hay tháng cùng mức lãi suất rồi giao cho Trương Văn Cảo hẹn ở một điểm bất kỳ nào đó để đưa giấy cho người vay ký tên và giao tiền. Trường hợp không thế chấp, Cảo sẽ đến tận nhà hoặc chỗ người vay buôn bán và nếu xác định người này có hộ khẩu tại địa phương thì giao kèo cho vay, nhưng phải trả góp mỗi ngày và phải chịu phí quản lý giao dịch do chúng tự đặt ra.
Mỗi ngày, Cảo đều dẫn đầu nhóm gồm Hùng, Tú, Dưỡng, Thiệp đi thu tiền mang về nộp lại cho Chuyển. Trường hợp người vay nào chậm trễ đóng tiền góp, lập tức nhóm này sẽ đến chửi bới, thậm chí dùng hung khí đe dọa buộc nạn nhân phải tìm cách xoay tiền để nộp. Lãi suất mà Chuyển quy định tùy theo món vay nhiều hay ít, có thế chấp hay không, nhưng luôn giao động ở mức từ 25-30%/tháng (300-360%/năm). Đám tay chân đắc lực của Chuyển, ngoài việc được trả lương cố định hàng tháng, nuôi ăn, ở nhà trọ, còn được hưởng hoa hồng nếu dắt được người có nhu cầu vay tiền đến gặp Chuyển.
Hiện cơ quan Công an vẫn đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án.
Nguồn: cafef.vn