Trong đầu tư phải rất là khó tính, kiểu như người ta hay nói “Dễ thương thì đáng yêu, còn dễ yêu thì đáng thương”
Tại chương trình Bí mật đồng tiền số 27 với chủ đề “Đại hội gồng lỗ”, BTV Ngọc Trinh cùng các chuyên gia chứng khoán đã có những chia sẻ những kiến thức, kỹ năng và đặc biệt là tâm lý để nhà đầu tư có thể tìm kiếm được một giải pháp, cách ứng xử phù hợp với tài khoản của mình khi thị trường đi xuống. Vậy đâu là câu trả lời khi nào thì nhà đầu tư nên quyết định không gồng lỗ nữa?
Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Gia Khánh – Chuyên viên tư vấn chứng khoán tại CTCP Chứng khoán SSI nêu rõ NĐT mua cổ phiếu vì lí do gì thì sẽ bán vì lí do đấy. Trong quá trình cổ phiếu giảm, yếu tố tác động tới cổ phiếu có xảy ra hay không, có thay đổi với thời điểm mua hay không. Ông cho rằng nếu yếu tố tác động đấy do ảnh hưởng của thị trường chung, chưa có gì thay đổi về cơ bản của doanh nghiệp, ông sẽ trung bình giá khéo léo khi thị trường có những nhịp hồi. Ông nhận định rằng khi đã đi vào con đường cổ phiếu cơ bản, chắc chắn không có một cổ phiếu nào cứ giảm mãi được.
Theo góc nhìn của chuyên gia Phạm Lưu Hưng (Mr. X30) – Kinh tế trưởng SSI, trung bình giá hiểu một cách đơn giản là khi giá cổ phiếu giảm NĐT mua thêm, điều này không nên làm. “Bởi chúng ta cần đánh giá lại về giả định trước đó về triển vọng của công ty, nếu đánh giá vẫn đi đúng hướng thì chúng ta mới tính tiếp. Chứ không mua thêm cổ phiếu chỉ vì giá giảm. Nhiều khi mua cổ phiếu không nên chìm đắm vào cổ phiếu đó quá, bởi sẽ khó để có thể thoát ra được. Trong đầu tư phải rất là khó tính, kiểu như người ta hay nói “Dễ thương thì đáng yêu, còn dễ yêu thì đáng thương”, ông chia sẻ.
Đặc biệt, chuyên gia nhấn mạnh NĐT cần có tư duy và cái nhìn rộng hơn: “Đừng cố gắng nhìn vào cổ phiếu đang thua lỗ, mà cứ đau đáu cầm nó trong khi có thể nhìn rộng ra cả danh mục, có thể danh mục không làm sao cả. Khi chúng ta có thể cắt lỗ, gồng lỗ thì chúng ta bị mất đi chi phí cơ hội để cầm cổ phiếu khác tốt hơn. Vậy nên không nên nhìn hẹp mà cần nhìn rộng ra cả câu chuyện đầu tư.”
Trên quan điểm của ông Nguyễn Thanh Tùng, tư vấn đầu tư, Phó Giám đốc chi nhánh Nest by AIA, cảm giác thua lỗ thực sự tệ khi tham gia vào thị trường, cái khó nhất là phải đối mặt với nó và đưa ra giải pháp. Ông cũng đưa ra một số những giải pháp như xem lại phương pháp đầu tư của bản thân, thực sự NĐT có đang phù hợp với phương pháp đó không. Tiếp theo, NĐT cần cơ cấu lại danh mục trong Downtrend, mặc dù không NĐT muốn làm điều này nhưng đây là yếu tố bắt buộc do tài khoản đã lỗ. Ông Tùng cho biết đối với cổ phiếu Midcap hay Bluechips cần đánh giá lại doanh nghiệp, còn lại NĐT phải bán bằng mọi giá. Với những cổ phiếu có tính chu kỳ cao như thép, chứng khoán, bất động sản… nhà đầu tư cần phải thật sự khắt khe và nghiêm túc để “đãi cát tìm vàng”.
“Cuối cùng, bạn cần xây lại tháp tài sản, bởi nếu trong cơ cấu danh mục vẫn còn những cổ phiếu tốt, hoàn toàn có thể tích lũy dài hạn để phục vụ mục tiêu trong tương lai. Khi có một lớp tài sản phòng vệ hoặc tài sản đầu tư dài hạn, bạn vẫn có thể lấy lại lợi nhuận trong tương lai”, ông Tùng đưa ra quan điểm.
Theo thống kê của ông trong Downtrend, thông thường thời gian thị trường điều chỉnh dài nhất rơi vào 36 tháng, sau đó cổ phiếu sẽ đi lên và lấy lại lợi nhuận đã mất.
Nguồn: cafef.vn